Rừng Nauy và dấu nối giữa quá khứ với hiện tại
14:41', 18/9/ 2006 (GMT+7)

Rừng Nauy là cuốn sách đang được bàn tán, tranh luận khá sôi nổi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tại các diễn đàn trên internet... Một số bạn đọc có thể sẽ bị choáng ngợp bởi ấn tượng từ những đánh giá khá hoành tráng được trích đăng ngay trên bìa cuốn sách. Cùng với những trích dẫn này, chính người dịch cũng có một bài viết có giá trị tương tự như một lời giới thiệu khá chi tiết. Đọc hết những trích dẫn, lời người dịch xong, cảm xúc của người đọc dễ bị chi phối, bị đường băng có sẵn này lái dần. Nhưng khi đọc quá nửa cuốn sách bất giác, bạn sẽ có cảm giác mình đang bay lên, rẽ sang một hành trình khác, ngoài dự tính, ngoài suy nghĩ của bạn... Điểm thú vị từ Rừng Nauy là hiện tượng rẽ lối này xuất hiện khá phổ biến.

Bất chợt được nghe ca khúc Rừng Nauy bài hát mà ngày xưa người tình của mình ưa thích, Toru Watanbe hồi tưởng lại mối tình đầu. Một ký ức dạt dào tuôn chảy đến chóng mặt. Và ngay lập tức, độc giả bị cuốn vào chuyện tình tay ba của Naoko - Toru - Midori.

20 năm trước Kizuki bạn thân của Toru Watanbe tự tử. Toru - 18 tuổi - nhận ra một điều dường như vượt quá tuổi trẻ của cậu, rằng: "Cái chết là có thực. Nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống...". Cũng từ đó nỗi cô đơn len vào hồn cậu và lớn dần lên, khiến cậu ngạt thở.

Toru không phải là người duy nhất trong Rừng Nauy mắc hội chứng này. Toru yêu Naoko, người yêu của người bạn đã chết, như một cách "tìm lại thời gian đã mất", lại cũng như một cách để lãng quên quá khứ u sầu. Toru yêu Naoko nhưng rồi lại vướng vào Midori, cũng chân thành như vậy. Và tự mình cậu cũng không giải thích được vì sao mọi chuyện lại như thế.

Cũng cô đơn và khép mình lại như Toru, yêu Toru nhưng Naoko không tự mình chữa lành được những vết thương tuổi trẻ. Cô yêu Kizuki, sau đó yêu Toru như một cách vươn tới cuộc sống thực tại. Nhưng cô không thể cắt lìa quá khứ, phải bỏ học và vào sống ở một khu điều dưỡng tâm thần trên núi cao. Cuối cùng Naoko đã chọn cái chết để giải thoát... 

Modori là một ví dụ khác. Con của một chủ cửa hàng sách trung bình, cô từng giúp cha mẹ kiếm sống và đổi lại, cha mẹ chắt chiu cho cô vào học trường nữ sinh danh giá. Nhưng cô luôn cảm thấy bất hạnh giữa đám con nhà giàu. Vì thế, sau khi cha mẹ cô lần lượt chết vì ung thư, cô mới cảm thấy mình phải được sống thật. Cô bán cửa hàng sách của cha mẹ để lại, thay đổi chỗ ở, lột xác vỏ ngoài hình thức của mình. Mạnh mẽ hơn và lao thẳng vào cuộc sống. Midori chia tay với người tình cũ, dù nếu đi với anh này cuộc sống của cô hứa hẹn sẽ ổn định, an toàn hơn. Yêu Toru cuộc sống của cô sẽ bất ổn nhưng cô hạnh phúc với sự lựa chọn của chính mình.

Kinh tế Nhật Bản vào những năm 60-70 hồi sinh và tăng trưởng đến kỳ diệu. Người Nhật từng bước tiếp nhận lối sống tiêu thụ. Những giá trị truyền thống như: Thiên Hoàng, bổn phận, đức khiêm nhường... bị lung lay đến tận gốc rễ. Lớp thanh niên Nhật ngày ấy như bị phóng thẳng vào một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới không có quá khứ, xa lạ truyền thống, cái tôi được tôn sùng và sự thỏa mãn khát vọng cá nhân - bắt đầu mâu thuẫn với bổn phận...

Những vấn đề của Kizuki, Toru, Naoko, Midori, Nagasawa... thậm chí là của Reiko - dù nhân vật này không còn trẻ nữa, là vấn đề mà thanh niên Nhật Bản đã đối diện khi những giá trị, lối sống, các suy nghĩ truyền thống bị thử thách. Rừng Nauy là bài hát buồn về tâm trạng của những người trẻ tuổi trong một xã hội no đủ vật chất nhưng thiếu vắng các giá trị tinh thần đủ sức mạnh để hàn gắn các tổn thương. Con người mỗi ngày trở nên cô đơn hơn trong cái thế giới mà họ tưởng tượng ra, tạo ra. Họ luôn phải đối mặt với cảm giác lạc đường, bơ vơ, trống rỗng. Họ loay hoay giải quyết những vấn đề được sinh ra bởi chính thời đại họ đang sống. Và tuyệt vọng là cảm giác thường trực. Nhưng cũng nhờ có nó, họ trải nghiệm cuộc sống và nếu vượt qua họ sẽ lớn lên.

