Duyên con gái, đẹp và thân thiện
12:5', 27/8/ 2006 (GMT+7)

K'The - Hoa hậu thân thiện

Cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam lần thứ 10 năm nay có nét mới - có thêm cuộc thi Hoa hậu Thân thiện (Miss Friendly). Đây là cuộc thi được nhìn và chấm điểm từ hai phía: phía “trong” khi các thí sinh tự chấm cho nhau, và phía “ngoài” khi cả Ban tổ chức và những người quan sát bầu chọn thí sinh xứng đáng sau khi quan sát họ suốt thời gian 10 ngày dự thi Hoa hậu, qua những hoạt động của họ, thái độ của họ, ứng xử của họ mà cho điểm bầu chọn ra Hoa hậu “Thân thiện nhất”. Đến giờ này thì danh hiệu Hoa hậu thân thiện đã thuộc cô K'The, người đẹp K'Ho đến từ quê hương Lâm Đồng. Nhưng tôi thích thú và thấy cần nói thêm về cuộc thi và sự bầu chọn này.

Một Hoa hậu khi đăng quang, dĩ nhiên đã mang sẵn yếu tố “thân thiện” trong toàn bộ ứng xử của mình. Cái Đẹp là cái Thân thiện, vì cái Đẹp mang sức hút tự thân, cảm hóa tự thân, đồng thời khuyến khích, tạo ra một “bầu không khí” một “không gian” riêng có từ trường mạnh kéo về mình sự ngưỡng mộ, niềm hy vọng, và cả sự khát khao.

Cái Đẹp là Thân thiện, vì nó tượng trưng cho hòa bình, thanh bình, hài hòa. Nó đối lập với cái Ác, sự chia rẽ, đố kỵ, chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà các Hoa hậu Hoàn vũ sau khi đăng quang đều trở thành những “đại sứ thiện chí” của các tổ chức Liên hiệp quốc và đều mang thông điệp hòa bình, hữu nghị, thân thiện đến với khắp thế giới, nhất là ở những vùng đất mà chiến tranh, nghèo khổ, bệnh tật còn hoành hành. Nhưng cuộc thi “Hoa hậu Thân thiện” lại mang một nét nhấn riêng, và cái này theo tôi là nhằm “nội tâm hóa” một sắc đẹp.

Trong vẻ đẹp tự nhiên của các cô gái đã có phần hài hòa tự nhiên giữa “phần hồn” và “phần xác”. Nhưng cũng phải tính tới phần trau chuốt, rèn luyện “ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Thơ Nguyễn Ái Quốc-“Nhật ký trong tù”) nữa. Nghĩa là ta phải nhân đôi khi vẻ đẹp bên ngoài cũng có thể “lệch pha” với vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn. Cái này đúng là khó nhận ra chỉ qua “cái nhìn đầu tiên”. Vì thế, phải để cả chục ngày liên tục quan sát ghi nhận rồi cuối cùng mới “vote”(bỏ phiếu) là hợp lý. Phần trả lời các câu hỏi ứng xử trong đêm chung kết là rất quan trọng, nhưng nhiều khi nó chưa đủ để người ta có thể nhận ra một Hoa hậu thật sự “thân thiện”, một con người một vẻ đẹp của công chúng, thân gần, dễ mến, dễ thương, giàu sức cảm hóa.

Và cũng phải nhắc nhở một chút, rằng cái đẹp bên trong tâm hồn là “hữu xạ tự nhiên hương”chứ không phải sự trình diễn do “luyện tập” bên ngoài, dù trình diễn “nhuyễn” đến đâu! Vì cái này tuy khó nói ra nhưng nhận ra thì không khó. Nếu một thí sinh thi Hoa hậu biết chọn cho mình một màu áo thích hợp, một “màu âm” gây được cảm tình của ban giám khảo và đông đảo khán giả, thì đồng thời việc thí sinh ấy thể hiện được một “màu tâm hồn” đích thực của mình sẽ khiến cô ta có được một từ trường riêng, một sức cuốn hút riêng mạnh mẽ và sâu sắc. Có thể tập cách đi đứng, luyện cách nói năng, nhưng làm sao “tập” cho tâm hồn mình nhỉ? Và “Thân thiện” thì có màu gì? Đó là màu tự nhiên, màu của tình yêu thương, của sự đồng cảm. Hãy sống tự nhiên và thể hiện thật tự nhiên những gì mình có, nếu mình là người “nhân chi sơ tính…thân thiện” thì mình sẽ là thế, sẽ đúng như người ta nhìn nhận về mình.

Tôi nghĩ, nếu cuộc thi “Hoa hậu Thân thiện” này đến sớm hơn từ cách đây năm bảy lần thi Hoa hậu Việt Nam, chúng ta sẽ bớt đi được những thí sinh đoạt giải sau đó gặp những điều tiếng không hay, phần nhiều là về đạo đức, về “phần hồn”. Không ai cho Hoa hậu là người hoàn hảo, nhưng ai cũng kỳ vọng họ sẽ là người hoàn hảo, người tượng trưng đẹp nhất cho cái Đẹp và cái Thiện.

Có thể bài viết này ít “duyên con gái” nhưng biết đâu, duyên con gái có khi lại cần đến nó. Bởi “cái duyên là cái trời cho” nhưng cái duyên cũng đôi phần do hiểu biết hay tự rèn luyện mình mà có, mà trở nên cuốn hút, trở thành cái mà người ta ngỡ đã có ngay từ lúc mới sinh làm người.

  • Thanh Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006: Nhiều nét sáng tạo mới  (25/08/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (25/08/2006)
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)
Bầu ơi thương lấy bí cùng...  (17/08/2006)
Thức cùng người-không-ngủ  (15/08/2006)