Festival sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh lần thứ I-2006:
Dấu ấn Bình Định
16:5', 6/9/ 2006 (GMT+7)

Festival sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh 2006 (Festival SVC 2006) là lễ hội SVC tầm quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tại lễ hội này hàng ngàn nghệ nhân Việt Nam và quốc tế về lĩnh vực cây cảnh, thủy sinh, phong lan, bonsai, non bộ, đá cảnh, cá cảnh, thú cảnh… đã được giao lưu, thi thố, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Bình Định chỉ tham gia 3 bộ môn cây bonsai, đá cảnh và gỗ lũa. Tuy nhiên nhờ các tác phẩm được tinh chọn, đồng đều về chất lượng, nên đã gây ấn tượng tốt cho người thưởng lãm. Thứ hạng cao mà Ban tổ chức trao tặng là một nhận xét đáng tin cậy, phấn khởi.

 

Gian triển lãm của Bình Định thu hút nhiều khách tham quan đến thưởng lãm.

 

Cuộc hội ngộ của anh hào sinh vật cảnh

Từ 2 - 3 ngày trước khi diễn ra khai mạc Festival SVC 2006, nhiều hội SVC, câu lạc bộ SVC của các tỉnh, TP đã đưa sản phẩm về trưng bày tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, Q1, TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra lễ hội từ ngày 31-8 đến 4-9-2006.

Có 50 gian triển lãm dành cho các đơn vị trong nước, đặc biệt có khu vực dành riêng cho khu trưng bày và thi cá cảnh, chó cảnh, chó nghiệp vụ của hơn 10 đơn vị ở TP Hồ Chí Minh và các nước nổi tiếng về thú chơi SVC như: Nhật, Mỹ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Bonsai, kiểng nghệ thuật vẫn là bộ môn được nhiều người yêu thích nhất và được các đơn vị mang theo với số lượng lớn nhất trong các gian triển lãm. Đặc biệt hơn là những tác phẩm nổi tiếng được các nghệ nhân tên tuổi lâu nay nhắc đến, giờ đều góp mặt trong lễ hội hoành tráng này. Những tác phẩm kinh điển mang dáng trực, siêu phong, thác đổ… từ các danh kiểng, như: sanh, cừa, tùng La Hán, ngọa tùng, sam, du, cần thăng, nguyệt quế, đa, kim quýt… vẫn được các nghệ nhân, giám khảo và khách tham quan yêu chuộng.

Nhiều tác phẩm lừng danh trong làng kiểng như cây sanh “đại thụ” bám đá, cây đa “Tân Trào” của Hà Nội; cây cừa “đại lão”, cây tùng La Hán “bách niên” của Bình Định; cây sanh trên 250 tuổi của Hải Dương (treo giá 300.000 USD); bộ nguyệt quế “lão tướng” của Q.3, TP Hồ Chí Minh… đều hội tụ về đây. Hàng ngàn tác phẩm bonsai, cây kiểng nghệ thuật khác trong lễ hội, mỗi cây mỗi dáng vẻ, mỗi hồn vía riêng biệt, tất cả như những người đẹp trong cuộc thi hoa hậu.

Lâm Đồng đã mang đến lễ hội những sắc màu quyến rũ của trăm hoa. Ngoài các cụm lan quý hiếm phục vụ cho cuộc thi phong lan (lan nội và lan gốc ngoại), Lâm Đồng còn đem đến hàng chục các loài hoa khác, tô điểm cho khuôn viên chưng bày và để quảng bá thương hiệu, như: pensée, thạch thảo, dã uyên thảo, lyli, phong lữ, cúc pha lê, hồng, loa kèn, hồng môn…. Một số tỉnh, thành phía Bắc đã đem đến lễ hội một số cành đào nở hoa trái mùa, Bình Định và TP Hồ Chí Minh cũng đã ép một số cây mai cho hoa đúng vào dịp lễ hội, góp thêm cho sự phong phú hương sắc của nhiều vùng miền.

