Ông Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Ảnh của Thông Tấn Xã Việt Nam, đã có hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực ảnh báo chí. Trong dịp vào Bình Định dự Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ XI (khai mạc ngày 29-8), ông đã dành cho PV. Báo Bình Định một cuộc trao đổi ngắn về ảnh báo chí và phong trào nhiếp ảnh ở Bình Định.
|
Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Chu Chí Thành đang trao đổi nghiệp vụ với giới nhiếp ảnh về ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật do Hội Nhà báo Bình Định tổ chức. Ảnh: Ngọc Diên
|
* Ông có thể cho biết quan điểm của mình về vai trò của ảnh báo chí hiện đại?
- Trên thế giới, từ trước đến nay, vẫn luôn coi trọng nhiếp ảnh trên lĩnh vực báo chí. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều bức ảnh của phóng viên chúng ta đã có tác dụng rất lớn với cuộc chiến; ngược lại, từ cuộc chiến này, các phóng viên phương Tây đã ghi lại được những bức ảnh có tác động mạnh với dân chúng của họ. Ngay hiện nay, tuy cuộc chiến đã lùi xa, nhưng những bức ảnh nổi tiếng về giai đoạn này của đội ngũ những người cầm máy vẫn còn đọng mãi trong tâm tưởng bao người.
Trong nhiếp ảnh báo chí, người cầm máy muốn phản ánh được thực tiễn cuộc sống đều phải nhập cuộc và sống trong lòng hiện thực. Bức ảnh sẽ là những thông tin chân thực, tác động mạnh đến với công chúng và lay động lòng người. Rất nhiều trong số những bức ảnh đó không chỉ có giá trị chuyển tải thông tin, mà còn có giá trị như biểu tượng cho một sự kiện lịch sử của đất nước...
* Về ảnh báo chí Việt Nam hiện nay, ông đánh giá như thế nào, thưa ông?
- Những năm gần đây, chúng ta vẫn phát huy được truyền thống trước đây của nhiếp ảnh báo chí là hướng ống kính vào các sự kiện của hiện thực đổi mới đất nước. Một số tờ báo đã biết khai thác thế mạnh chuyển tải thông tin của ảnh, dành cho ảnh một vị trí đáng kể trên mặt báo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có nhiều bức ảnh thể hiện được khí thế đổi mới của đất nước, chưa thể hiện sinh động được hình ảnh con người mới, chưa để lại nhiều ấn tượng trong người xem. Được tham gia chấm ảnh tại giải báo chí toàn quốc hàng năm, tôi nhận thấy rằng nhiều tờ báo lớn nhưng lại ít gửi ảnh tham gia dự giải, ảnh đoạt giải thưởng chưa xứng tầm. Đây là hệ quả của việc các tờ báo đó vẫn chưa quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc các tác phẩm ảnh báo chí hiện nay thiếu ấn tượng và không đặc sắc, cũng cho thấy phóng viên ảnh hiện còn thiếu "máu mê" nghề nghiệp, bỏ qua những sự kiện mà nếu biết khai thác, họ sẽ có được các tác phẩm ảnh báo chí để đời.
Hiện nay, ảnh báo chí chúng ta thường đưa tiến độ sản xuất, công trình mang tính xuân thu nhị kỳ... Những bức ảnh đó thiếu sức sống sôi động trong khi đặc trưng của ảnh báo chí là phải sống động. Với nhiều tờ báo, việc dùng ảnh phần nhiều cũng mới dừng ở trang trí cho trang báo, minh họa bài viết, ảnh chưa được xem như thông tin độc lập. Mặt khác, đội ngũ những người cầm máy cũng cần phải dấn thân hơn nữa.
* Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ cầm máy và phong trào nhiếp ảnh Bình Định?
- Năm nay, Bình Định có 3 người được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam. Ngoài ra, còn vài người nữa đã gần đủ điểm để được kết nạp vào Hội. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, số hội viên như vậy vẫn còn rất ít, phong trào nhiếp ảnh của Bình Định hiện vẫn được xem là non trẻ. Những thành công của anh em NSNA Bình Định những năm qua mới chỉ là những mùa gặt đầu. NSNA Đào Tiến Đạt với nhiều thành công ở các cuộc thi ảnh trên thế giới, là vốn quý, là hạt nhân cho phong trào nhiếp ảnh Bình Định.
* Ông có ấn tượng gì về mảnh đất và con người Bình Định?
- Trước đây tôi chỉ biết đến Bình Định qua sách báo, phim ảnh, qua những người thân và bạn bè. Bình Định là vùng đất giàu truyền thống. Người Bình Định bình dị, chân thành và hào hiệp, thượng võ. Bình Định nay được xem như một tỉnh phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây sẽ là mảng đề tài lớn cho các NSNA của Bình Định và cả nước khai thác. Tôi đã đến Bảo tàng Quang Trung, được cúi đầu uống ngụm nước giếng thiêng trong khuôn viên điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, với lòng tự hào và sự biết ơn tiền nhân.
* Xin cảm ơn ông !
|