Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006: Nhiều nét sáng tạo mới
16:4', 25/8/ 2006 (GMT+7)

Không như các cuộc triển lãm khác, Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006 (khai mạc ngày 18-8 vừa qua tại Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) nhằm giới thiệu với công chúng thành quả hoạt động của giới mỹ thuật Bình Định trong gần 1 năm qua và lựa chọn tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên sẽ tổ chức tại Quảng Ngãi cuối tháng 8 này.

 

       Tác phẩm “Cõi mộng Từ Thức” của họa sĩ Chơn Hiền.

 

22 tác phẩm tham gia triển lãm cho thấy phần lớn các họa sĩ đều có những nỗ lực nhất định trong tìm tòi sáng tạo. Hai tác phẩm của nữ họa sĩ Lan Hương đều khai thác đề tài về người phụ nữ. Bằng góc nhìn riêng của mình, Lan Hương đã thể hiện được những nỗi trăn trở và khao khát của người phụ nữ trước cuộc sống. Ở Vũ điệu, hình ảnh ba cô gái với bờ vai và tấm lưng trần đang uốn mình trong vũ điệu cảm xúc, nói lên khát vọng về cuộc sống, tình yêu trong họ. Tác phẩm thứ hai tuy dùng motif quen thuộc là người phụ nữ chờ chồng, nhưng với cách thể hiện rất riêng của tác giả, người xem như cảm thấy một cái gì đó thật dữ dội đang dâng trào trong sâu thẳm hồn người. Họa sĩ Chơn Hiền tham gia triển lãm bằng một bức tranh sơn dầu khổ lớn (50x200) Cõi mộng Từ Thức. Lấy ý tưởng từ sự tích Từ Thức lên tiên, tác giả đã tạo nên một “cõi mộng” kỳ ảo của màu sắc trong tranh của mình và gửi gắm. “Cõi mộng” nay đã trở thành hiện thực bằng nỗ lực khám phá và chinh phục thiên nhiên của con người hôm nay - phải chăng là điều tác giả muốn gởi gắm.

Ngay trong các tác phẩm của các họa sĩ là hội viên Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định, ta cũng bắt gặp nhiều nét sáng tạo mới. Ở tác phẩm Võ truyền thống của Phạm Đình Nam, nhân vật trung tâm của tác phẩm là một cô gái trong bộ võ phục và cây gậy trong tay, thật mạnh mẽ nhưng vẫn nữ tính với bím tóc dài vắt ngang vai. Bao quanh hình ảnh cô gái là những ô vuông thu nhỏ mô tả những thế võ, cuộc hành binh thần tốc, hay những chiến công hiển hách của nghĩa quân Tây Sơn. Lấy hình ảnh tĩnh làm trọng tâm của tranh, đường viền tranh lại được tạo nên bởi những hình ảnh động, Phạm Đình Nam tạo nên được sự chân thực và sống động cho tác phẩm.

Điểm thú vị khác là các tác phẩm đã gắn với những vấn đề có tính thời sự của cuộc sống. Tác phẩm Khu quy hoạch treo của họa sĩ Lê Duy Khanh sau khi sử dụng phong cách trừu tượng để thể hiện dự án quy hoạch treo, Lê Duy Khanh dùng 3 dây kẽm gai căng ngang bề mặt tranh. Sự vận dụng này vừa tạo được cảm giác về sự kìm hãm, vừa tạo ấn tượng về sự ngăn cách với nhịp sống phát triển bên ngoài của những khu quy hoạch treo. Lê Ân - một nhà thơ mới theo đuổi hội họa được vài năm - cũng đã gây được sự chú ý với tác phẩm Sức sống nói về một vấn đề đang nóng bỏng trên thế giới là chiến tranh và thiên tai…

Họa sĩ Nguyễn Chơn Hiền - Chi hội Phó Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Định, nhận xét: “Triển lãm đã phản ánh thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc của các họa sĩ Bình Định thời gian qua. Các tác phẩm tham gia triển lãm đã không chỉ thể hiện sự đồng đều và lên tay của các họa sĩ, mà còn có những nét sáng tạo mới, gắn với những vấn đề có tính thời sự của cuộc sống…”.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (25/08/2006)
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)
Khi các cơ quan văn hóa thi tài... văn hóa  (15/08/2006)