Đá cảnh Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… trình diễn những chất liệu, phong cách chơi riêng. Nhưng mẫu số chung là niềm đam mê cái đẹp được thăng hoa mãnh liệt, hòa quyện trên từng vân đá, thế đá.

Có khá nhiều đơn vị chưng bày các tác phẩm gỗ lũa nghệ thuật, trong đó có gỗ lũa thô mộc (tự nhiên) và gỗ lũa qua chạm khắc. Đắc Lắc, Ninh Bình và Khánh Hòa là những địa phương có phong trào chơi gỗ lũa từ rất sớm. Các địa phương này đã giới thiệu những bộ sưu tập gỗ lũa rất phong phú, đa dạng. Nhưng tác phẩm Cửu long quy hội của cơ sở gỗ lũa Duy Tùng, ở Bình Định tỏ ra xuất sắc vượt trội.

Hai bộ môn cá cảnh, thú cảnh (chó) gần như là sân chơi riêng cho các đơn vị nước ngoài và TP Hồ Chí Minh, nơi được xem là có phong trào mạnh nhất nước, có khả năng tham gia các cuộc thi và biểu diễn quốc tế. Có trên 300 hồ cá cảnh thuộc 4 loại: Dĩa, La Hán, Xiêm và 7 màu, là những giống cá quý, với hàng trăm chi khác nhau, khách có thể “no nê” với vô số sắc màu lộng lẫy.

Hàng trăm chú chó cảnh xúng xính, rộn ràng, khoe mẽ trong khu trình diễn dành cho… khuyển. Đặc biệt siêu thị Phương Anh Petmark cho ra mắt tại lễ hội những giống chó quý nổi tiếng trên thế giới như: Newfounland, Greyhound, Labrador Retriever, Chow- chow, Siberian Husky, Poodle, Berger Đức …, mà nhiều con có giá trên 10.000 USD.

 

Nghệ nhân Ngô Tế Thế với cây cừa đoạt cúp Bạc của mình.

 

Bình Định đoạt cú đúp Bạc

Bình Định được xem là một địa phương có phong trào SVC mạnh, tạo được nhiều tiếng vang trong các kỳ liên hoan, triển lãm SVC khu vực và cả nước.

Lần lễ hội này, Ban tổ chức đã dành cho Bình Định 100 m2 chưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Gần 50 chậu bonsai, cây cảnh nghệ thuật có giá trị được tuyển lựa từ các vườn kiểng tầm cỡ trong tỉnh và khu vực, như: Ngọc Sơn, Phước Lộc, Bá Dũng, Thanh Trì, Văn Minh, Ruby, Hội SVC huyện Tây Sơn… và của các nghệ nhân lão thành Ngô Tế Thế, Trần Mân, Nguyễn Duy Quý… Gian trưng bày của Bình Định nổi bật lên những tác phẩm mang “hồn vía” và phong cách hoa cảnh của dãi đất miền Trung nắng- gió, gồm: sam, phi lao, me, linh sam, trắc, cừa, mai xuân….

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Xuân Dương đến dự khai mạc Festival SVC 2006 và đã thăm khu trưng bày SVC của Bình Định, đây là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với phong trào SVC ở địa phương, là sự động viên, khích lệ đáng quý cho các nghệ nhân.

Tin vui đầu tiên đến với đoàn Bình Định là chiếc huy chương Bạc của Festival SVC 2006 dành cho tác phẩm cừa “đại lão”, dáng trực của nghệ nhân Ngô Tế Thế (xếp sau tác phẩm sanh “đại thụ” bám đá của Hà Nội). Niềm vui lớn nhất cho đoàn Bình Định là đã thu hút hàng chục nghìn khách tham quan, thương gia, nghệ nhân đến khu trưng bày. Ngay trong ngày khai mạc, Cơ sở gỗ lũa Duy Tùng (Bình Định) đã bán được tác phẩm Cửu long quy hội với giá 40 triệu đồng. Tiếp đến, cây phi lao nghệ thuật, thế quần vũ của Kiến trúc sư Thanh Trì  đã được bán với giá 29 triệu đồng. Cây sam dáng huyền của Hội SVC huyện Tây Sơn cũng được bán với giá 10 triệu đồng. Nhiều tác phẩm khác của gian trưng bày Bình Định được các thương gia dạm giá nhưng không mua được, do chủ nhân chưa có nhu cầu bán.

