Trong dịp vào công tác tại Bình Định cùng đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Định về giá trị của hệ di tích Chăm ở Bình Định và những việc cần tiến hành nhằm phát huy giá trị của hệ di tích này...
- Hẳn ông đã nhiều lần đến xem các di tích Chăm ở Bình Định. Đánh giá của ông về giá trị của hệ di tích này ?
Cùng với những dấu vết của các nền văn hóa như Óc Eo, Sa Huỳnh... những di tích văn hóa Chăm hiện còn là vô cùng quý giá. Trên địa bàn cả nước, những di sản vật thể gắn liền với thời đại Lý - Trần còn lại rất ít, trong khi những tháp Chăm có niên đại tương đương với thời Lý - Trần ở phía Bắc. Đó là chưa nói đến những nét đặc sắc riêng về tạo hình, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, đời sống văn hóa tâm linh gắn với những đền tháp này. Trong đó, những di sản văn hóa Chăm ở Bình Định có một vị trí khá quan trọng trong tổng thể di sản văn hóa của đồng bào Chăm.
|
Toàn cảnh khu khai quật và trùng tu tháp Dương Long (Tây Sơn). Ảnh: V.T
|
14 ngọn tháp hiện còn cùng những di vật của nền văn hóa Chăm ở Bình Định và rải rác ở nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài, nhất là những tác phẩm điêu khắc Chăm bằng đá ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Pháp... là một di sản đồ sộ. Đặc biệt, trải qua gần một thiên niên kỷ, những di tích này vẫn còn tồn tại trước sự xâm thực của thiên nhiên, biến động xã hội. Di sản văn hóa Chăm, đặc biệt là các tháp Chăm ở Bình Định, tuy không tập trung như ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) nhưng về tổng thể là vô cùng quý giá và phong phú.
- Vừa kết thúc chuyến khảo sát các tháp Chăm cùng đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông có nhận xét gì về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích này ở Bình Định thời gian qua ?
Tôi đã chứng kiến và nhận thấy rằng, thời gian qua, Bình Định đã nỗ lực rất lớn trong công tác bảo tồn các tháp Chăm. Không kể những tháp đã trùng tu ổn định như tháp Đôi vốn nằm ngay trong lòng thành phố, thì ngay những tháp ở những vùng cách khá xa trung tâm thành phố như Dương Long, Cánh Tiên... cũng đã được quan tâm. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng trước công trường khai quật và trùng tu tháp Dương Long hiện đang được tiến hành. Ngọn tháp này rất đồ sộ, có giá trị nghệ thuật lớn, hiện vật còn lại phong phú. Tôi cho rằng, việc giữ gìn, phát huy hệ di tích Chăm như vậy sẽ không chỉ có ý nghĩa thuần túy trên lĩnh vực văn hóa mà cũng thể hiện rõ quan điểm của chúng ta trong việc bảo vệ di sản văn hóa ở một quốc gia đa dân tộc. Bên cạnh đó, cũng rất thực tế để thấy rằng, giá trị kinh tế mà các di tích này mang lại nếu chúng được phát huy tốt, là rất lớn.
Ở đây, tôi có một nhận xét, ngành du lịch của tỉnh vẫn chưa chủ động khai thác mà còn “ăn theo” di tích. Tất nhiên, đây cũng là tình hình khá phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước chứ không riêng Bình Định. Thiếu sự gắn kết giữa du lịch và văn hóa sẽ làm giảm khả năng phát huy di tích vào đời sống. Tất nhiên, tôi cũng hiểu rằng Bình Định chưa phải là tỉnh giàu, ngành du lịch còn gặp những khó khăn, nhưng cũng chính vì thế mà chúng ta phải mạnh dạn đầu tư cả về trí tuệ lẫn vật chất vào công tác này. Thành công của Quảng Nam, nhất là với những sáng kiến rất cụ thể như hình thành con đường di sản để gắn kết những di sản trong khu vực thành tuyến du lịch và từ đó, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế, là rất đáng học tập.
Bên cạnh đó, trên thế giới, trình độ khoa học công nghệ trong việc bảo tồn di tích đã tiến rất xa, nên chúng ta cũng cần chú trọng đến việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Mà điều này thì hình như Bình Định chưa làm được nhiều. Thời gian qua, Bình Định cũng đã tìm nguồn vốn hỗ trợ từ phía Cộng hòa Liên bang Đức trong việc trùng tu tháp Cánh Tiên, hay hợp tác với Áo để đưa các hiện vật của nền văn hóa Chăm ra triển lãm ở nước ngoài, nhưng xét cho cùng, những việc làm này vẫn hãy còn nhỏ bé.
- Thưa ông, thời gian qua, có ý kiến đã đề xuất việc hệ di tích Chăm Bình Định có thể trở thành di sản thế giới. Về vấn đề này, quan điểm của ông như thế nào ?
Ý tưởng đề cử hệ di tích Chăm Bình Định để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là cần thiết. Nên duy trì, nuôi dưỡng ý tưởng này. |
Ý tưởng đề cử hệ di tích Chăm Bình Định để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là cần thiết. Nên duy trì, nuôi dưỡng ý tưởng này. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc một di sản được công nhận mới là rất lâu. Do vậy, tôi nghĩ rằng, trước mắt nên hình thành từ hạt nhân là di sản Mỹ Sơn mở ra hệ thống gồm các đền tháp Chăm ở Nam Trung bộ như một bộ phận cấu thành trong tổng thể hệ di tích Chăm, đặc biệt là tháp Chăm. Điều này cũng sẽ góp phần tăng tính hoàn chỉnh cho di sản Mỹ Sơn. Tôi tin chắc rằng những du khách sau khi tham quan Mỹ Sơn, đến Bình Định thăm các tháp Chăm, dấu vết các thành, cảng thị hay xem các hiện vật gốm Chăm sẽ có ấn tượng rất lớn. Tất nhiên, để làm được điều này cần có sự đầu tư về trí tuệ, phương tiện, cơ sở vật chất... Ngoài ra, theo tôi, đã đến lúc chúng ta tiến tới nên thành lập một tổ chức, chẳng hạn một hiệp hội du lịch di sản văn hóa Chăm nhằm liên kết lại trong nỗ lực bảo tồn, khai thác, trao đổi kinh nghiệm, cũng như hình thành cơ chế để phát huy giá trị các di sản này tốt hơn.
- Ông vừa nói đến việc đầu tư, tuy nhiên, thưa ông, các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó có Bình Định, nhìn chung vẫn là những địa phương còn gặp nhiều khó khăn...
Quả thật, một trong những vấn đề đặt ra với việc bảo tồn và phát huy các di tích, không riêng gì các di tích Chăm ở Bình Định, là nguồn lực vật chất. Tuy nhiên, bài học nhiều quốc gia phát triển hiện nay, cho thấy: đầu tư cho văn hóa cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, sang Hàn Quốc, tôi thấy họ đầu tư rất lớn cho công tác bảo tồn và phát huy di sản. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ đơn giản: “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng rồi chính các bạn Hàn Quốc đã cho tôi thấy rằng: chính “lễ nghĩa sinh phú quý”. Lâu nay, trong nhận thức của chúng ta, thể hiện ngay từ việc phân bổ ngân sách, là văn hóa chỉ ăn theo kinh tế. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn thay đổi tư duy, rằng chính “lễ nghĩa cũng sinh phú quý”. Phải thấy rằng chưa bao giờ mà du lịch tạo ra hiệu quả kinh tế cao như hiện nay, và từ đó, hãy mạnh dạn đầu tư cho văn hóa.
- Xin cảm ơn ông.
|