Ôi La Tinh yêu dấu
16:44', 24/8/ 2006 (GMT+7)

* Tùy bút của Ngọc Ánh

Thuở tôi còn nhỏ, vào những buổi trưa hè oi nồng, nhà tôi bao giờ cũng đông người đến tránh nóng. Ba tôi tự hào lắm với ngôi nhà mát rượi của mình hay khoái chí ngâm nga “nhất cận thị, nhị cận giang” rồi “thuyết minh” thêm “nhà mình chẳng ai có máu bán buôn gì nên chẳng thiết chi cái “thị”, gần sông thế này là nhất rồi!”.

Có bận ba chở tôi đi chơi xa bằng xe đạp, ba đã dừng chân bên cầu Phù Ly, chỉ tay xuống dưới chân cầu mà bảo rằng: “Cứ đi dọc theo dòng sông này một đoạn là về được đến nhà mình. Sau này con đi xa, nhìn thấy sông này mà biết đường về nghen con…”

Tôi nhìn theo tay ba chỉ: Một dòng sông xanh nước uốn lượn giữa hai rạng tre xanh ngút ngàn, đẹp hiền hòa và nên thơ. Tuổi thơ tôi đã trôi qua bình yên, êm đềm như dòng sông La Tinh uốn lượn bên nhà.

 

                                           Quê nhà. Tranh của Hoàng Đặng

 

Buổi sáng thức dậy, hình ảnh đầu tiên trong ngày là má tôi bưng ngang hông thau quần áo giặt xong của cả nhà từ sông về. Má tôi bao giờ cũng dậy sớm. Tôi ăn xong bữa cháo sáng thì tháo then cổng chuồng bò, chẳng cần chăn dắt gì, đàn bò cứ ung dung thong thả ra bãi sông. Ở đó, cả bầy bò trong làng đã tề tựu và đương nhiên cũng là bắt đầu cho một ngày nghịch phá thỏa thích của bọn tôi.

Bên kia sông La Tinh không còn thuộc địa phận huyện Phù Cát nhà tôi nữa mà của Phù Mỹ. Chẳng hiểu vì lẽ oái ăm gì mà trẻ làng tôi cứ thích gọi trẻ làng bên là dân… phù mỏ cho chúng nó tức chơi. Chúng nó tức lắm, nhưng càng tức chúng tôi càng trêu bạo. Và thế là những buổi chăn bò trở thành những cuộc thách đấu không khoan nhượng của lũ trẻ hai bên dòng sông. Không đấu nhau trực tiếp, bọn tôi thường khiêu khích cho hai con bò hăng nhất húc nhau. Dũng mãnh đến khiếp sợ, bụi đất bay mù trời, lũ trẻ chạy dạt ra các hướng vừa hồi hộp, hãi hùng xen lẫn niềm thích thú khó tả của trẻ nhỏ. Sau những trận húc bò nhiều kịch tính là  cuộc trốn chạy của các tên đầu têu vì thế nào rồi cũng bị người lớn đánh cho một trận nhừ tử. Rồi người lớn đi hòa giải. Đám nhóc thập thò bên ngoài hay nghe các cụ “mở màn”: nhất quỷ nhì ma, thứ ba chăn bò… Lũ trẻ chăn bò năm nào nay đã lớn, lâu lâu gặp lại vẫn hay tủm tỉm nhắc chuyện “ngày xưa”...

Thuở ấy điện chưa có nên chẳng có giếng khoan, nước từ các giếng đào be bé chẳng thấm vào đâu. Nhưng nước sông thì sạch, lại  chỉ sâu quá đầu gối một tí. Các bà, các mẹ hay mang mền chiếu ra sông giặt, tiện thể trông luôn lũ nhóc lúc nào cũng muốn nhảy bổ xuống dòng sông và cứ ngâm mình ở đó chẳng chịu lên. Ai đã từng tắm mình trên dòng nước mát lành mới biết cái cảm giác đó tuyệt vời đến độ nào!

Lớn lên một chút, tôi đi học, nhớ nhất là bài thơ Nhớ con sông quê hương của  Tế  Hanh “Quê hương tôi có sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hành tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa bóng xuống sông lấp loáng…”. Bài thơ viết về dòng sông Trà trên đất Quảng Ngãi của ông mà tôi cứ tưởng như viết về con sông La Tinh quê mình.

Khi cô giáo cho đề tập làm văn về bài thơ này, tôi đã viết một mạch, chẳng sử dụng đến những “gợi ý” của cô giáo mà vẫn được điểm 10. Một điểm 10 hiếm hoi. Lần ấy trả bài, cô còn đọc bài văn của tôi cho cả lớp  nghe. Niềm vui  hân hoan khó tả đó của thuở học trò thật khó quên…

Đêm trăng, sông hiền hòa mát rượi, rặng tre chạy dọc hai bên bờ sông rì rào những âm thanh bí ẩn đến mê hoặc. Bọn trẻ con lại theo chân mấy anh chị trong làng ra bãi cát Trường Kinh. Gọi là Trường Kinh cũng phải bởi nó rộng lắm, lớn lắm. Trong trí nhớ của tôi nó rộng đến mênh mông. Nguyên nhân là do đến đoạn này nàng sông trở chứng điệu đà, bẻ ngoặt dòng chảy nên sau mỗi mùa nước lụt, bãi cát lại được bồi thêm, rộng ra. Bọn tôi thường ngồi quây quần bên nhau, nghe gió sông thổi lên thanh thanh, mát lạnh. Những câu chuyện ma được đem ra kể, khi là những “con ma trong làng”, lúc là chuyện những con ma từ xửa thời xưa, nghe thì sợ những vẫn thích bởi chúng có một sức hút kì lạ.

Tôi đi xa tuổi thơ cũng chỉ mười mấy năm mà quê hương đổi khác quá. Sông quê chẳng còn bến nào tấp nập, cái sung sướng của  sự “cận giang” mà ba tôi hay tự hào nay chẳng còn sức hút với ai ngoài các cụ yêu ruộng đồng và mấy đứa đi học xa nhà ưa hoài cổ như tôi. Tôi một mình ngồi trước sông quê hương, cả hai cùng tĩnh lặng, chợt ngẫm đến “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” mà thấy lòng se thắt trong hồn bởi những được mất của đời người.

  • Ngọc Ánh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (16/08/2006)
Từ giọng địa phương Bình Định đến vấn đề thống nhất ngôn ngữ quốc gia   (11/08/2006)