Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới
11:19', 22/8/ 2006 (GMT+7)

Những năm gần đây, số diễn viên tuồng tốt nghiệp ra trường thể hiện được khả năng của mình trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp không nhiều. Để khắc phục tình trạng này, một phương thức đào tạo mới bắt đầu được áp dụng từ năm nay tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn…

 

Một trích đoạn tuồng thi tốt nghiệp của học viên lớp diễn viên tuồng khóa 4 (2002-2005). Ảnh: Hoài Thu

 

* Phương thức cũ không còn phù hợp

Một trong những vấn đề bức xúc nhất đối với các trường nghệ thuật hiện nay là hiệu quả của công tác đào tạo. Đa số học viên được đào tạo theo chiều rộng chứ chưa có chiều sâu. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, số học viên đáp ứng được yêu cầu của công việc là rất ít. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, nhưng trước hết, có phần do những quy định vẫn còn có phần chưa phù hợp trong công tác đào tạo.

Cụ thể, mỗi năm, học viên lớp diễn viên tuồng tại Trường Trung học Văn hóa- Nghệ thuật Bình Định được học 275 tiết. Thế nhưng, chỉ 1/3 số tiết này được dành để đào tạo về chuyên môn, 2/3 số tiết còn lại để học các môn cơ sở theo chương trình của các trường THPT khác. Như vậy, tính ra mỗi năm, học viên chỉ được học chuyên môn hơn 90 tiết học. Lại có trường hợp, nhờ có năng khiếu nên mặc dù chưa có bằng cấp II, học viên vẫn được đặc cách tuyển vào học tại trường. Đến khi vào trường rồi, ban ngày học viên học chuyên môn và chương trình cấp III, tối đến lại đi học... bổ túc cấp II.

NSƯT Hòa Bình - Giám đốc Nhà hát Tuồng Đào Tấn, tâm sự: “So với các ngành nghệ thuật khác, chương trình học của Tuồng rất nặng và đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian để luyện tập. Chính vì vậy, trước đây, phần lớn thời gian học tập của chúng tôi là thực hành các vai diễn, còn lý thuyết chỉ học những môn thật sự cần thiết. Nhưng với chương trình học bây giờ, nghệ sĩ không được dành nhiều thời gian để lên lớp, học viên không có nhiều thời gian để học nghề và tự rèn luyện nghề. Chất lượng diễn viên tuồng sau khi đào tạo ngày càng thấp cũng là điều dễ hiểu….”.

* Dạy nghề diễn trước, vào trường học sau

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lớp diễn viên kế cận của nghệ thuật Tuồng, mới đây, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đã chỉ đạo cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn áp dụng hình thức tuyển sinh và đào tạo mới. Theo đó, sẽ tiến hành đào tạo nghề diễn ngay từ đầu và chọn ra những học sinh đủ khả năng để đưa vào học tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Ông Nguyễn An Pha - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, cho biết: “Với phương thức đào tạo này, chúng tôi sẽ tuyển lựa ra những em đủ tiêu chuẩn, đang ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi, là con em của các nghệ nhân, nghệ sĩ thuộc các đoàn tuồng không chuyên. Các em sẽ được tham gia một khóa đào tạo 20 ngày tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Những bạn trẻ ưu tú nhất chọn lựa từ khóa đào tạo này sẽ được giữ lại và tham gia khóa đào tạo tiếp theo, cũng kéo dài 20 ngày, vào năm sau. Sau hai khóa đào tạo như vậy, những người đủ điều kiện mới được theo học chính thức tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh…”.

Hiện khóa đào tạo đầu tiên đã bắt đầu được tổ chức tại Nhà hát Tuồng Đào Tấn từ ngày 10 đến 30-8. Có 10 bạn trẻ đã tốt nghiệp cấp II, đạt tiêu chuẩn về ngoại hình và chất giọng tham gia khóa đào tạo. Các học viên sẽ được đào tạo về kỹ thuật hát, múa cơ bản của nghệ thuật Tuồng.

NSƯT Hòa Bình nhận xét: “Ưu điểm của hình thức đào tạo này là chúng tôi có thể xây dựng nền tảng kỹ thuật cho các em ngay từ đầu vào. Sau này, khi đã vào học tại trường, các em đã có kỹ năng nền tảng nên chúng tôi có thể dành toàn bộ thời gian còn lại để truyền dạy vai mẫu và nâng cao khả năng sáng tạo khi thể hiện vai diễn cho các em. Những điều này vốn khó thực hiện ở những khóa trước…”. Cũng theo NSƯT Hòa Bình, việc tuyển chọn học viên từ các khóa đào tạo sẽ chỉ chú trọng đến chất lượng chứ không chạy theo số lượng. Sau khi kết thúc hai khóa đào tạo, dù số học viên đạt chất lượng trụ được lại ít, thì cũng sẽ mở lớp để giảng dạy cho các em. Đồng thời, những em được tuyển chọn sau khóa đào tạo thứ nhất, nếu đã khẳng định được năng lực của mình, thì Nhà hát sẽ cho đi theo các đêm diễn để tích lũy kinh nghiệm biểu diễn.

Với việc đổi mới phương thức trọng đào tạo như trên, chúng ta đã có thể lạc quan về trình độ nghệ thuật của lớp diễn viên tuồng kế cận và hy vọng sẽ gắn kết chặt hơn giữa khâu đào tạo và việc sử dụng. Được biết, trong 12 học viên vừa tốt nghiệp lớp diễn viên tuồng khóa (2002-2005) vừa qua, Nhà hát Tuồng Đào Tấn chỉ được nhận vào biên chế 4 người, ký hợp đồng thêm 3 người; 5 người còn lại không được theo nghề. Điều này, cũng có nguyên nhân từ chất lượng của công tác đào tạo theo phương thức cũ; nhưng vẫn là thiếu công bằng với những bạn trẻ nặng lòng với nghệ thuật truyền thống.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (16/08/2006)
Từ giọng địa phương Bình Định đến vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia   (11/08/2006)
Gặp gốm cổ Bình Định giữa Hoàng thành Thăng Long   (13/08/2006)
Hát kết và ông tổ hát kết Bình Định  (10/08/2006)
Tin vào trực giác của trái tim *  (09/08/2006)
Bế mạc Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ I- 2006   (07/08/2006)