Dự án xây dựng Khu di tích Nhà tù Phú Tài được khởi động từ năm 2002. Hơn 4 năm đã trôi qua, đến thời điểm này, trước mắt chúng tôi vẫn là một khu đất trống, lọt thỏm giữa các nhà máy chế biến gỗ trong Khu công nghiệp (KCN) Phú Tài.
|
Vùng đất khu Nhà tù Phú Tài năm xưa đang chờ xây dựng khu di tích. Ảnh: H.T
|
* Nhà tù nữ "độc nhất vô nhị"
Nhà tù Phú Tài là nơi giam giữ nữ tù nhân chính trị khắp miền Nam do Mỹ - ngụy xây dựng và sử dụng từ năm 1967 đến 1972. Do đặc điểm chỉ giam giữ các nữ tù chính trị nên nhà tù Phú Tài trở thành nhà tù nữ "độc nhất vô nhị" trong lịch sử giam cầm trong chiến tranh.
Trong 5 năm tồn tại của nhà tù Phú Tài, địch đã giam cầm các nữ chiến sĩ cách mạng của ta với số lượng có lúc lên đến 1.000 người. Nhiều hình thức tra tấn về thể xác, khủng bố về tinh thần dã man nhất đã được kẻ địch áp dụng ở nhà tù này nhưng vẫn không thể ngăn được làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của những nữ tù. Các sự kiện đấu tranh trong nhà tù Phú Tài đã được đề cập đến trong nhiều tài liệu như Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định, các tập hồi ký do Ban Liên lạc Tù Chính trị Bình Định biên soạn...
Do đó, việc xây dựng, tôn tạo di tích nhà tù Phú Tài là một việc làm hết sức cần thiết và mang ý nghĩa thực tiễn cao trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất và sự hi sinh cao cả của những nữ tù chính trị cho thế hệ trẻ hôm nay.
* Xây dựng: 4 năm lại về điểm xuất phát
Dự án xây dựng khu di tích nhà tù Phú Tài khởi động từ năm 2002, mức đầu tư dự kiến lên đến 2 tỉ đồng. Dự án này gồm các hạng mục: tượng đài căm thù cao từ 8-10 mét đặt trên đỉnh đồi và 2 mảng phù điêu (gò đồng) và lư hương bằng bê tông cốt thép, hệ thống đường đi từ dưới lên, đường dạo bộ có trồng cây xanh… Tuy nhiên, năm 2003, dự án đã được điều chỉnh rút xuống chỉ còn 1 tỉ đồng, nhưng vẫn... "giẫm chân tại chỗ". Tháng 5 năm 2006, UBND tỉnh lại có công văn yêu cầu: "Công trình phải đảm bảo tính văn hóa và ý nghĩa lịch sử cao. Vốn đầu tư xây dựng khu di tích do ngân sách tỉnh bố trí nhưng không quá 300 triệu đồng. Nội dung xây dựng chủ yếu là làm đường đi lên, xây dựng bia và trồng cỏ xung quanh khu di tích". Đồng thời, UBND tỉnh cũng quyết định bàn giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án từ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh sang Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Bình Định.
Sau khi được bàn giao, Công ty Phát triển hạ tầng các KCN Bình Định đã đưa ra hai phương án. Phương án 1 (kinh phí dự kiến 520 triệu đồng) gồm bia tưởng niệm, sân tưởng niệm 500m2 có bồn hoa trang trí, đường trung tâm và hai đường lên khu di tích theo hình vòng cung, cây xanh thảm cỏ. Phương án 2 (kinh phí dự kiến 312 triệu đồng) gồm bia tưởng niệm, sân tưởng niệm 120m2, một đường trung tâm đi lên, cây xanh xung quanh.
Ông Phan Thành Lang - Trưởng Ban Liên lạc Tù Chính trị tỉnh, nhận xét: "Nhà tù Phú Tài là một di tích có giá trị lịch sử không chỉ với tỉnh Bình Định mà còn ở phạm vi cả nước. Do vậy, cần có sự đầu tư xây dựng hợp lý để xứng đáng với tầm vóc di tích; không nên đầu tư xây dựng theo phương án 2, vì như thế sẽ không phát huy được hết giá trị của di tích. Nếu không có đủ kinh phí, trước mắt có thể xây dựng một phần phương án 1 cũng được; sau này, khi có thêm kinh phí, sẽ xây dựng tiếp các hạng mục còn lại".
* Quý IV năm 2006: sẽ hoàn thành?
Do chậm trễ trong việc triển khai xây dựng dự án, trong khi các nhà máy xung quanh khu di tích lại tiến hành xây dựng nhà xưởng khá rầm rộ, nên hiện nay, khu đất để xây dựng khu di tích chỉ là khu đồi núi duy nhất còn lại của nhà tù năm xưa, cao hơn 20 mét, ngang 91 mét, nằm trong KCN Phú Tài (phường Bùi Thị Xuân - TP. Quy Nhơn), lọt thỏm giữa các nhà máy.
Mới đây nhất, cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh lại quyết định chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư dự án về lại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh và yêu cầu chậm nhất đến hết quý IV năm 2006 phải hoàn thành và đưa di tích vào sử dụng. Ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, cho biết: "Đây là một di tích lịch sử lớn, nhưng do kinh phí đầu tư của tỉnh hạn chế, nên chúng tôi sẽ cân đối việc xây dựng cho phù hợp dựa trên cơ sở những phương án thiết kế đã đưa ra. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ cho đặt bia tưởng niệm ở một vị trí khác không trùng với vị trí xây tượng đài và dành chỗ để xây dựng các công trình khác nếu có sau này…".
Thiết nghĩ, xây dựng Khu di tích Nhà tù Phú Tài là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nếu kinh phí eo hẹp, chúng ta có thể vận động sự đóng góp từ xã hội và các doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn.
Hãy tưởng tượng, ngay giữa KCN Phú Tài, một khu di tích với một tượng đài hoành tráng và hệ thống cây xanh bên những kiến trúc công nghiệp chắc chắn sẽ mang ý nghĩa nhiều mặt về giáo dục truyền thống cách mạng và cả môi trường, cảnh quan.
|