|
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm |
Tôi xin được lấy câu thơ trên đây của ông để làm đề cho bài viết này. Thơ ông thì nhiều, lại có lắm bài hay, như Đất nước chẳng hạn, như Mẹ và quả chẳng hạn, như Ngôi nhà có ngọn lửa ấm… chẳng hạn. Nhưng tôi tin rằng, những ai đã từng yêu mến thơ ông, khi đọc chùm thơ trên Báo Văn Nghệ mới đây, trong đó có câu thơ tôi trích làm đề bài này, sẽ gợn lên một điều gì đó, ngùi ngùi thì không hẳn, song nó cứ găm vào ta chút se se của hơi may chuyển mùa.
Thì ra, ông vẫn là ông - một nhà thơ chưa quên với nỗi khóc cười nhân thế. Những người yêu thơ hẳn sẽ vui hơn khi biết người nghệ sĩ đã trở lại trong ông sau tất cả những ồn ào quyền chức, những áo mão cân đai nóng nực, sau những cái vô hình và hữu hình mà tôi tin rằng, một thi sĩ từng trải như ông mới dám gạt qua để có thể trở về thanh thản và nhập vào với gió, nhập vào với cỏ, kể cả việc “nhập vào” với con bò bên bờ sông Hương đã thành tri kỷ từ mấy mươi năm trước (“Tôi với nó lặng im bè bạn”- Chiều Hương giang), nhập vào với quán cóc ven đường, với ngủ nhờ ăn chịu… như ông đã viết trong một bài thơ mới đây. Con đường trở lại với thi ca thật nhanh nhưng chắc là không dễ thanh thản và sẽ lắm nhọc nhằn, nhất là với những người nhạy cảm như ông, lại có trên mười năm luôn sống trong cảnh kẻ đưa người đón.
Nhưng tôi tin, ở phía cuối chân trời, nơi ông đang mải miết “đạp xe”, sẽ có một khu vườn yên tĩnh đợi ông. Tiếng chim trong khu vườn ấy, những bông hoa cỏ dại nơi ấy sẽ là những bài thơ đau đáu nỗi đời, được bật lên từ trái tim không phải đập bằng nhịp đập của người khác mà là của chính ông.
Ông là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Cho tôi xin được phép không viết thêm một ý nào nữa về chức danh “cựu” bộ này hay “nguyên” bộ kia sau cái tên thi sĩ của ông.
Hai mươi lăm năm trước, lúc tôi còn học ở Huế và đứng thập thò bên khu vườn văn học, ông đã là nhà thơ nổi tiếng và làm Tổng biên tập một tạp chí vào hàng uy tín lúc bấy giờ: Tạp chí Sông Hương. Buổi tối, thi thoảng ông đạp xe từ nhà dưới Vĩ Dạ, ghé thăm người bạn ở Thành Đoàn Huế - nơi ông từng làm Bí thư trước đó. Ông ngồi bệt xuống chiếc chiếu không được lành lặn cho lắm nơi sàn nhà của người bạn mình và nhâm nhi vài ly rượu-trắng-ổi-xanh cùng bọn trẻ chúng tôi. Rồi ông đọc những bài thơ mới viết. Rồi ông nói đến những cách tân trong thơ và việc phát hiện về khả năng văn học có thể tiến xa của một vài cây bút trẻ…
Còn nhớ, Tạp chí Sông Hương số đầu tiên, có trích đăng trường ca Đêm trên cát của Thanh Thảo. Đây là trường ca viết về Cao Bá Quát - một nhà thơ đầy cá tính mà Thanh Thảo hết lòng ngưỡng mộ. Việc đăng Đêm trên cát của Thanh Thảo đã là một sự kiện văn học lúc bấy giờ. Tôi nghĩ, đây mới là trường ca “để đời” của Thanh Thảo chứ không phải là Những người đi tới biển hay Khối vuông rubic. Phải có một nhãn quan tinh tế như Nguyễn Khoa Điềm mới “bắt sóng” được những gì mà Thanh Thảo gửi gắm trong trường ca khá gai góc và thuộc hàng “nhạy cảm” lúc bấy giờ.
Cũng như việc Nguyễn Quang Lập đã trở thành cây bút văn xuôi nổi đình nổi đám sau này, một phần là nhờ những nhận xét và góp ý có trọng lượng của người đứng đầu Tạp chí Sông Hương thời ấy trong từng truyện ngắn đầu tiên của cây bút đa tài này. Chính Tạp chí Sông Hương đã trở thành máng cỏ, khai sinh những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Lập. Tôi phải dông dài một chút về “Huế của ngày xưa” để hiểu thêm về một Nguyễn Khoa Điềm không chỉ biết làm thơ hay mà còn là người luôn phát hiện và ủng hộ cái mới trong văn học.
