Xã hội hóa hoạt động văn hóa:
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý
8:19', 31/8/ 2006 (GMT+7)

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006-2010. Mục tiêu của kế hoạch là thu hút mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia vào quá trình xã hội hóa hoạt động văn hóa.

 

Một góc nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành - nhà trưng bày tư nhân đầu tiên ở tỉnh Bình Định. Ảnh: H.T

 

* Những kết quả bước đầu

Những năm qua, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu. Đáng kể nhất là trên lĩnh vực di sản văn hóa, một số tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đã tham gia tài trợ, đóng góp kinh phí nâng cấp Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, tạc và dát vàng 9 tượng thờ Tây Sơn Tam kiệt và văn thần võ tướng; xây dựng tượng Hoàng đế Quang Trung; xây dựng nhà tiếp khách, nhà làm việc Bảo tàng Quang Trung với tổng kinh phí gần 12 tỉ đồng. Việc trùng tu tháp Cánh Tiên (huyện An Nhơn), cũng nhận được 100.000 Euro kinh phí tài trợ. Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã bỏ vốn đầu tư tôn tạo các danh thắng như Ghềnh Ráng, Hầm Hô… đưa vào phục vụ khách tham quan, du lịch. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có một nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành do tư nhân xây dựng tại Quy Nhơn và một thư viện tư nhân ở xã Nhơn Phúc (huyện An Nhơn).

Hiện nay, ngoài hai đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, tỉnh Bình Định hiện còn 14 đoàn nghệ thuật truyền thống không chuyên do tập thể hoặc cá nhân tổ chức hoạt động biểu diễn. Hằng năm, toàn tỉnh có trên 20 lễ hội truyền thống đã được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, chủ yếu do nhân dân và các tổ chức xã hội phối hợp thực hiện, qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tuy vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể nhìn chung triển khai còn chậm, kết quả đạt được còn nhiều hạn chế. Trong đó, đáng chú ý là công tác tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân có nhận thức đúng về các chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa chưa được chú ý đúng mức. Mức đầu tư Nhà nước để kích thích, thu hút sự đầu tư của nhân dân và các tổ chức xã hội theo phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” còn ít. Sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng lại thiếu cụ thể nên chưa tạo ra được hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

* Xã hội hóa: sẽ được đẩy mạnh với kế hoạch cụ thể

Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa tỉnh Bình Định giai đoạn 2006-2010 là phấn đấu đến năm 2010, các cơ sở ngoài công lập tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa đảm bảo từ 50 đến 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa tùy theo từng loại hình, lĩnh vực. Việc huy động vốn từ xã hội đầu tư cho phát triển văn hóa chiếm 40 - 50%.

Để những mục tiêu này trở thành hiện thực, kế hoạch cũng đưa ra những giải pháp cụ thể. Trong đó, ở lĩnh vực sân khấu, các đơn vị thực hiện xã hội hóa sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước và các chính sách tài trợ xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa. Cán bộ, diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ngoài công lập được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và được khen thưởng. Trong công tác đào tạo, sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập hoặc liên kết thành lập các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật ngoài công lập. Đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, sẽ khuyến khích các cá nhân, đơn vị, tổ chức ngoài công lập được thành lập một số mô hình thiết chế văn hóa thông tin cơ sở và tài trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hoạt động văn hóa - thông tin phục vụ địa bàn miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt khó khăn.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh sẽ thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ban đầu có thời hạn về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ người lao động ở tổ chức công lập khi chuyển đổi sang tổ chức ngoài công lập. Việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị được đẩy mạnh theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực hiện chính sách đãi ngộ công bằng trong hoạt động sự nghiệp, sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị công lập và ngoài công lập. UBND tỉnh cũng sẽ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước về tài chính, thuế… đối với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên lĩnh vực hoạt động văn hóa.

