Tháp Chàm Bình Định
11:17', 5/9/ 2006 (GMT+7)

* Tản mạn của Thúc Giáp

Các tỉnh duyên hải miền Trung nơi nào cũng có di tích văn hóa Chăm. Bình Định, xưa từng là kinh đô của Vương quốc Chămpa (1000-1471), nên văn hóa Chăm của một thời vàng son rực rỡ còn hiện diện khá rõ nét, nhất là hệ thống tháp cổ với 8 cụm tháp gồm 14 ngôi tháp độc đáo và bí ẩn.

Khác với di tích Chăm ở Quảng Nam rất tập trung, các di tích văn hóa Chăm ở Bình Định lại rải rác khắp nơi. 8 cụm tháp ở nhiều địa phương khác nhau với các tên gọi: Bánh Ít, Dương Long, Tháp Đôi, Cánh Tiên, Phú Lốc, Thủ Thiện, Bình Lâm và Hòn Chuông. Nói cách khác, không gian di tích văn hóa Chăm ở Bình Định rộng lớn hơn, hoành tráng hơn trong khi về chiều sâu lịch sử lại chẳng thua kém gì.

 

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di/ Sông xanh núi cũng xanh rì/ Vào Nam ra Bắc cũng đi con đường này... Ảnh: Bá Phùng

 

Tháp Đôi được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm 2 tháp (tháp chính cao 20m, tháp phụ cao khoảng 18m). Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp "độc nhất vô nhị" của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Tháp Đôi đã đi vào ca dao Bình Định, là biểu tượng của lòng chung thủy:

Tháp kia còn đứng đủ đôi

Cầu còn đủ cặp huống chi tôi với nường,

Tháp ngạo nắng sương,

Cầu nương sắt đá.

Dù người thiên hạ,

Tiếng ngả lời nghiêng.

Cao thâm đã chứng lòng nguyền,

Còn cầu, còn tháp còn duyên đôi lứa mình.

Non sông nặng gánh chung tình.

Tháp Bánh Ít được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, trên đỉnh một quả đồi nằm giữa 2 nhánh sông Côn là Tân An và cầu Bà Di, bên cạnh đường thiên lý 1A. Đây là một quần thể gồm 4 tháp, đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh Ít - thật mộc mạc, dân dã. Ở cụm tháp này, mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt, mỗi sắc thái khác nhau. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di

Sông xanh núi cũng xanh rì

Vào Nam ra Bắc cũng đi con đường này

Nghìn năm gương cũ còn đây…

(Ca dao Bình Định)

Tháp Dương Long ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn hóa nghệ thuật Chămpa, là một quần thể gồm 3 tháp (tháp giữa cao 24m, hai tháp 2 bên cao 22m). Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kỳ bí, tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chàm đẹp nhất miền Trung, với đặc trưng độc đáo là có kích thước lớn và kiểu kiến trúc uy nghi. Đối diện bên kia sông Côn là tháp Thủ Thiện (thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) nhỏ nhắn nhưng thanh thoát, trang nhã nhưng kỳ bí. Ca dao Bình Định có câu:

Vững vàng tháp cổ ai xây

Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long.

Rồi những Cánh Tiên, Phú Lốc, Bình Lâm và Hòn Chuông - mỗi tháp một dáng vẻ, chứa đựng bao vàng son và cả những tàn phai một thuở. Nói chung, mỗi cụm tháp Chàm ở Bình Định đều có nét độc đáo riêng, thể hiện trình độ kiến trúc và nghệ thuật Chămpa ở từng giai đoạn phát triển khác nhau; đều có sự hấp dẫn riêng bởi sự bí ẩn cũng như vẻ đẹp lạ lùng mà rêu phong và thời gian vẫn không thể nào phủ lấp.

Gần ngàn năm đã trôi qua nhưng các cụm tháp Chàm ở Bình Định gần như vẫn còn khá nguyên vẹn (gần đây lại được ngành Văn hóa - Thông tin Bình Định trùng tu, nâng cấp) và đó thật sự là một báu vật không chỉ của người Bình Định.