Haruki Murakami sinh năm 1949 tại Tokyo, Nhật Bản.

Sau Rừng Na Uy, ông đã trở thành một thần tượng văn hóa đại chúng ở Nhật, đến nay ông đã xây dựng nên một sự nghiệp văn học phong phú với những kiệt tác chinh phục cả công chúng Nhật lẫn phương Tây như Biên niên ký chim vặn dây cót, Xứ sở kỳ diệu vô tình và chỗ tận cùng thế giới, Cuộc săn cừu, Phía Nam biên giới phía Tây mặt trời... Murakami được coi là nhà văn tầm cỡ thế giới, đồng thời cũng là tác gia quan trọng nhất, được đọc nhiều nhất của Nhật Bản sau Kenzaburo Oe.

Khi đọc được hơn nửa cuốn sách, có lẽ nhiều bạn đọc sẽ tự hỏi mình vì sao các nhân vật cứ lần lượt qua đời? Những cái chết không gây đau đớn nhưng tạo cảm giác buồn thương. Kizuki tuyệt vọng với sự khác biệt của những giá trị hiện tại. Naoko tự vẫn bởi cô không thể đặt dấu nối giữa quá khứ với hiện tại, đấy là chưa nói đến yếu tố cô chưa một lần nhìn thấy tương lai của mình. Reiko ở lì trong khu điều dưỡng tâm thần, không dám trở lại với cuộc sống bình thường vì sợ sẽ chịu nổi áp lực từ cuộc sống đó.

Cả Toru, khi mất Naoko - một phần quá khứ của mình - Toru đã quăng quật đời mình với những buồn bã nghĩ suy, những mối quan hệ luôn có xu hướng làm tha hóa con người. Toru không thể vào viện điều dưỡng để rồi sẽ như Naoko, Reiko. Anh hành xác và muốn chạy trốn vào quá khứ. Nhưng cuối cùng anh hiểu ra rằng chỉ có thể sống và đi tới khi tự biến mình thành dấu nối giữa quá khứ và hiện tại. Ngược lại chính Midori cũng nhận ra rằng sẽ chẳng thể làm đến ga cuối cùng nếu không bước lên tàu, không để lại sau lưng một số ga nào đó, có nghĩa là cô phải tựa vào quá khứ với những giá trị bất biến.

Những điều kể trên có lẽ cũng chỉ dừng lại ở mức làm cho đường băng có sẵn thêm dài ra, để bạn có thể tiếp cận Rừng Nauy dễ hơn một chút mà thôi. Và đó cũng là chủ ý của người viết, bởi lẽ nếu chỉ có thế thì chưa chắc Rừng Nauy đã gây xôn xao dư luận đến thế.

Một gợi ý nhỏ. Có lẽ chưa cuốn tiểu thuyết nào từng xuất bản ở ta mà sex và vấn đề tính dục lại được trình bày cặn kẽ như ở Rừng Nauy. Nhưng cùng với tác giả, chính sự tài hoa của người dịch khiến vấn đề sex trở nên thơ mộng và đáng yêu.

Với Rừng Nauy, tình dục là món quà đẹp đẽ mà Thượng đế đã ban tặng cho con người và con người cũng có thể tặng nhau. Xin được xem đây như một lối rẽ nhỏ, rẽ sang một hành trình khác, ngoài dự tính và suy nghĩ của chính người viết.

  • Kiều Phong

* Đọc Rừng Na Uy, tiểu thuyết của Haruki Murakami, bản dịch tiếng Việt của Trịnh Lữ, do NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Nhã Nam ấn hành năm 2006.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mưa   (17/09/2006)
Phương Thúy lọt vào top 20 người mặc đẹp Miss World   (15/09/2006)
“Lễ nghĩa cũng sinh phú quý”   (15/09/2006)
Cầu vượt đầm Thị Nại và những bài ca  (14/09/2006)
Nếu anh đã thề bảo vệ sự thật và công lý*  (13/09/2006)
Chế Lan Viên và thế giới "Điêu tàn"  (12/09/2006)
Hơn 4 năm, vẫn "giẫm chân tại chỗ"  (12/09/2006)
Có cái gì trong 3 phút ấy...  (11/09/2006)
Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi  (11/09/2006)
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)
Đoạn cuối của thanh sắc  (08/09/2006)
Dấu ấn Bình Định  (06/09/2006)
Mừng  (06/09/2006)
Nhớ mãi ngày đi học đầu tiên  (05/09/2006)
Tháp Chàm Bình Định  (05/09/2006)