Tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống bằng cách "click chuột"
7:59', 21/9/ 2006 (GMT+7)

"Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể Bình Định" là dự án do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh thực hiện, nhằm lưu trữ sản phẩm của các đề tài bảo tồn văn hóa phi vật thể bằng phương pháp "số hóa". Sự ra đời của ngân hàng dữ liệu này đã góp phần nâng cao hiệu quả của việc bảo quản và khai thác di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trong tỉnh...

 

Một cảnh trong lễ cưới của người H’re - huyện An Lão. Ảnh: H.T

 

* "Số hóa" di sản văn hóa phi vật thể

Xây dựng ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể trước hết là để thực hiện việc văn bản hóa các di sản văn hóa phi vật thể vốn vẫn còn được lưu giữ trong trí nhớ của các dân tộc. Để hoàn thành một sản phẩm, trước tiên, người thực hiện phải tiến hành khảo sát điền dã về di sản văn hóa phi vật thể đó. Tiếp đó, tổ chức thực hiện dàn dựng lại theo đúng nguyên bản của nó. Dữ liệu thu được sẽ được biên soạn thành những sản phẩm hoàn chỉnh, như báo cáo khoa học, phim video, tập ảnh khảo tả... rồi được đưa sang Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh để xử lý "số hóa" về dữ liệu và đưa vào lưu trữ trong ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể.

Ông Nguyễn An Pha - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, Chủ nhiệm dự án, cho biết: "Sản phẩm của những dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể được thực hiện chính là những giá trị văn hóa truyền thống còn tồn tại cho đến ngày nay. Đó là các lễ hội dân gian, các loại hình nghệ thuật truyền thống, những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc. Văn hóa phi vật thể được nộp vào ngân hàng dữ liệu gồm 2 dạng. Thứ nhất là toàn bộ hồ sơ lý lịch về văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Định; thứ hai là những đề tài bảo tồn văn hóa phi vật thể đã được hoàn thành và trở thành những sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện ngân hàng dữ liệu đã đưa vào lưu trữ được 8 sản phẩm về văn hóa phi vật thể các dân tộc...".

* Đơn giản trong khai thác, sử dụng

Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể không chỉ góp phần trong việc giữ gìn những di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc, mà còn rất thuận lợi trong việc khai thác sử dụng dữ liệu một cách lâu dài. Giờ đây, những người quan tâm đến văn hóa các dân tộc Bình Định không cần tốn thời gian tìm kiếm, mà chỉ cần vào trang Web của Thư viện Khoa học Tổng hợp tỉnh Bình Định (địa chỉ www.thuvienbinhdinh.com.vn), click chuột vào mục "Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể" là một kho tàng văn hóa truyền thống cực kỳ sống động sẽ mở ra trước mắt với đầy đủ thông tin khảo tả, ảnh chụp từng công đoạn tiến hành các nghi lễ, phim video, nhận xét của người nghiên cứu, biên soạn...

Sản phẩm đầu tiên trong ngân hàng dữ liệu này là lễ cầu mưa của dân tộc Chăm H’roi - huyện Vân Canh, một nghi lễ được người Chăm tiến hành nhằm cầu khẩn thần linh cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Với một báo cáo khoa học dài 19 trang, chương trình phim kéo dài 22 phút và 41 ảnh khảo tả, những dữ liệu này giúp chúng ta hiểu một cách tương đối tường tận về nghi lễ truyền thống này.

Ngoài lễ cầu mưa, ngân hàng dữ liệu còn có lễ đổ đầu. Đây là một nghi lễ truyền thống của người Chăm H’roi được tổ chức vào những ngày cuối năm âm lịch (từ ngày 25 đến ngày cuối cùng của tháng Chạp), với ý nghĩa cầu an chúc phúc cho mọi thành viên trong gia đình, chúc mừng một năm an lành đi qua và cầu mong một năm mới, một vụ mùa mới nhiều điều tốt đẹp hơn.

Nếu quan tâm đến những nghi lễ truyền thống của người Ba na, ta có thể tìm thấy lễ ăn trâu tạ ơn của người Ba na- huyện Vĩnh Thạnh và tục ăn mừng lúa mới của người Ba na - huyện Hoài Ân. Theo phong tục của người Ba na K’riêm ở Vĩnh Thạnh, lễ ăn trâu tạ ơn thường được tiến hành trong những dịp ăn mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, mừng làm được nhà rông mới... Tuy ngày nay lễ đâm trâu không còn phổ biến, nhưng đây vẫn là một nghi lễ chứa đựng nhiều ý nghĩa, thể hiện đời sống tâm linh của tộc người này. Cùng với lễ ăn trâu tạ ơn, tục ăn mừng lúa mới của người Ba na cũng có nguồn gốc từ xưa và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc gắn liền với tập quán làm lúa rẫy, nhằm cầu mong mùa màng bội thu. Đây cũng là dịp giao lưu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng làng, với những điệu xoang, với âm vang điệu cồng chiêng, thúc giục con người cùng vui say và tận hưởng hương vị đầu mùa của những hạt cốm mới.

Ngoài ra, hiện nay, ngân hàng dữ liệu đang lưu giữ nhiều sản phẩm của các dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể đặc sắc khác như đám cưới và sinh hoạt âm nhạc dân gian của người H’re - huyện An Lão, lễ hội làng rèn ở Đập Đá - huyện An Nhơn và làng hát bội cổ truyền Phước An- huyện Tuy Phước.

Ông Nguyễn An Pha cho biết: "Mỗi năm, chúng tôi cố gắng thực hiện từ 1 đến 2 đề tài bảo tồn văn hóa phi vật thể. Sản phẩm của những đề tài này sẽ tiếp tục bổ sung vào ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể trong thời gian tới...".

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cụ thể và chặt chẽ hơn  (19/09/2006)
"Nhìn lại 10 năm văn xuôi Bình Định"  (19/09/2006)
Rừng Nauy và dấu nối giữa quá khứ với hiện tại  (18/09/2006)
Mưa   (17/09/2006)
Phương Thúy lọt vào top 20 người mặc đẹp Miss World   (15/09/2006)
“Lễ nghĩa cũng sinh phú quý”   (15/09/2006)
Cầu vượt đầm Thị Nại và những bài ca  (14/09/2006)
Nếu anh đã thề bảo vệ sự thật và công lý*  (13/09/2006)
Chế Lan Viên và thế giới "Điêu tàn"  (12/09/2006)
Hơn 4 năm, vẫn "giẫm chân tại chỗ"  (12/09/2006)
Có cái gì trong 3 phút ấy...  (11/09/2006)
Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi  (11/09/2006)
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)
Đoạn cuối của thanh sắc  (08/09/2006)
Dấu ấn Bình Định  (06/09/2006)