Cách đây hơn 20 năm, năm 1985, khi lần đầu tiên đến Bình Định và được đưa đi chiêm bái các cụm tháp Chàm, nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao đã sửng sốt bật lên:

Từ trời xanh

rơi

vài giọt tháp Chàm

Tiếng kêu tinh tế ấy của Văn Cao được nhiều văn nghệ sĩ đương thời và hiện thời cùng "nhất trí" nhận định: Từ trước tới nay, chưa nhà thơ nhà văn nào, kể cả Chế Lan Viên, có được cảm nhận chính xác như thế về các tháp Chàm, về xuất xứ và sự có mặt bí ẩn của những ngọn tháp ấy trên đất Bình Định.

Trong năm 2006 này, nhận lời mời của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, một quan chức cấp cao của UNESCO lần đầu tiên đến thăm Bình Định cũng đã bị choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của hệ thống tháp Chàm, nhất là khi đứng trước tháp Dương Long uy nghi, huyền ảo. "Chúa ơi!", vị chuyên gia này thốt lên trong kinh ngạc và thán phục.

 

Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chàm đẹp nhất miền Trung, với đặc trưng độc đáo là có kích thước lớn và kiểu kiến trúc uy nghi. Trong ảnh: Phù điêu trên tháp Dương Long. Ảnh: Bá Phùng

 

Từ nghệ sĩ cho đến chuyên gia của UNESCO, trước tháp Chàm Bình Định, đều có chung cảm xúc choáng ngợp và bị chinh phục ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Mới đây, tiến sĩ Đinh Bá Hòa (Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) có đặt vấn đề về việc đưa hệ di tích Chăm Bình Định, trong đó có các tháp Chàm, trở thành di sản văn hóa thế giới, như Mỹ Sơn của Quảng Nam. Theo ông Hòa, ngoài 8 cụm tháp với 14 tháp cổ, Bình Định còn có 2 tòa thành và 1 thương cảng cổ. Đó là một gia tài văn hóa của quá khứ giao lại cho Bình Định mà hiếm có địa phương nào trên đất nước ta có được.

Ông Hòa phân tích: Bình Định không thua Quảng Nam về chiều sâu lịch sử và bề nổi của di tích. Quảng Nam có Mỹ Sơn thì Bình Định có Vijaya, Quảng Nam có Trà Kiệu thì Bình Định có Chà Bàn, Quảng Nam có Chiêm Động thì Bình Định có Thi Nại. Nhưng cái mà Bình Định chưa được như Quảng Nam chính là ở chỗ Bình Định chưa đánh giá hết những gì mình có. Thêm vào đó, nhiều người lại chưa biết nhiều về hệ thống di tích đồ sộ ở Bình Định, trừ giới nghiên cứu.

Vì vậy mà khi Mỹ Sơn đã "phổ cập" và tỏa sáng rực rỡ thì hệ thống tháp Chàm Bình Định vẫn còn im lìm trong bóng tối. Vì vậy mà khi Mỹ Sơn đã trở thành di sản văn hóa thế giới thì hệ thống tháp Chàm Bình Định vẫn còn mang kích cỡ quốc gia.

Hệ thống tháp Chàm Bình Định sẽ trở thành di sản văn hóa thế giới, tại sao không? Vấn đề không phải là chạy theo danh hiệu mà ở chỗ, phải minh định và xác định cho hệ thống tháp Chàm Bình Định - những giọt tháp từ trời xanh rơi xuống như Văn Cao đã cảm nhận và "mô tả" - thật sự đúng với tầm vóc và giá trị toàn cầu của nó.

  • TG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định đoạt Cúp Bạc  (05/09/2006)
Sáng nay ra đường gặp…  (04/09/2006)
Dưới góc nhìn của người trong cuộc  (01/09/2006)
Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm  (01/09/2006)
Đoạt 3 huy chương tại các cuộc thi ảnh quốc tế  (01/09/2006)
Những góc nhìn cận cảnh về cuộc sống  (31/08/2006)
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý  (31/08/2006)
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)
Những khoảnh khắc hoài niệm  (30/08/2006)
Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên  (30/08/2006)
Những album lạ  (29/08/2006)
"Người cầm máy cần phải dấn thân hơn nữa"  (29/08/2006)
Nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số  (29/08/2006)
Chuyến viễn du dưới nước  (28/08/2006)
Các cơ sở ngoài công lập đảm bảo 50 - 60% nhu cầu dịch vụ văn hóa  (28/08/2006)