Mãi sau này tôi mới biết, bên những cút rượu-trắng-ổi-xanh ngày ấy là bao tâm trạng bời bời mà theo cách nói của Thanh Thảo thì đó là thời kỳ “bùng nổ thứ hai” của Nguyễn Khoa Điềm. Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” , tên một bài thơ được dùng làm đề cho một tập thơ là kết quả của thời kỳ “bùng nổ thứ hai” này. Tập thơ đã đưa ông lên bục cao nhất trên thi đàn thời ấy với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi gặp lại ông không phải với tư cách là Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương ngày nào mà vây lấy ông là bao quân canh lính gác. Không phải ở sông Hương mà là ở sông Trà quê tôi. Hai mươi lăm năm, ông đã thành người khác, ít nhất là với riêng tôi.
Nhưng tôi đã nhầm! Con người thi sĩ trong ông như một ngọn lửa luôn được ông nuôi dưỡng, dù là “nuôi” trong những điều kiện và hoàn cảnh không được thơ cho lắm! Tàn cuộc chuyện trò trong thoáng chốc, ông có đề cập đến việc sáng hôm sau, ông sẽ đến thăm nơi chị Đặng Thùy Trâm hy sinh tại vùng rừng giáp ranh giữa hai huyện Ba Tơ và Đức Phổ. “Mấy ông ở tỉnh có khuyên mình nên đến chỗ Trạm xá Đức Phổ thời chiến tranh chứ đừng lên nơi chị Trâm hy sinh, vì chỗ đó dốc đứng, đi rất khó khăn. Chưa biết tính sao đây”. Giọng ông xa vắng, rồi chợt gần gũi và quyết liệt: “Nhưng mà mình phải lên tận nơi thôi!”. Tôi trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm và không quên “đế” thêm vào: “ Nếu anh là nhà lãnh đạo, em không dám khuyên, nhưng anh là nhà thơ thì hãy đi đến tận cùng!”. Và ông đã đến tận cùng của nỗi tiếc thương về người bạn gái đã từng học cùng Trường Chu Văn An với ông mấy mươi năm trước: “Người bạn gái gục trước lằn đạn lửa/ Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa/ Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ/ Lá im che những đau đớn không ngờ”. Bài thơ Ngày về ông viết về Đặng Thùy Trâm ra đời sau chuyến đi ấy không lâu.
Bây giờ thì tôi gặp ông tại Huế. Nhưng chỉ là “ăn theo” người khác chứ không phải chủ động để đến gặp ông. Khác với mấy tháng trước đây, giọng ông vừa ấm và tự tin chứ không còn “giữ gìn” nữa.
Xin được ghi lại một mẩu đối thoại ngắn của hai nhà thơ, hai người bạn cũ lâu ngày gặp lại:
-Thanh Thảo: Bài thơ ông viết về bà Thùy Trâm rất xúc động, song tôi đăng lại trên Tạp chí Sông Trà thì cắt phăng luôn 8 câu cuối mà chỉ để lại 8 câu đầu thôi. Đến đó mình “kết” lại và vừa. Càng nén bao nhiêu, càng bật bấy nhiêu ông à. Đoạn sau không hay đâu. Tôi đã gửi báo biếu và nhuận bút rồi đấy nhé. Ông nhận được chưa?
Chủ nhà chỉ biết cười trừ và tiếp tục “chiết tửu” Gold Label mời khách. Cuộc đối thoại được tiếp tục:
-Thanh Thảo: Ba bài của ông đăng trên Văn Nghệ mới đây được đánh giá tốt là vì đâu ông biết không? Bây giờ cần phải có một dòng “văn học sám hối” ông à. Tôi ủng hộ ông tiếp tục làm thơ theo xu hướng đó, song ông mà dấn thêm điều này nữa thì mới … hoành tráng. Đó là, thi thoảng mình cũng nhớ đến “nắm đấm mi-cơ-rô và điện thoại bàn”, nhớ “giày đen, cà vạt” nữa chớ ông! Có thể ngay thời điểm này thì ông không nhớ đến ba cái thứ lằng nhằng ấy, song một năm nữa chẳng hạn, ông lại nhớ đến nó cho coi! Điều đó cũng bình thường thôi. Và khi ông “nhớ” những thứ ấy mà thành thơ được, ông mới chính là ông. Tôi tin rằng những bài thơ kiểu như thế sẽ rất hay vì nó đẩy con người đến chỗ tận cùng của sự trần trụi. Không sợ hãi và không che đậy.
|
Hai nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Thanh Thảo tại Huế cuối tháng 8.2006. Ảnh: Trần Đăng
|
Chủ nhà tiếp tục rót rượu và… cười trừ.
