Chuyến viễn du dưới nước
11:41', 28/8/ 2006 (GMT+7)

* Chuyện cổ Haiti

Lời người dịch:

Quan niệm về sự sống và cái chết, về hạnh phúc, về gia đình, sự tôn vinh, trân trọng cuộc sống hiện tại… là những sắc thái văn hóa tinh thần của người Haiti, cư dân của quốc gia nói tiếng Pháp, có nguồn gốc châu Phi, ở vùng biển Ca-ri-bê. Đây là một câu chuyện cổ nhưng ý nghĩa và sắc thái của nó lại rất hiện đại, giàu màu sắc hiện thực huyền ảo.

 

                              ­Tranh của Gustav Klim

 

Có một người đàn ông tên Bordeau sống ở nông thôn. Ông ta làm việc chăm chỉ cả đời và trở nên giàu có. Ông có nhiều con và hạnh phúc. Rồi thì, vào một ngày, vợ ông qua đời. Nghi lễ tang gia được cử hành, ông cho đặt một cỗ quan tài, vợ ông được chôn cất.

Bordeau hầu như không nói năng gì cả, ông ngồi lặng lẽ trong ngôi nhà của mình. Trẻ con nói chuyện, ông dường như không nghe. Con cái ra đồng làm việc, ông không đi làm cùng họ. Những người bạn già tạt qua nhà một hai giờ với ông vào buổi chiều, ông không hề tiếp chuyện một lời. Thức ăn mang tới, không không thèm động đũa. Ông dường như không biết lúc nào là ban ngày hay ban đêm.

Thời gian trôi qua, rồi buổi chiều cầu nguyện cuối cùng cho người phụ nữ qua đời cũng đến. Houngan, vị giáo trưởng đạo Vodoun đến, những người đánh trống đến. Trong khi họ đang chuẩn bị cho việc cầu nguyện, hát lễ ở ngoài sân thì Bordeau ở trong nhà đi ra và yêu cầu tất cả bọn họ về nhà.

“Bordeau”, một trong số những người bạn già của ông nói” đây là đêm dành cho sự cầu nguyện cuối cùng. Đừng đuổi mọi người về. Hãy để chúng tôi hành lễ”.

Bordeau trả lời “Để cầu nguyện, để hát lễ, để nhảy múa, để tiệc tùng ư? Tôi chẳng quan tâm gì cả! Những việc đó có ý nghĩa gì với tôi chứ khi mà vợ tôi đã không còn trên đời này nữa? Đi hết đi! Tôi không thể chịu dựng được tiếng nhạc inh ỏi. Tôi sẽ chẳng thèm nhảy nhót, ăn uống. Tôi đau đớn quá chừng.”

“Bordeau”, một người bạn ông nói, “cái chết đến với mọi gia đình mà. Không ai tránh khỏi được đâu. Hôm nay nó đến với nhà này, rồi hôm sau nó đến nhà khác.” - Một người khác nói.

“Bordeau, người chết không thể quay về được. Đừng xử sự như vậy. Hãy để mọi người cầu nguyện lần cuối cùng! Hãy để mọi người nhảy múa! Hãy để cỗ bàn được dọn ra!”

“Không,” Bordeau nói, “Nhà của tôi sẽ vẫn yên lặng”

“Bordeau,” vị giáo trưởng nói, “Vợ của ông giờ vẫn sống, sống ở dưới nước với các vị tổ phụ của chúng ta. Chúng ta đừng tự làm mình im lặng và đau khổ mãi bởi vì người mà chúng ta yêu quý đi xa! Cái chết và sự sống là hai mặt của một bàn tay, không có bàn tay nào chỉ có một mặt đâu Bordeau. Hãy để bà ấy ra đi đúng phong tục và trong thanh thản”.

Nhưng Bordeau vẫn trơ như đá trước những lời khuyên. Cuối cùng vị giáo trưởng đành nói - “Này, Bordeau, ta sẽ đi xuống nước để tìm vợ ông. Ta sẽ thử nói chuyện với bà ấy. Hãy để bà ấy quyết định”.

