Đoạn cuối của thanh sắc
8:4', 8/9/ 2006 (GMT+7)

Đã là người mê hát bội, mấy ai không biết họ. Ngày còn rực rỡ thanh sắc, bằng tài năng và niềm đam mê nghệ thuật, họ tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu và khiến bao tâm hồn xao động. Nhưng rồi ánh hào quang ấy qua đi, cuộc sống của họ hiện tại đang chìm lấp trong những lặng lẽ đời thường... 

 

NSƯT Ngọc Cầm đang hướng dẫn học sinh vào vai Lan Anh. Ảnh: T.X

 

* “Viên minh châu” của đất Tuồng

Người ta đã từng xưng tụng về NSƯT Ngọc Cầm như vậy. Người con của làng tuồng Phước An (Tuy Phước) này từng được xếp vào hàng “tứ danh ca” của Bình Định, cùng với Hoàng Chinh, Tư Cá, Long Trọng.

NSƯT Ngọc Cầm kể: “Cha tôi là Chánh ca Đựng. Ông cụ mất khi tôi lên 9. Má tôi lại hổng muốn cho tôi theo nghiệp này, nhưng nghiệt nỗi, tôi đã trót mê. Mê đến mức khi chăn bò thì mải hát để bò ăn lúa, lột áo mà đền; nấu cơm thì để cơm khê...”. Bắt đầu được học nghề từ năm 12 tuổi, năm 14 tuổi, Ngọc Cầm đã vững vàng trên sân khấu và chiếm được nhiều cảm tình của khán giả qua các vai diễn.

Điều thú vị là Ngọc Cầm có giọng hát khỏe, vang, ấm áp, truyền cảm, nên bà đặc biệt thành công ở các vai kép. Xưa nay, trong hát bội, kép đóng vai đào thì nhiều chứ thật ít đào vào vai kép. Mà nữ diễn viên đóng kép thì lại chưa ai qua nổi Ngọc Cầm. Theo các nhà nghiên cứu, vai kép của Ngọc Cầm vừa kết hợp được giữa vẻ oai phong lẫm liệt của kép võ, với dáng vẻ thanh tao nho nhã của kép văn. Đặc biệt, khi vào vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình), cách hát của Ngọc Cầm khi thì đầy vẻ vênh vang của một viên tướng ngạo, lúc lại tỉ tê hạ giọng với Điêu Thuyền với đầy chất lẳng lơ. Rồi những Địch Thanh, Tiết Nhơn Quý, Lục Vân Tiên... nghĩa là đủ cả kép văn lẫn kép võ, đều được thể hiện xuất sắc qua tài năng của Ngọc Cầm.

Sau ngày giải phóng, NSƯT Ngọc Cầm biểu diễn tại Đoàn Tuồng Bình Nguyên (Gia Lai) rồi tham gia CLB Nghệ thuật Sân khấu Truyền thống của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Nhiều người vẫn còn nhớ, ngày ra mắt CLB, Ngọc Cầm tham gia biểu diễn 15 phút trong vai Địch Thanh trong trích đoạn “Địch Thanh biệt Trại Ba” mà khiến khán giả vỗ tay đến cả chục lần. Giọng hát của Ngọc Cầm với làn hơi đầy đặn, cao vút, kỹ thuật điêu luyện, nhất là cách “láy như có hột” xem ra vẫn như ngày nào. Ngay cả sau này, đã nghỉ, bà vẫn tham gia truyền nghề cho học sinh các lớp tuồng ở Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định và cố vấn cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn ở một số vở diễn.

* Không đi thì nhớ Lệ Siềng...

Ngày còn rực rỡ thanh sắc, đóng cặp với NSƯT Ngọc Cầm thường là Lệ Siềng. Lệ Siềng cũng là một tên tuổi vang danh đất Tuồng Bình Định với câu ca “Có đi thì sợ tốn tiền/ Không đi thì nhớ Lệ Siềng - Hoàng Chinh”.

Cũng như NSƯT Ngọc Cầm, ngày còn nhỏ, Lệ Siềng đã thích nghề hát, nhưng cũng từng bị gia đình cấm đoán. Vậy là cô bé Lệ Siềng khi ấy đành đi học lỏm. Không được đào tạo bài bản, nhưng với năng khiếu có sẵn, cộng với tư chất lanh lợi, Lệ Siềng nhanh chóng khẳng định được tài năng của mình. Và rồi một lần, cô lọt vào mắt xanh của NSƯT Hoàng Chinh trong dịp ông về diễn gần nhà. Hoàng Chinh ngay lập tức tạo điều kiện để Lệ Siềng tham gia đi diễn cùng đoàn. Và làng hát bội Bình Định từ đó xuất hiện một cặp đào - kép cực kỳ ăn ý: Lệ Siềng - Hoàng Chinh.

