Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi
11:24', 11/9/ 2006 (GMT+7)

PGS. TS Đỗ Bang - chủ biên (người đứng) và Tiến sĩ Đinh Bá Hòa - một trong những người tham gia soạn thảo bộ Địa chí Bình Định. Ảnh: Mai Hồng

Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lãnh đạo tỉnh đã có ý tưởng tổ chức nghiên cứu, biên soạn Địa chí tỉnh Bình Định mô tả diện mạo tỉnh nhà về đất nước - con người, về lịch sử, kinh tế, văn hóa xã hội, văn học nghệ thuật... Đây là một ý tưởng hay vì nó đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong tỉnh và bạn bè trong nước muốn tìm hiểu tỉnh Bình Định một cách toàn diện, có hệ thống.

Lúc đầu, tỉnh mời giáo sư sử học Phan Huy Lê đứng ra chủ biên bộ Địa chí Bình Định. Tỉnh đã chi mấy chục triệu đồng cho bản dự thảo Đề cương biên soạn địa chí Bình Định. Đáng tiếc là đề cương nầy không được thực hiện và giáo sư Phan Huy Lê từ chối đảm nhận vai trò chủ biên Địa chí Bình Định.

Sau đó tỉnh mời Phó giáo sư Tiến sĩ Đỗ Bang (Đại học Khoa học Huế) làm chủ biên Địa chí Bình Định. Theo đề cương của Phó giáo sư Tiến sĩ Đỗ Bang đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt thì bộ Địa chí Bình Định gồm 7 tập, mỗi tập dày khoảng 250-300 trang, gồm địa chí tự nhiên, hành chính, dân cư, địa chí lịch sử, địa chí kinh tế, địa chí văn hoá xã hội, địa chí văn học nghệ thuật, địa chí làng xã, đô thị và địa chí nhân vật. Đó là không kể hai tập Danh thắng-Di tíchĐịa bạ liên quan đến địa chí do hai tác giả độc lập chủ biên ký kết hợp đồng riêng với tỉnh. Hai tập này đã được nghiệm thu và xuất bản.

Tỉnh giao Sở KH-CN trực tiếp ký hợp đồng với Phó giáo sư Tiến sĩ Đỗ Bang thực hiện hợp đồng. Nhóm thực hiện đã ứng 650 triệu đồng cho việc biên soạn 6 tập địa chí (trừ địa chí nhân vật chưa ứng tiền). Theo hợp đồng thì đến cuối năm 2002 hoàn thành việc biên soạn toàn bộ 7 tập địa chí. Thế mà đến nay, tháng 9-2006, trễ hạn gần 4 năm nhưng mới nghiệm thu được 3 tập: Địa chí thiên nhiên, hành chính, dân cư, Địa chí lịch sử, Địa chí kinh tế.

Việc thực hiện bộ Địa chí Bình Định hết sức cách rách, trong đó có cả những tập phải tổ chức nghiệm thu đến 2-3 lần, có cả tập tuy được thông qua nhưng chất lượng vẫn còn nhiều bất cập, và hội đồng yêu cầu phải chấn chỉnh thêm (!). Lãnh đạo tỉnh yêu cầu chủ biên phải hoàn thành việc biên soạn 4 tập địa chí còn lại chậm nhất đến cuối năm 2008, nghĩa là kéo dài thêm 6 năm so với thời hạn đã ký kết.

Từ việc ký kết hợp đồng và cách tổ chức biên soạn bộ Địa chí tỉnh Bình Định, thấy có mấy vấn đề đáng suy nghĩ.

Thứ nhất, vì sao trong hợp đồng không có những điều khoản thưởng phạt về tiến độ biên soạn. Do đó công trình trễ hạn 4 năm nhưng tỉnh không thể phạt bên B trong khi bên B lại yêu cầu tỉnh tăng thêm kinh phí mới có thể hoàn thành công trình, vì trượt giá.