“Được” - Bordeau đáp. “ Nhưng nếu ông không đưa bà ấy về, tôi sẽ không nói trở lại. Bà ấy là cuộc sống của tôi. Tôi sẽ không ăn, đất đai của tôi để cho cỏ mọc, nhà tôi sẽ mục nát và sụp đổ nếu không có bà ấy”.

Vị giáo trưởng sửa soạn cho hành trình của mình. Ông cầm cái lục lạc linh thiêng trong tay và đi đến bờ sông. Mọi người mang súc vật đến để hiến tế. Một nghi lễ diễn ra, họ hát. Đến nửa đêm vị giáo trưởng bước chầm chậm xuống dòng sông, người ông chìm dần xuống nước, cuối cùng mất hút.

Người dân trong làng chờ đợi trên bờ trong ba ngày, đến nửa đêm ngày thứ ba, vị giáo trưởng từ dưới sông bước lên, tay lắc chiếc lục lạc linh thiêng. Mọi người mừng rỡ đón ông, họ đưa ông về nhà Bordeau, ông ta đang ngồi ở đó.

“Ông ấy trở lại rồi!” mọi người gào to báo cho Bordeau, “ Giáo trưởng của chúng ta đi xuống nước và rồi đã trở về”

“ Vợ tôi đâu?”, Bordeau hỏi.

“ Hãy nghe này, Bordeau,” vị giáo trưởng nói, “ Ta đã đi xuống nước. Ta đi xa. Có một con đường dài. Ta đi theo con đường đó. Có đồi núi, ta vượt qua. Có rừng rậm, ta đi xuyên qua. Ta đã tới Thành phố của các vị Tổ phụ. Có nhiều, nhiều người ở đó. Trong số họ có cha ta, có mẹ ta. Cha ông và mẹ ông ở đó. Ông nội ông ở đó. Mọi người từng ở đây trước chúng ta giờ ở đó. Ta tìm vợ của ông. Ta đi khắp nơi. Ta đến nơi họp chợ và ở đó ta thấy bà ấy bán đậu. Ta nói - "Chồng bà đang đau khổ. Ông ấy không ăn, không ngủ, ông ấy không nói. Chồng bà khăng khăng - Nếu vợ tôi không trở về từ cõi chết, ngôi nhà của tôi có thể sẽ đổ ập xuống đầu tôi. Ta đến để đưa bà về. Nhưng vợ ông đã nói thế này Bordeau ạ! Vợ ông nói ‘Thật hạnh phúc khi có ai đó đau khổ vì mình. Nhưng tôi đang sống ở đây, ở dưới nước, cùng với tổ tiên vĩnh hằng. Khi ai đó qua đời, người đó không bao giờ sống lại. Hãy bảo Bordeau chấm dứt đau khổ đi. Hãy bảo ông ấy ăn uống. Vì khi người ta chết, là chết, còn người sống, phải sống chính cuộc đời của mình. Bordeau, vợ ông đưa cho ta một trong hai cái khuyên tai mà bà ấy đang đeo. Bà ấy bảo cái khuyên tai này dành cho ông”.

Vị giáo trưởng rút cái khăn tay trong túi ra, lấy chiếc khuyên tai đưa cho Bordeau.

Bordeau nhìn thấy chiếc khuyên tai, ông nói “Vâng, đây đúng là chiếc khuyên tai của vợ tôi”. Ông lặng thinh thật lâu nhìn chiếc khuyên tai. Cuối cùng ông nói “Vợ tôi gửi cho tôi một thông điệp từ dưới nước. Bà ấy bảo "Khi sống, con người ta phải sống chính cuộc đời của mình". Phải vậy thôi! Nào, hãy để chúng tôi tổ chức Lễ cầu nguyện cuối cùng! Chuẩn bị thức ăn đi! Hãy để các tay trống nổi trống lên! Tôi sẽ ăn uống! Tôi sẽ nhảy múa! ”

Tôi phải sống cuộc sống của chính mình.

  • Ngô Hồng Sơn (dịch từ tiếng Anh)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các cơ sở ngoài công lập đảm bảo 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa  (28/08/2006)
Duyên con gái, đẹp và thân thiện  (27/08/2006)
Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006: Nhiều nét sáng tạo mới  (25/08/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (25/08/2006)
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)
Phục dựng vở tuồng cổ hát bội "Tam Hạ Nam Đường"  (16/08/2006)