* Tùy bút của Vũ Ngọc Liễn
Tôi đã rất sung sướng khi nhìn thấy cầu Thăng Long, cầu Sông Gianh, cầu Bến Thủy, cầu Mỹ Thuận nối liền những làng quê, thành phố, khép lại những đò giang cách trở, mở ra sự thông thương, phát triển... Giờ đây nhìn lại thấy cây cầu Nhơn Hội dài 2.500m bay qua đầm Thị Nại tôi mừng quá đỗi mừng! Vì nó nằm ngay trên quê tôi, nó là của tôi, nó với tôi là một, một cây cầu mà từ khi khai sơn lập địa đến nay các thành hoàng bổn xứ chưa hề dám mơ tưởng. Ai có nói tôi địa phương chủ nghĩa thì tôi cứ mặc kệ. Tôi yêu quê hương tôi quá chừng, dẫu có quá một chút cũng chẳng hề gì.
|
Đông đảo cán bộ, nhân dân Bình Định nao nức với niềm vui băng qua đầm Thị Nại trên cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Ảnh: Đ.Đ.T
|
Đầm Thị Nại rộng ước 5.060ha, mùa hè thì hiền hòa, mùa đông thì hung dữ không kém biển, cho nên cụ Phan Huy Ích từng có thơ rằng: Thị Nại đào hùng dũng (sóng đầm Thị Nại cuồn cuộn). Còn cụ Đào Tấn trong bài thơ Đêm đi thuyền đến làng Huỳnh Giản (làng ven đầm Thị Nại) thì ví đầm Thị Nại mênh mông trời nước như sông Thương trong văn học cổ: Trôi nổi trong đêm với chiếc đò/ Đời ta biết mấy nỗi âu lo/ Sớm toan cày ruộng, nay lười thế/ Hát với sông Thương, hát rõ to.
Vậy thì không mừng làm sao được. Chuyện Ngu Công dời núi, chuyện Nữ Oa vá trời, chuyện Tinh Vệ lấp biển dù là những mộng đẹp, những ước mơ của con người muốn chinh phục thiên nhiên, song chẳng qua là truyền thuyết của sách xưa nói vậy chứ nào ai có thấy. Ngay như chuyện con tàu vũ trụ Apollo 11 mà nước Mỹ từng vênh váo vào những năm 1969 - 1972 rằng nước Mỹ đã đưa người lên cung trăng, đã lấy đất đá từ cung trăng mang về cất trong kho nước Mỹ, giờ đây đã trở thành nỗi hồ nghi lớn nhất thế kỷ XX, thiên hạ đang kháo rầm lên đấy chứ. Còn cây cầu Nhơn Hội của quê tôi, cây cầu vượt qua đầm Thị Nại mà nhà thơ Thanh Thảo gọi là "cây cầu vượt biển" đẹp như mống cầu vồng lại hiện hữu, là có thực, không lừa dối ai cả, nó đang hiên ngang chạy lấy đà hơn 5km lao vun vút qua 5 cây cầu Hà Thanh rồi "hấp" một cái nó bay qua biển trời hùng vĩ của quê tôi. Ôi, sao mà đẹp thế này. Mà hình như nó đang hát, nghe như điệu "Phú Lục" và "Nam Xuân" thì phải? Hát không phải để làm duyên mà để phân trần về sự có mặt của mình trên cõi đời này, để chào đời ấy mà...
Vâng, đúng vậy, đúng như nhiều bài báo nói rằng cây cầu Nhơn Hội vượt đầm Thị Nại là niềm vui lớn của nhân dân Bình Định. Tôi xin bổ sung, nó còn kết tinh của ý chí và nghị lực của con người Bình Định xưa và nay. Nếu bạn chịu khó ngược dòng thời sự tìm hiểu sự vật từ khi phôi thai đến lúc chào đời như hôm nay mới thấm thía điều này.
Xin thú thật, chính người viết bài này cũng đã có lúc như đứng tim vì lo rằng: liệu quê ta có vượt qua khó khăn này không? Cây cầu Nhơn Hội có thành hiện thực hay chỉ là chuyện nói cho vui?
Ai cũng biết, suốt chín năm kháng chiến chống Pháp mảnh đất này nằm trong vị thế bốn bề bị giặc bao vây, vậy mà con người xứ sở này bằng sức vóc của mình, bằng trí tuệ của mình đã gồng mình làm nên kỳ tích kinh tế, lúc bấy giờ gọi là "tự túc tự cấp" đủ sức cưu mang, nuôi dưỡng toàn bộ chiến trường Nam Trung bộ, cũng gọi là chiến trường Liên Khu Năm. Kế đến cuộc kháng chiến chống Mỹ suốt hai mươi năm ròng vẫn nơi đây cung cấp một phần nhân, tài, vật, lực cho chiến trường xưa. Có lẽ vì thế mà cái ý chí tự lực cánh sinh được đào luyện thành một thứ gen, không ưa vòi vĩnh trở thành máu thịt của người Bình Định như câu thơ của Trần Viết Dũng: Ta trai Bình Định kiêng khoác lác/ Rất thiệt tình riêng phong cách miền Trung.
Thế rồi trong thời toàn cầu hóa, người Bình Định lại mở lòng đón các nhà đầu tư từ năm châu bốn bể về đây làm ăn. Động tác trải thảm đỏ đầu tiên là xây dựng cây cầu. Để làm được cái việc "vá trời lấp biển" này, lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương từ kinh phí, tiền của đầu tư đến hành lang chủ trương chính sách, vừa động viên tối đa nguồn lực trong tỉnh. Cây cầu như ý chí của người Bình Định cắm chân sâu vào tầng đá gốc, vươn những trụ, những dầm vượt lòng biển, vươn vào trời xanh...
Từ đó, nếu tôi không lầm thì cây cầu Nhơn Hội sở dĩ được chào đời, nó vượt ngang đầm Thị Nại nối Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai mở ra một vùng tương lai bao la là nhờ bản lĩnh của người Bình Định, nhờ cái tình và tinh thần quảng giao, mở lòng đón bạn. Với bản lĩnh ấy, tôi tin chắc chắn rằng người Bình Định sẽ gầy dựng lên trên bán đảo Phương Mai những tòa nguy nga mới, khiến bạn bè bốn phương phải ngưỡng mộ.
Quy Nhơn 5-9-2006
|