 

Ở lĩnh vực sân khấu, các đơn vị thực hiện xã hội hóa sẽ được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước và các chính sách tài trợ xây dựng chương trình nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa.  Trong ảnh: Một cảnh trong vở tuồng Tam Hạ Nam Đường do các nghệ sĩ không chuyên biểu diễn. Ảnh: Hoàng Vân

 

* Cần một lộ trình

Đề cập đến kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa, ông Nguyễn Vĩnh Hảo - chủ nhân Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành, nhà trưng bày tư nhân đầu tiên ở tỉnh Bình Định, tỏ ra phấn khởi: “Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa của UBND tỉnh đã đáp ứng được sự mong chờ của các nhà sưu tầm cổ vật tư nhân chúng tôi. Nó thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước đối với việc xây dựng các bảo tàng hay nhà trưng bày sưu tập tư nhân nói riêng và bảo tồn di sản văn hóa nói chung. Tôi hi vọng sau khi ban hành kế hoạch này, Sở VHTT tỉnh và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi để hướng dẫn và định hướng cho chúng tôi trong hoạt động sưu tầm cổ vật”.

Băn khoăn lớn nhất hiện tại là với các đơn vị thuộc ngành VHTT tỉnh. Kế hoạch đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2010, các đơn vị trực thuộc Sở VHTT tỉnh sẽ tự trang trải một phần về tài chính với mức thấp nhất là 20% (với Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Bảo tàng Quang Trung, Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh) và cao nhất là 70% (với Trung tâm VHTT tỉnh, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng Bình Định). Ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, cho biết: “Việc các đơn vị trực thuộc Sở VHTT đến năm 2010 phải trang trải một phần về tài chính tuy không phải là quy định của Bộ VHTT nhưng UBND tỉnh vẫn quyết định đưa vào kế hoạch, nhằm buộc các đơn vị này phải năng động hơn nữa trong việc thực hiện xã hội hóa và giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước”.

Tuy cũng nhất trí khi cho rằng việc buộc các đơn vị tự trang trải một phần về tài chính là hợp lý và phù hợp với xu thế xã hội hóa, nhưng ông Lê Thế Trí - Giám đốc Trung tâm VHTT tỉnh, vẫn băn khoăn: “Ở Bình Định, các yêu cầu về dịch vụ văn hóa vẫn còn bao cấp và chủ yếu phục vụ chính trị, thì việc xã hội hóa phải được thực hiện từng bước. Hiện nay, kinh phí hoạt động của Trung tâm VHTT tỉnh hàng năm vào khoảng 800 triệu. Vài năm tới, sau khi Trung tâm VHTT tỉnh xây dựng xong, tuy có phần thuận lợi cho việc mở rộng dịch vụ văn hóa theo hướng xã hội hóa, nhưng ngay cả lúc đó, việc thực hiện cho được mục tiêu được đề ra trong kế hoạch vẫn là điều tương đối khó. Do vậy, UBND tỉnh cần có chính sách phù hợp nhằm mở hướng cho chúng tôi trong những năm đầu thực hiện xã hội hóa….”.

  • Hoài Thu

Ông Dương Minh Châu - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa:

Kế hoạch xã hội hóa hoạt động văn hóa giai đoạn 2006 - 2010 vừa được UBND tỉnh ban hành mang tính cụ thể, thiết thực, nhằm tạo sự gắn kết giữa nhà nước và nhân dân trong quá trình xã hội hóa. Quan điểm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở đây không phải là chỉ huy động vốn của nhân dân mà Nhà nước cũng sẽ đầu tư kinh phí nhiều hơn nữa để thúc đẩy phong trào xã hội hóa. Với các đơn vị trực thuộc Sở VHTT tỉnh, để giúp cho các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch, Sở VHTT tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ và đưa ra những giải pháp hợp lý với từng đơn vị…

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)
Những khoảnh khắc hoài niệm  (30/08/2006)
Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên  (30/08/2006)
Những album lạ  (29/08/2006)
"Người cầm máy cần phải dấn thân hơn nữa"  (29/08/2006)
Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số  (29/08/2006)
Chuyến viễn du dưới nước  (28/08/2006)
Các cơ sở ngoài công lập đảm bảo 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa  (28/08/2006)
Duyên con gái, đẹp và thân thiện  (27/08/2006)
Triển lãm Tranh Mỹ thuật Bình Định năm 2006: Nhiều nét sáng tạo mới  (25/08/2006)
Đã phát hiện phần chân đế đá đồ sộ  (25/08/2006)
Ôi La Tinh yêu dấu  (24/08/2006)
Nối mạng với Thanh Loan  (24/08/2006)
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Bây giờ gió gọi anh đi"  (23/08/2006)
Nhà thơ nên đi… xe đạp  (23/08/2006)