Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số
8:36', 29/8/ 2006 (GMT+7)

Bình Định có hơn 30.000 đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, sống rải rác ở 6 huyện. Việc nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là nhiệm vụ quan trọng khi triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đến các bản, làng.

* Xây dựng đời sống văn hóa

Toàn tỉnh có 50 xã miền núi thì đã có đến 30 xã đồng bào dân tộc thiểu số, với 117 làng, tập trung nhiều nhất ở 3 huyện miền núi là An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Đây cũng là vùng đất ngự cư lâu đời của 3 tộc người: Ba na (17.583 nhân khẩu), H’re (7.376 nhân khẩu) và Chăm H’roi (5.400 nhân khẩu).

Đinh Thị Nhàn (21 tuổi, dân tộc Ba na, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân) đang thi dệt thổ cẩm tại Lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng cao huyện  Hoài Ân lần thứ VI. Ảnh: Hoài Thu

Để đưa phong trào TDĐKXDĐSVH đến với đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Chỉ đạo phong trào đã soạn thảo đề án mẫu, tiêu chí, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa phù hợp với từng vùng trên cơ sở lấy ý kiến tham khảo từ các địa phương. Bên cạnh đó, ở các bản làng cũng đã hình thành ban vận động để điều tra tình hình cơ bản, lập đề án xây dựng làng văn hóa, xây dựng hương ước quy định về các mối quan hệ trách nhiệm, cũng như quan hệ giao tiếp ứng xử cộng đồng. Trong quá trình vận động phong trào, coi trọng vai trò của già làng. Tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có quy định phù hợp với đặc điểm và điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi vùng.

Nhờ đó, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được bà con dân tộc đồng tình tham gia hưởng ứng. Hằng năm, có trên 85% số hộ đăng kí đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và đến cuối năm 2005 đã có 76% (89/117) số làng dân tộc đăng kí xây dựng làng văn hóa, 37 làng đạt danh hiệu văn hóa các cấp (trong đó, 12 làng đạt danh hiệu văn hóa cấp tỉnh). Tất cả các xã đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, 100% số xã có bưu điện văn hóa xã và đài truyền thanh, 80% số hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn (radio, tivi), 74 làng dân tộc Chăm và Ba na có nhà Rông và 10 làng dân tộc H’re có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Nhiều lễ hội dân gian của đồng bào cũng đã được khôi phục, các yếu tố tích cực trong đời sống phong tục tập quán được phát huy. Trong đó, ngày hội văn hóa - thể thao các huyện miền núi cũng đã được tỉnh tổ chức định kì 2 năm một lần tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có điều kiện giao lưu học hỏi, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

* Nâng cao tính thiết thực cho phong trào

Để phong trào TDĐKXDĐSVH ở vùng dân tộc thiểu số đạt được hiệu quả thiết thực, trước đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án: “Xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đến năm 2010”. Đề án đã khẳng định việc chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố, kiện toàn các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh cuộc vận động XDĐSVH nhất là nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội. Hình thành những mô hình văn hóa phù hợp cho từng vùng, từng dân tộc. Bảo tồn có chọn lọc, đổi mới và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp...

Để thực hiện các mục tiêu đã được đề ra trong đề án, thời gian tới, các địa phương cần lấy xây dựng và phát triển văn hóa làm nền tảng và động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Coi trọng việc xóa “đói nghèo tinh thần” của bà con phải ngang bằng với xóa đói nghèo về kinh tế. Ngoài ra, cần đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và am hiểu về văn hóa- lịch sử của từng dân tộc, có năng lực điều hành để xây dựng và phát triển phong trào. Phát huy hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lễ hội văn hóa truyền thống vốn có của từng dân tộc. Quan tâm hơn nữa việc xây dựng các thiết chế văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc như thư viện, tủ sách làng. Có chính sách khuyến khích các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thường xuyên về biểu diễn phục vụ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân tiếp cận nghệ thuật. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp với lối sống, nếp nghĩ của bà con. Giữ gìn và kế thừa những nét kiến trúc truyền thống, tránh tình trạng xây dựng tùy tiện, lai căng, đánh mất đi không gian văn hóa kiến trúc đặc trưng của từng dân tộc.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyến viễn du dưới nước  (28/08/2006)
Các cơ sở ngoài công lập đảm bảo 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa  (28/08/2006)
Duyên con gái, đẹp và thân thiện  (27/08/2006)
Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006: Nhiều nét sáng tạo mới  (25/08/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (25/08/2006)
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)
Đào tạo diễn viên tuồng: Sẽ theo phương thức mới  (22/08/2006)
Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2007  (22/08/2006)
Khai mạc Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006  (21/08/2006)
Phụ nữ Bình Định qua ca dao, dân ca  (20/08/2006)
Nhóm thơ Quy Nhơn  (17/08/2006)
Văn Trọng Hùng, thõng tay vào chợ  (21/08/2006)