Thứ hai, vì sao không tạm ứng theo tiến độ thực hiện công trình mà ứng đủ toàn bộ kinh phí 6 tập (trừ tập Địa chí nhân vật) nên nay bên B lấy lý do trượt giá xin cấp thêm kinh phí để hoàn thành việc biên soạn các tập còn lại. Trễ hạn gần 4 năm nên bị ảnh hưởng của sự trượt giá, đó là lỗi của bên B, nhưng nếu không có thêm kinh phí thì chủ biên làm sao có đủ điều kiện hoàn thành việc biên soạn các tập còn lại.

Thứ ba, trong hợp đồng không có các điều khoản bắt buộc chủ biên phải tổ chức hội thảo khoa học trước khi nghiệm thu, nên vì sợ tốn kém, chủ biên đã bỏ qua bước này, do đó khi tổ chức nghiệm thu, bản thảo nhiều tập địa chí bộc lộ nhiều sai sót không thể chấp nhận như: bố cục một số chương, mục còn lộn xộn; sai địa danh, sai tên người, số liệu, sự kiện không chính xác, thậm chí đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”; văn phong nhiều chương, mục còn mang tính báo cáo tổng kết; câu cú còn lắm chỗ lủng củng, dài dòng... Có tập nghiệm thu lần thứ hai, thứ ba, tuy đã bỏ phiếu đánh giá chất lượng, nhưng nhìều thành viên trong hội đồng nghiệm thu vẫn chưa thể yên tâm vì e rằng các tác giả sẽ không tiếp thu sửa chữa, nâng cao chất lượng đúng theo những ý kiến đóng góp và mong muốn của hội đồng nghiệm thu.

Thứ tư, trách nhiệm của chủ biên quá mờ nhạt, không tạo nên sợi chỉ đỏ xuyên suốt bộ địa chí và từng tập địa chí (có lẽ chính chủ biên cũng không đọc kết quả nghiên cứu mà mình đứng tên) do đó còn bỏ sót nhiều lỗi sơ đẳng (chúng tôi nhấn mạnh). Trách nhiệm của một số tác giả các chương cũng chưa cao, họ thường xuyên vắng mặt trong các lần nghiệm thu nên không trực tiếp nghe những ý kiến phản biện, đóng góp mà nghe lại qua chủ biên nên khi sửa chữa bản thảo 2-3 nhưng vẫn không đạt yêu cầu.

Thứ năm, giám đốc Sở KH-CN tiền nhiệm ký kết hợp đồng có nhiều sơ hở khiến giám đốc đương nhiệm gặp khó khăn trong việc xử lý những vi phạm của bên B.

Cuối cùng một vấn đề được đặt ra là ngân sách tỉnh chi bạc tỷ để tổ chức biên soạn bộ Địa chí tỉnh Bình Định, vậy làm thế nào đảm bảo hoàn thành bộ địa chí đạt yêu cầu chất lượng vào cuối năm 2008, và khi xuất bản thì chất lượng đảm bảo, không có những sai sót chết người (vốn đã xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn được nghiệm thu với yêu cầu - chấn chỉnh) được đông đảo bạn đọc hoan nghênh, chấp nhận. Trách nhiệm nặng nề nầy thuộc về cả bên A là Sở KH-CN và bên B, đặc biệt là chủ biên phải đề cao trách nhiệm.

  • Hoài Nam
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)
Đoạn cuối của thanh sắc  (08/09/2006)
Dấu ấn Bình Định  (06/09/2006)
Mừng  (06/09/2006)
Nhớ mãi ngày đi học đầu tiên  (05/09/2006)
Tháp Chàm Bình Định  (05/09/2006)
Bình Định đoạt Cúp Bạc  (05/09/2006)
Sáng nay ra đường gặp…  (04/09/2006)
Dưới góc nhìn của người trong cuộc  (01/09/2006)
Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm  (01/09/2006)
Đoạt 3 huy chương tại các cuộc thi ảnh quốc tế  (01/09/2006)
Những góc nhìn cận cảnh về cuộc sống  (31/08/2006)
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý  (31/08/2006)
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)
Những khoảnh khắc hoài niệm  (30/08/2006)