Nhưng mấy ai biết, để có thể rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu và hớp hồn không biết bao nhiêu khán giả, Lệ Siềng đã phải vật lộn với cuộc sống lam lũ thường nhật. Ngày xắn ống quần nuôi heo, bán cá, đêm đêm cô lại đạp xe lọc xọc đến trường hát, trút vội vẻ ngoài lam lũ, hóa thân thành các giai nhân tuyệt sắc như Mạnh Lệ Quân, Điêu Thuyền… Những khi diễn ở xa, khép lại tấm màn nhung, những người khác có thể lăn ra ngủ lấy sức, thì mình cô lại đạp xe về nhà, lo ruộng vườn. Lam lũ là vậy, nhưng Lệ Siềng vẫn ngược xuôi với nghề, say nghề và diễn hết mình. Mãi đến năm 64 tuổi, bà vẫn ngược xuôi diễn phong trào.

 

Tình yêu với môn hát bội vẫn chảy trong tâm hồn người nghệ sĩ cao niên này. Ảnh: T.X

 

* Và đoạn cuối của thanh sắc

Năm nay đã 79 tuổi, trong đó, có trên 60 năm với nghề hát, những tưởng NSƯT Ngọc Cầm đã có thể bình thản ngày ngày vui vầy với cháu con. Vậy mà cách đây hơn một tháng, sau khi hoàn thành đủ thủ tục, NSƯT Ngọc Cầm chuyển vào sống tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội Bình Định (huyện An Nhơn).

Nay thì mình bà sống giữa căn phòng khá rộng rãi, một phần cũng bởi gia sản của bà chỉ là chiếc va li dùng để đựng quần áo và những đồ dùng lặt vặt. Một đời nghệ sĩ, còn lại không gì khác ngoài chuỗi kỷ niệm về một thời thanh sắc cùng những tấm ảnh, bài báo viết về bà trong những tháng ngày còn sôi nổi hoạt động nghệ thuật. “Không lương hưu, không nhà cửa, cuối cùng, may mà tôi được quan tâm cho vào sống dưới mái nhà chung này. Sống ở đây có bạn già, vui thật đó. Nhưng vui đó mà đêm về, trong lòng nghĩ cũng tủi lắm cậu...”- NSƯT Ngọc Cầm tâm sự. Rồi bà khoe với chúng tôi, rằng mới đây, bà lại có dịp hát. Không phải trên sân khấu rình rang, mà là ngay tại Trung tâm này, bên những người bạn già, nhân dịp có đoàn từ thiện từ TP. Hồ Chí Minh vào thăm. Bà kể: “Hôm đó, mình tôi thủ hai vai, vừa Địch Thanh, vừa Trại Ba. Thiệt cảm động và vui hết sức”.

Còn trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Tân Kiều (xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn), nghệ nhân Lệ Siềng cũng chỉ còn biết lặng lẽ trong nỗi hoài niệm về quá khứ. Nhìn người đàn bà đã ở tuổi thất thập này, mấy ai có thể nghĩ: đây chính là người nghệ sĩ tài danh một thuở. Đau đáu trong tim bà, vẫn là một nỗi nhớ nghề: “Có những đêm tôi nằm trằn trọc, mà bên tai cứ văng vẳng những câu hát ngày xưa…”.

Những cô đào hát một thời vang bóng, những người nghệ sĩ trải hết đời qua sàn diễn, nay lặng lẽ chìm lấp trong tất bật cuộc đời. Nhìn họ, tôi lại nhớ, những người như Lệ Liễu, bà Bốn Trang... và bao nghệ nhân hát bội, bài chòi cổ khác... Tự trong ánh mắt họ, tôi như đọc thấy một ước muốn: có một CLB hay một đoàn nghệ thuật sân khấu truyền thống với thành phần là các nghệ nhân, để họ lại có dịp được hát, được diễn và được trao truyền nghệ thuật cho các thế hệ sau. Đây cũng là cách để bày tỏ lòng tri ân với họ - những người đã trải hết đời mình cho tiếng hát, cho những đêm hát bội rộn tiếng trống chầu.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dấu ấn Bình Định  (06/09/2006)
Mừng  (06/09/2006)
Nhớ mãi ngày đi học đầu tiên  (05/09/2006)
Tháp Chàm Bình Định  (05/09/2006)
Bình Định đoạt Cúp Bạc  (05/09/2006)
Sáng nay ra đường gặp…  (04/09/2006)
Dưới góc nhìn của người trong cuộc  (01/09/2006)
Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm  (01/09/2006)
Đoạt 3 huy chương tại các cuộc thi ảnh quốc tế  (01/09/2006)
Những góc nhìn cận cảnh về cuộc sống  (31/08/2006)
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý  (31/08/2006)
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)
Những khoảnh khắc hoài niệm  (30/08/2006)
Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên  (30/08/2006)
Những album lạ  (29/08/2006)