Có cái gì trong 3 phút ấy...
16:44', 11/9/ 2006 (GMT+7)

Bạn đọc Việt Nam biết đến nhà văn có số phận đặc biệt Phùng Quán phần lớn qua tác phẩm Tuổi thơ dữ dội và những năm tháng “cá trộm, rượu chịu, văn chui” của ông. Mới đây tập ký - Ba phút sự thật của ông đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn và trở thành hiện tượng. Có thể hình dung sự lôi cuốn của tập sách qua thông tin này. Sau một tháng phát hành, 2.000 bản in đầu tiên của tập Phùng Quán - Ba phút sự thật đã được bán hết. 3000 bản in mới, bổ sung một số bài viết của người đọc hôm nay, vừa được NXB Văn Nghệ phát hành cũng được tiêu thụ nhanh chóng. Cầm trên tay cuốn sách của người đồng nghiệp đã quá cố, nhà văn Trang Thế Hy chỉ nói một câu: “Mừng và phục”.

Ba phút sự thật tập hợp 15 tác phẩm ký của nhà văn Phùng Quán viết trong nhiều thời kỳ, đa số là những tác phẩm mới được công bố, chủ yếu là do bà Vũ  Thị Bội Trâm, vợ nhà văn tìm kiếm và chép lại từ các di cảo của ông để lại. Tên tập sách lấy từ tên một bài ký trong tuyển chọn, viết về một người chiến sĩ Cu Ba kiên trung đã dùng mạng sống của mình để nói lên sự thật, sự thật đó phải được thể hiện trong vòng ba phút- quãng thời gian ngắn ngủi mà đồng đội anh chiếm được đài phát thanh. Phùng Quán viết: “Cả những đề tài lớn lao nhất như sự thật, như chân lý, đều có thể diễn đạt nó trong vòng 180 giây đồng hồ với điều kiện tác giả phải sẵn sàng đem mạng sống trả giá cho những giây đồng hồ quý giá đó”.

Với niềm tôn sùng sự thật một cách mãnh liệt đó, Phùng Quán đã mang đến cho bạn đọc những chi tiết mới mẻ, cảm động về đời thường của những nhân vật nổi tiếng. Đó là Tố Hữu, cậu ruột nhà văn; là Văn Cao, tác giả bài Quốc ca; là Trần Đức Thảo - triết gia lừng danh thế giới và là số 1 ở Việt Nam. Nhưng những người vĩ đại trong bình thường cũng nằm trong tầm ngắm của ông, trường hợp về người dựng lễ đài Tuyên ngôn độc lập là điển hình.

Ba phút sự thật được viết với một giọng văn giản dị, hóm hỉnh, kết cấu khúc chiết với những chi tiết rất cảm động và chân thật, đưa người đọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Xót xa, thương cảm cho một Văn Cao với “gương mặt anh bạc trắng như tờ giấy, hai má hóp sâu, chòm râu lơ thơ làm cho khuôn mặt anh càng thêm nhọn hoắt” làm thiên hạ cứ tưởng nhạc sĩ theo dòng người đói của các tỉnh lên Hà Nội. Càng xót xa và bất lực hơn khi anh nhớ ngày còn là một thiếu niên anh đã được quân đội cách mạng giáo dục rằng: “Nhân tài là báu vật của Tổ quốc. Những người lính chúng ta có nhiệm vụ phải chăm nom, săn sóc, bảo vệ họ như con ngươi của mắt mình”.

Phùng Quán (1932-1995) tham gia Vệ Quốc Đoàn từ năm 14 tuổi (1946), “thành danh” trên chiến trường khốc liệt, một lòng với đất nước, với nhân nhân.

Năm 1958 ông bị kỷ luật vì tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm. Những năm tháng ấy tưởng chừng như sẽ vùi dập được ông. Nhưng chính trong thời gian đó, những tác phẩm văn chương cuốn hút, bốc lửa, thiết tha và nhân bản của ông vẫn đều đặn ra đời. Phùng Quán vẫn cặm cụi viết, nhưng tên ông không được in trên sách.

Năm 1988, Phùng Quán được Hội Nhà văn Việt Nam ra văn bản “phục hồi Hội tịch”, trả lại tên tuổi cho nhà văn.

Thật ra, Phùng Quán có thể không cần chờ đợi đến năm 1988 mới được phục hồi, việc ấy có thể đến với ông sớm hơn nếu ông tựa vào cậu của mình. Chỉ tựa một chút thôi. Nhưng Phùng Quán không làm thế. Phùng Quán gọi nhà thơ Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng bằng cậu. Cậu hiểu tính cháu nên cũng chẳng can thiệp gì. 32 cái tết sau vụ Nhân văn giai phẩm, vợ chồng Phùng Quán mới thăm cậu mình. Là vì ông phải chờ... đến lúc tác giả của Từ ấy, Việt Bắc không còn quyền lực gì trong tay nữa. Phút chia tay, cậu tiễn cháu ra cổng “... cậu nói với cháu gái: "Thằng Quán nó dại”. Khi ra đến gần cổng sắt, nhà thơ dừng lại, nói tiếp, như vẫn không dứt dòng suy nghĩ của mình, “mà cậu cũng dại...”... Tôi (Phùng Quán) bật cười to: “Thưa cậu, thì chính cậu đã viết điều đó thành thơ từ nửa thế kỷ trước: Ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần!”...”.

Đọc Ba phút sự thật để biết được những sự thực rất đau lòng về một lối tư duy ấu trĩ của một thời đã làm cho con người ta phải sống khổ sở, vật vờ. Nhưng hơn hết bạn đọc sẽ hiểu thêm số phận bi tráng mà cao thượng của những người trí thức, văn nghệ sĩ, đồng thời càng hiểu thêm sự nhân hậu của cây bút “một đời lao lực, một đời cay cực, một đời thơ” Phùng Quán.

  • Ngọc Ánh

* Đọc Ba phút sự thật của Phùng Quán, nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành, 2006

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi  (11/09/2006)
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)
Đoạn cuối của thanh sắc  (08/09/2006)
Dấu ấn Bình Định  (06/09/2006)
Mừng  (06/09/2006)
Nhớ mãi ngày đi học đầu tiên  (05/09/2006)
Tháp Chàm Bình Định  (05/09/2006)
Bình Định đoạt Cúp Bạc  (05/09/2006)
Sáng nay ra đường gặp…  (04/09/2006)
Dưới góc nhìn của người trong cuộc  (01/09/2006)
Một lần được gặp nhà thơ Xuân Tâm  (01/09/2006)
Đoạt 3 huy chương tại các cuộc thi ảnh quốc tế  (01/09/2006)
Những góc nhìn cận cảnh về cuộc sống  (31/08/2006)
Cần một lộ trình với những giải pháp hợp lý  (31/08/2006)
Hội viên: Yes, chưa hội viên: No!  (30/08/2006)