Khai quật xung quanh tháp Dương Long:
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ
7:36', 25/8/ 2006 (GMT+7)

Từ đầu tháng 8 đến nay, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã tiến hành khai quật xung quanh cụm tháp Dương Long (huyện Tây Sơn). Tuy việc khai quật chưa hoàn tất, nhưng đã hé mở thêm một số hiểu biết mới về cụm tháp này.

 

       Một hố khai quật tại cụm tháp Dương Long. Ảnh: V.T

 

* Hé mở những hiểu biết mới

Trao đổi với chúng tôi, TS Đinh Bá Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết, đợt khai quật này sẽ tiến hành trong khoảng hai tháng, trên diện tích 1.500m2; trong đó, khoảng 1.000m2 là diện tích xung quanh 3 tháp, còn lại sẽ đào để tìm dấu vết tường bao và các kiến trúc khác phía ngoài.

Đáng chú ý là việc khai quật sẽ mở rộng về hướng Đông phía chính diện của tháp chính và hai tháp phụ. Giải thích về điều này, TS. Đinh Bá Hòa cho biết: theo bản vẽ của H.Parmentier (nhà khoa học Pháp) phía chính diện của tháp chính có hệ thống tiền sảnh kiểu chuôi vồ tương tự tháp Hòa Lai. Đây là những đại sảnh người xưa dùng để tiến hành các nghi lễ trước khi vào tháp. Khai quật mở rộng theo hướng chính diện nhằm làm lộ rõ cấu trúc của tiền sảnh.    

Đến thời điểm này, do mặt Đông của 3 ngôi tháp đang được tiến hành trùng tu, vướng hệ thống giàn giáo, nên việc khai quật chủ yếu mới tiến hành ở mặt Tây. Mặt Tây thường tìm thấy ít hiện vật điêu khắc đá hơn so với mặt Đông, nhưng hiện nay, dù mới đào sâu 1,5m, đã phát hiện khá nhiều mảnh điêu khắc đá. Trong đó, chủ yếu là đá trang trí các góc tháp, hình kala, garuda.

Phát hiện thú vị nhất đến thời điểm này là hệ thống chân đế bằng đá của các tháp. Các chân đế này được tạo bởi những khối đá lớn, dày gần 60 phân. Giữa các khối có những mộng đá gắn kết. Hệ thống chân đế đồ sộ này tạo nét bề thế, vững chãi cho các tháp. Riêng chân đế của tháp chính, được trang trí tỉ mỉ bằng những hoa văn cánh sen ngửa rất đẹp, nét chạm khắc tinh xảo. Điều đáng tiếc nhất là nhiều khối đá đã bị người dân địa phương đục, đẽo, nằm rải rác quanh chân tháp nên hệ thống chân đế nay không còn được nguyên dáng vẻ ban đầu.

Theo dự đoán, dưới lớp chân đế sẽ còn có một lớp gạch. Như vậy, tính ra các nhà khai quật còn phải đào sâu thêm 1m nữa ngoài 1,55m đã đào. Như vậy, tháp Dương Long vốn được xem là tháp gạch cao nhất Đông Nam Á, hẳn có chiều cao lớn hơn chiều cao đã được biết đến lâu nay.

Ngoài việc khai quật quanh chân tháp, hiện nay, các nhà khai quật đang tiến hành đào nhằm tìm kiếm dấu vết các kiến trúc phụ, cũng đã được H.Parmentier mô tả. Trong đó, đáng chú ý là ba tháp nhỏ nằm ở phía Tây, chưa hiểu người xưa dùng để làm gì. Ngoài ra, các gò nằm trong khu vực di tích có thể cũng là dấu vết kiến trúc nên cần được khảo sát kỹ. Và như vậy, kết thúc đợt khai quật này, hẳn chúng ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết mới về cụm tháp này, cũng như kỹ thuật xây dựng và tính hệ thống trong việc xây dựng tháp của người Chăm.

 

       Phần chân đế đá của tháp chính đã phát lộ. Ảnh: V.T

 

* Hệ lụy của một quy trình ngược

Việc khai quật khảo cổ học xung quanh ba tháp trong cụm tháp Dương Long ngoài việc phục vụ dự án trùng tu, tôn tạo; còn để tìm hiểu cấu trúc nền, móng trong xây dựng của người Chăm, các loại hình điêu khắc dùng trang trí bên trong và bên ngoài, các loại vật liệu dùng để xây dựng còn lại trong lòng đất, phục vụ nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, do tiến hành theo một quy trình ngược: trùng tu khởi công trước khi tiến hành khai quật khảo cổ học, nên khi khai quật đã vướng hệ thống giàn giáo. Do đó, hiện nay các nhà khai quật vừa làm vừa chờ bổ sung giàn giáo.

Bên cạnh đó, với cụm tháp Dương Long, ngoài ba tháp chính, chắc chắn trong lòng đất khu di tích này, có thể còn những dấu vết kiến trúc phụ khác mà H.Parmentier chưa mô tả. Tuy nhiên, muốn mở rộng diện tích khai quật nhằm hình dung được một cách tổng thể toàn bộ khu di tích thì sẽ vượt quá con số 1.500m2 và lại vướng... kinh phí. Rõ ràng, nếu khai quật khảo cổ học được tiến hành trước khi trùng tu thì những khó khăn này đã không xảy ra. Hơn nữa, với hệ thống chân đế đá vừa được phát hiện, việc trùng tu rồi cũng sẽ lại phải chờ để bổ sung thêm kinh phí phát sinh như đã xảy ra trong trùng tu tháp Bánh Ít, Cánh Tiên.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)
Ngây ngất với Kitaro  (16/08/2006)