Bế mạc Festival SVC 2006, Bình Định còn đón nhận một tin vui khác, đó là cúp Bạc tập thể, đoàn Lâm Đồng đoạt cúp Vàng và đoàn Ninh Bình nhận cúp Đồng.

 

Cây sanh trên 250 tuổi được treo giá 300.000 USD của một nghệ nhân ở Hải Dương.

 

Những điều SVC Bình Định cần bổ khuyết

Nhiều nghệ nhân ở Bình Định và các địa phương bạn đã nhận xét: Nguồn nguyên liệu tạo nên tác phẩm SVC ở Bình Định rất phong phú, các nghệ nhân Bình Định biết khai thác tốt cốt cách của từng dáng cây, vân đá, thế gỗ và biết tạo nên những phong cách độc đáo trong nghề chơi. Tuy nhiên, có quá nhiều tác phẩm SVC của Bình Định được chuyển nhượng đi nơi khác theo kiểu "bán phôi".

Có khoảng 1/5 số tác phẩm SVC thuộc diện khá và xuất sắc trong lễ hội có nguồn gốc mua từ Bình Định, trong đó sanh, sam, phi lao, linh sam và me ở Bình Định là những cây được nhiều đại gia trong làng kiểng biết đến và săn đón; có điều, những tác phẩm có nguồn gốc của Bình Định giờ thì hoàn hảo hơn nhiều, do sự chăm sóc khá sắc sảo của các nghệ nhân.

Điều dễ trông thấy của các tác phẩm SVC Bình Định trong lễ hội này là sự thiếu chăm chút cho các tác phẩm của các nghệ nhân. Từ việc trình bày đôn, chậu, phối cảnh và tỉa tót chi tiết cho tác phẩm còn thiếu hoặc còn non tay.

Bình Định có nhiều nghệ nhân SVC có tay nghề cao, tuy nhiên chưa có cơ sở, hoặc Hội SVC nào của Bình Định có tổ chức chiêu sinh dạy nghề ngắn hạn, hoặc dài hạn. Việc tuyên truyền, khuyến khích để phát triển sản xuất, kinh doanh SVC ở các điạ phương trong tỉnh chưa mạnh, còn mang tính tự phát. Trong Lễ hội, các đơn vị đã kết hợp trưng bày, giới thiệu, quảng bá thương hiệu và sản phẩm, cùng với các dụng cụ, dịch vụ vật tư chăm sóc hoa kiểng, nhìn lại chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức các lần triển lãm, hội thi SVC. Qua Festival SVC 2006, các nghệ nhân và Hội SVC Bình Định có dịp giao tiếp, thi thố để nhìn nhận lại mình một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc quảng bá thương hiệu và tiếp cận thị trường SVC, một nghề chơi hái ra tiền.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mừng  (06/09/2006)
Nhớ mãi ngày đi học đầu tiên  (05/09/2006)
Tháp Chàm Bình Định  (05/09/2006)
Bình Định đoạt Cúp Bạc  (05/09/2006)
Sáng nay ra đường gặp…  (04/09/2006)
Dưới góc nhìn của người trong cuộc  (01/09/2006)
Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm  (01/09/2006)
Đoạt 3 huy chương tại các cuộc thi ảnh quốc tế  (01/09/2006)
Những góc nhìn cận cảnh về cuộc sống  (31/08/2006)
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý  (31/08/2006)
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)
Những khoảnh khắc hoài niệm  (30/08/2006)
Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên  (30/08/2006)
Những album lạ  (29/08/2006)
"Người cầm máy cần phải dấn thân hơn nữa"  (29/08/2006)