Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca
10:56', 20/8/ 2006 (GMT+7)

Bình Định là nơi địa linh nhân kiệt, có bề dày lịch sử, văn hóa với những truyền thống, bản sắc địa phương phong phú và đa dạng. Trải qua lịch sử đấu tranh khai phá, xây dựng và bảo vệ, các thế hệ phụ nữ Bình Định (PNBĐ) chẳng những kế thừa truyền thống anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang của phụ nữ Việt Nam mà còn có được những bản sắc rất riêng, rất địa phương. Từ xưa đến nay, phụ nữ vốn được coi là “chân yếu tay mềm” nhưng với PNBĐ thì khác, khác đến nỗi “thiên hạ” phải ... kháo nhau:

 

Cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam khác, phụ nữ Bình Định cũng giỏi tảo tần, chăm lo cho gia đình. Nhưng khác với phụ nữ ở nơi khác, họ còn rất quyết liệt trong giữ gìn mái ấm của mình bằng cái chất "cầm roi đi quyền". Ảnh: Đ.T.Đ

 

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đi quyền .

Câu ca quen thuộc này vừa biểu lộ được cái uy - cái bản sắc rất riêng, vừa chứng minh được khí phách và tinh thần thượng võ của PNBĐ, xứng đáng với vùng đất vốn dĩ được mệnh danh là đất võ. Nhưng PNBĐ không chỉ có biết cầm roi đi quyền, họ còn là những người rất trọng nhân nghĩa:

Nghĩa nhơn hai gánh tràn trề

Gánh từ Phù Mỹ gánh về Bồng Sơn

Em ngồi em kể công ơn

Bạc vàng nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều.

Chung thủy với nhau trong quan hệ vợ chồng, trong tình yêu đôi lứa cũng là đặc tính nổi bật của PNBĐ. Khi đất nước lâm nguy, người chồng phải lên đường ra chiến trận, người vợ ở nhà đảm đang gánh vác cả công việc nhà chồng, để chồng yên tâm nơi trận mạc:

Ai đi theo chúa Tây Sơn

Em về cày cuốc mà thương mẹ già.

Trong đời sống vợ chồng thì vợ kính chồng, chồng nể vợ, thương yêu, tôn trọng và chiều chuộng nhau, tình nghĩa vợ chồng trọn vẹn nên càng già lại càng đằm thắm:

Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu

Thương nhau đến tuổi bạc đầu càng thương...

Không chỉ có thế PNBĐ còn nổi tiếng về sự chung thủy mà truyền thuyết về Hòn Vọng phu là một minh chứng: chờ chồng đến quên mình, đến hóa đá. Hòn vọng phu là một tảng đá xanh cao trên đỉnh núi Bà (thôn Chánh Oai- Phù Cát); tương truyền có một người đàn bà dắt con ngày ngày lên núi chờ chồng nhưng chờ mãi, chờ mãi mà người chồng không bao giờ về nữa. Người đàn bà ấy đã hóa đá trong lúc mắt vẫn đăm đắm nhìn ra biển khơi... và Hòn vọng phu đã trở thành biểu tượng của lòng chung thủy.

Phẩm chất thanh cao trong sáng của người PNBĐ còn thể hiện ở tình yêu đôi lứa. Mối tình của họ thường gắn với công việc đời thường như dệt lụa, kéo tơ... Qua đó họ gửi vào những tình cảm nồng thắm; những lời thề thốt:

Dừa xanh trên bến Tam Quan

Dừa bao nhiêu trái thương chàng bấy nhiêu.

 

Hay những lời nhớ nhung:

 

Ngồi buồn xe chỉ dệt hàng

Khung cửi kêu kút kít dạ thương chàng líu lăng.

Hoặc có những lúc hờn dỗi:

Anh về Đập Đá, Gò Găng

Để em kéo vải đêm trăng một mình.

Bình Định có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng như dệt lụa, dệt chiếu, làm nón...Nghề dệt lụa phát triển nhiều nơi như Phú Phong, An Thái, Bồng Sơn... lụa dệt cao nhất là ở Nhơn Ngãi (An Nhơn), sản phẩm làm ra chẳng những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu. Các nghề làm nón, dệt chiếu... chủ yếu cũng do phụ nữ đảm trách. Nghề dệt chiếu tuy hạn hẹp nhưng nổi tiếng chẳng kém các nghề khác. Những nơi chuyên sản xuất chiếu như An Nghiệp, Công Lương, Bồ Địch (Phù Mỹ )hoặc Chương Hòa (Hoài Nhơn)... Chiếu Bồ Địch nổi tiếng đẹp và bền nên có câu hát:

Anh về Bồ Địch giếng vuông

No cơm ấm chiếu luông tuồng bỏ em.

Ngoài các nghề kể trên, Bình Định còn nhiều nghề đặc sắc khác như làm bún song thằng, bánh tráng nước dừa, thảm dừa... Cũng do bàn tay tài hoa khéo léo của người PNBĐ làm ra.

Nếu trong chiến tranh, PNBĐ chăm chỉ rèn luyện võ nghệ, sánh vai cùng nam giới giết giặc cứu nước, cứu dân thì lúc tổ quốc thái bình, họ lại trở về với đời thường phát huy tột đỉnh những phẩm chất cao quí vốn có của người phụ nữ. Đó là những mẹ hiền tần tảo nuôi con, là những người vợ đảm đang thủy chung, là những người con hiếu thảo với cha mẹ...Phải tự hào rằng trong mọi thời, người mẹ Bình Định đều làm tròn bổn phận của mình do lịch sử giao phó mặc dù phải chịu bao nổi tủi nhục, đắng cay. Trong bất kì hoàn cảnh nào, tình thương của người mẹ vẫn tỏa sáng, làm dịu đi những nổi đau của những mãnh đời bất hạnh. Đức hy sinh của người mẹ Bình Định thật non chồng bể chứa, càng nghèo khó bao nhiêu, càng sâu đậm bấy nhiêu:

Trời giông gió lọt song hồ

Chổ ướt phần mẹ, chổ khô con nằm

Đường xa sức mỏi chân rần

Chén cơm kiếm được nhịn phần con ăn.

Những truyền thống, bản sắc tốt đẹp đó đã được các thế hệ PNBĐ kế thừa và phát huy. Có thể nói, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng PNBĐ mà còn là một thứ tài sản quí báu của địa phương.

  • Bảo Huy
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (18/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (16/08/2006)
Từ giọng địa phương Bình Định đến vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia   (11/08/2006)
Gặp gốm cổ Bình Định giữa Hoàng thành Thăng Long   (13/08/2006)
Hát kết và ông tổ hát kết Bình Định  (10/08/2006)
Tin vào trực giác của trái tim *  (09/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)
"Khóc và nghẹt thở" với Cô đơn trên mạng *  (07/08/2006)
Màu đỏ kỳ ảo trong thơ Việt!  (07/08/2006)
Trung du mở hội  (04/08/2006)