Nhiếp ảnh miền Trung - Tây Nguyên đang ở trình độ nào khi so sánh với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh? Đâu là những điểm mạnh và điểm yếu trong hoạt động nhiếp ảnh khu vực? Đây là những câu hỏi được P.V Báo Bình Định đặt ra với một số nghệ sĩ nhiếp ảnh tại Liên hoan (LH) ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI vừa được tổ chức tại Bình Định.
|
Ngay ngày đầu khai mạc, Triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần XI thu hút được nhiều người đến xem. Ảnh: Hoài Thu
|
Ông LÊ MINH TRƯỜNG (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam):
Muốn có tác phẩm tốt phải đi sâu vào cuộc sống
Điểm nổi bật của nhiếp ảnh miền Trung - Tây Nguyên thể hiện qua những bức ảnh tham gia LH lần này chính là các tác giả đã vận dụng tốt những thành tựu khoa học, cụ thể là photoshop để nâng cao giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho tác phẩm. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ sẽ thành phản tác dụng nếu các tác giả không nắm vững kiến thức về cuộc sống, kiến thức về luật vi cảnh. Vì vậy, muốn có được một tác phẩm tốt, các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải cố gắng đi sâu hơn nữa vào cuộc sống, bởi thực tế cuộc sống luôn là đề tài vô tận của nghệ thuật. Chỉ có đi sâu vào cuộc sống thì người cầm máy mới có được nền tảng vững chắc để sử dụng những công cụ hỗ trợ một cách hợp lý. Nếu không, quá trình sáng tạo sẽ dần đi vào lối mòn và bế tắc.
Ông CHU CHÍ THÀNH (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam):
Cần tạo ra nét riêng trong cách thể hiện cảm xúc và biểu cảm nghệ thuật
Nhìn từ số lượng và chất lượng các tác phẩm tham gia LH lần này, số tác phẩm được dự treo và giành giải thưởng, ta có thể khẳng định: các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng là những "cánh chim đầu đàn" trong phong trào nhiếp ảnh khu vực. Các tác phẩm được lựa chọn để dự treo tại LH đáp ứng tốt yêu cầu cả về nội dung lẫn hình thức. Không những thế, chất lượng tác phẩm cũng đã đạt đến tầm quốc gia và ở một mức độ nào đó, ngang bằng hoặc không chênh lệch lắm với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điểm mạnh của phong trào nhiếp ảnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên chính là sự phát triển đồng đều của các địa phương và khả năng làm chủ kỹ thuật của các tay máy. Tuy nhiên, điểm hạn chế là sự tìm tòi, săn lùng đề tài cũng như sự sáng tạo trong cách thể hiện chưa có sự bứt phá, chưa tạo được phong cách riêng cho mỗi tác giả. Do vậy, chất lượng các tác phẩm đều nhau mà chưa có sự vượt trội.
Ông LẠI KHÁNH (Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Khánh Hòa):
Nhiếp ảnh khu vực nên đi sâu khai thác đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Các tác phẩm tham gia LH lần này đã có những nét sáng tạo mới. Không ít bức ảnh đẹp và đặc sắc. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tác phẩm theo motif cũ và lắp ghép nhiều. Theo tôi, hướng phát triển của nhiếp ảnh khu vực nên đi sâu vào thực tế của cuộc sống, nắm bắt nhịp điệu phát triển của khu vực về du lịch và nhất là về đề tài công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bởi quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đã phản ánh một cách rõ nét nhất những đổi thay mạnh mẽ về kinh tế - xã hội ở địa phương và nếu bám sát nó, người cầm máy có thể ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc đẹp và chân thực nhất của cuộc sống…
Ông Ngọc Lối (Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định):
Khuyến khích sáng tạo tác phẩm kết hợp giữa phong cách truyền thống với ứng dụng photoshop
Lực lượng người cầm máy và số tác phẩm của Bình Định tham gia LH lần này khá đông. Ngay những người chưa là hội viên cũng tích cực góp mặt. Mỗi lần được tham dự LH như thế này, chúng tôi sẽ học được nhiều từ các đồng nghiệp tỉnh bạn để tự hoàn thiện mình. Sắp tới, Chi hội sẽ khuyến khích anh em hội viên sáng tác theo hướng vừa kết hợp giữa phong cách truyền thống, vừa ứng dụng photoshop để nâng cao hiệu quả tác phẩm. Đây cũng là xu hướng chung của nhiếp ảnh khu vực và cả nước. Chúng tôi cũng mong muốn sẽ được đầu tư thêm về kinh phí để có thể tổ chức được nhiều chuyến thực tế sáng tác, cũng như mở các khóa đào tạo thêm về chuyên môn cho hội viên.
|