Các nhà báo “ăn theo” hôm đó liên tục “tác nghiệp”. Thơ đã đến hồi nhường chỗ cho báo. Một câu hỏi của phóng viên:
- Nghe nói anh vừa gặp “sự cố”… xe đạp?
- Ừ, cũng chẳng phải “sự cố” gì đâu. Mình dạo này hay đạp xe đạp về vùng ngoại ô của Huế. Thể dục cho khỏe người ấy mà. Ông Thanh Thảo đây có khuyên rằng nhà thơ nên đi xe đạp. Mình “nghe” ông ấy. Và được. Còn “sự cố” ấy à? Chuyện vui thế này: Hôm ấy mình ghé thăm mấy người bạn ở cơ quan cũ trong Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Đến cổng thì anh công an bảo vệ hỏi giấy tờ. Lục khắp trong người chẳng có giấy gì cả ngoài cái thẻ đảng viên. Thấy mình đi xe đạp, lại đội chiếc mũ lưỡi trai trông có vẻ “lèm nhèm”, anh chàng bảo vệ sinh nghi rằng chắc là bác hưu trí này đi kiện cáo chi đây. Anh ta hất hàm về phía tường rào: “Bác dắt xe đạp để sang một bên chỗ kia kìa!”. Mình “ngoan ngoãn” làm theo cho đến khi anh ta gọi điện thoại vào văn phòng cho phép thì mình mới vào. Dĩ nhiên sau đó mấy ông trong văn phòng có thông báo cho anh ta biết danh tánh của mình. Sếp trực tiếp của anh ta (chắc là tổ trưởng bảo vệ) sau đó có “nhỏ nhẹ” với mình mấy câu trước khi ra về.
- Anh có buồn không?
- Buồn chi chuyện nớ! Chuyện đó không có gì bất ngờ với mình đâu. Cũng như một hôm mình đạp xe về Bao Vinh, gặp một anh trung niên đi xe ngược chiều, anh ta ơi ới: “Ủa anh Điềm! Anh về hồi mô rứa?”. Mình cũng trả lời cho qua chuyện và nghĩ sẽ “thoát” được anh chàng này. Nhưng thật bất ngờ, anh ta quay xe lại và bắt đầu “ôn” chuyện cũ: “Anh có nhớ em không?”. “Ừ, mình xin lỗi, lâu quá nên không nhớ”. “Em là thằng M…, giáo sư đang dạy tại Đại học Y khoa Huế đây. Ngày xưa em sinh hoạt Đội lúc anh còn làm Bí thư thành Đoàn!”. Rứa đó, cũng có người quên, hoặc không biết, song cũng có người nhớ như anh trung niên nọ.
Chuyện chung quanh chiếc xe đạp và những chuyến “về làng” mỗi sáng của ông như được mở nút. Nào là có mấy bác nông dân dưới Thuận An đang ngồi nhậu trong quán, chợt thấy “bác Điềm”, bèn lên lớp ngay đứa con hay vòi vĩnh: “Mi có thấy ông Điềm kia không? Đến như ông ấy mà còn phải đi xe đạp kia kìa! Mi đòi hỏi chi?”. Chắc là thằng con đòi bố mua xe máy nên lấy “ông Điềm” ra để … “dọa” con! Hoặc như có hôm, sau chuyến vi hành buổi sáng, ông tạt vào một quán cóc ven đường để ăn sáng. Một loại bánh rẻ tiền của Huế thôi. Ăn xong, ông sờ khắp túi thì … không thấy chiếc ví đâu cả. Thế là “ăn chịu”. Bà chủ quán động viên: “Không có chi mô. Mai anh trả cho tui cũng được”. Nói vậy nhưng vẫn áy náy, ông đạp xe về nhà và mang tiền ra trả ngay. Khi hỏi giá tiền đĩa bánh, ông hết sức bất ngờ khi biết rằng nó chỉ có … hai nghìn đồng thôi! Ông hạ một câu làm chúng tôi nghe nhoi nhói: “Lâu nay mình không phải trực tiếp trả tiền nên không biết giá. Chừ móc túi ra trả mới thấy bà con mình còn khổ lắm. Hai ngàn thì giải quyết được gì, song đó là chiếc phao cứu sinh hàng ngày của họ”.
Bây giờ gió gọi anh đi. Đúng hơn là cuộc sống đang gọi ông “trở về” với mái nhà thơ mà ông gắn bó ngay từ thời trai trẻ. Những người yêu thơ đang đợi ở ông không chỉ có những chuyện chung quanh chiếc xe đạp vừa kể mà đợi những câu thơ của ông được bật lên từ cuộc sống trụi trần này. Có thể đúng như tiên đoán của Thanh Thảo trong một bài viết cách nay gần 5 năm về Nguyễn Khoa Điềm: Đây sẽ là thời kỳ “bùng nổ thứ ba” của nhà thơ xứ Huế này.
|