"Đêm trên cát" nhập hồn Cao Bá Quát
11:14', 21/9/ 2006 (GMT+7)

Tôi đã được vài lần trong đời chứng kiến cảnh vong linh người đã khuất nhập vào người đang sống- là một nhà ngoại cảm - nói chuyện với bà con của mình. Nhưng chưa bao giờ được thấy, được biết có một linh hồn nhà thơ đã khuất nào nhập vào một nhà thơ thuộc thế hệ sau và nói lên những câu chuyện ruột rà tinh huyết của mình như trường hợp bản trường ca Đêm trên cát của nhà thơ Thanh Thảo.

Quả thật, trong chuyện “nhập hồn” này không dễ để một người bà con đối diện với một vong hồn nhận thực rằng những lời nhà ngoại cảm đang nói ra là lời người thân của mình, trừ phi vong hồn nói ra những kỷ niệm, những sự kiện, những tâm trạng (thậm chí một tên người), mà chỉ người trong cuộc mới biết.

Tôi là người làng Sủi (Phú Thị - Gia Lâm - Hà Nội) - quê Cao Bá Quát. Vâng, tôi đã nhận ra ngay lập tức tiếng nói trong Đêm trên cát là tiếng nói người quê của mình. Nên tôi đã đọc bài ca 444 câu của Thanh Thảo với một cảm xúc khác thường. Một Cao Bá Quát đã hiện lên trong từng câu từng chữ. Chả khác nào Thanh Thảo là một “nhà ngoại cảm”.

 

1

Đêm Trên Cát có một phụ đề trong ngoặc đơn: Một đêm của nhà thơ Cao Bá Quát.

Cái đêm ấy là một đêm trên bãi cát sông Trà quê hương Thanh Thảo, hay sông Hương, hay chính là trên một bãi cát nào đó mà Cao Bá Quát đã đi lại nhiều lần vào nam ra bắc trên con đường thăm thẳm nắng nóng rang những cồn những lốc bụi gió ngút ngàn của một “sa hành đoản ca” đầy bất trắc:

Bãi cát dài! Bãi cát dài! Biết tính sao đây?

Bước đường phẳng lặng thì mờ  mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều

Hãy nghe ta hát lên khúc ca đường cùng

Phía bắc núi bắc, núi muôn trùng

Phía nam núi nam, sóng muôn đợt

(Thơ Cao Bá Quát - Bài ca ngắn đi trên cát - dịch nghĩa)

Giờ đây vào một đêm cuối thế kỷ XX (1982), nhà thơ trẻ hú hồn gọi ông về trên một trong những con đường cát ấy, hồn ông đậu lại đâu đó bên một bờ biển, một bờ sông xa lạ chập chùng núi, sóng, trên đầu là mây trắng, trước mắt là con đường dài của vận mệnh con người, vận mệnh đất nước.

25 câu thơ đầu tiên của Thanh Thảo đi lướt một đời người và chúng tôi nhận ra ông Cao ngay, từ “những con cá vàng ngủ mê trong điện Thái Hòa”, tới “người lính canh bên con nghê”, cả lính canh cũng hóa đá như nghê, đột ngột trở về với “hoa gạo trong sương sớm”, “tiếng giã gạo”, “người vợ hiền tấm mẳn làm thuê” (ở quê tôi là hàng xay hàng xáo) và “dòng sông” (chính là con sông nhỏ Thiên Đức sau làng), và “cành bàng mùa đông”. mong tài năng nở rộ dưới vừng dương/ buồn cười thay/ nghe trong miệng vị sương mù nhạt thếch (câu 80-82). Quê tôi còn lưu truyền những giai thoại về thần đồng Cao Bá Quát và tính hay đùa của ông. “Buồn cười thay” là đúng giọng ông Cao.

Hồn về và nhắc lại trận roi song tàn nhẫn “cháy trên da thịt” và bảo rằng: đừng nói đừng nhắc/ ta đã gượng dậy thế nào/ để ném những câu thơ/ như khạc từng búng máu (câu 34-37). Lần đầu tiên, hồn bảo cho người đời sau biết rằng:

ta đã ném thơ mình vào thác xiết

đã trộn trong ta hàng ngàn số phận

như bột nhào như vôi vữa

mong một ngày hiện rõ

chất thật mỗi con người

(câu 99-103)

“Chất thật mỗi con người” là tất cả sự tìm tòi của hàng ngàn bài thơ (còn  lưu lại) của một đời thơ thiên bẩm thiên tài.

Những câu thơ Thanh Thảo gập ghềnh và chập chờn đi suốt những chặng đường thơ Cao Bá Quát, những số phận người, những tính cách người, những con người dài hơn mọi con đường (câu 180-181). Trong đó có “những người không muốn chết trước lăng vua / như sỏi đá” (câu 185-186), lại có cả “những người vốn rụt rè ai gọi cũng dạ / suốt đời quẩn quanh chật chội lũy tre làng” (câu 187-188).

Ta nghe như những lời hồn nói với chính người đọc thơ Cao Bá Quát hôm nay

nếu con người không biết đau khổ

nếu con người đánh đổi

cả cuộc sống cho sự bình yên giả tạo

nếu con người tránh né

những câu hỏi của riêng mình

ta sẽ rung lên hồi chuông

từng tiếng chuông sẽ vỗ vào vai họ

(câu 279-285)

Đọc câu thơ trên, tôi tưởng như nghe những tiếng chuông chùa Sủi êm đềm tha thướt mỗi buổi chiều thơ ấu.

Quả là Thanh Thảo có một cái nhìn thật mới về Cao Bá Quát, một cái nhìn xuyên suốt hàng ngàn bài thơ (mà ở thời điểm 1982 Thanh Thảo mới có trong tay vài trăm bài) thấy ra ở đấy cái điểm huyệt của một hồn thơ, cắt nghĩa cho ta thấy vì sao họ Cao quê tôi lại có thể phất cờ chiến đấu với một đội quân nổi dậy trong thế trận không cân bằng. Chết trong oan khuất và sống mãi trong thơ.

 

2

Thanh Thảo kể rằng ý tưởng viết Đêm trên cát  chợt nẩy ra vào một buổi chiều thu năm 1981 ở thị xã Quảng Ngãi, ngồi bên bàn tròn trong vườn nhà văn Nguyễn Trung Hiếu, cùng với nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Ngô Thế Oanh. Mấy nhà thơ trẻ uống chén rượu chia tay tiễn Tế Hanh sắp trở về Hà Nội sau một tuần về thăm quê Quảng Ngãi. Tế Hanh chợt nhắc đến bài thơ Trà Giang thu nguyệt ca của Cao Bá Quát và nói rằng chưa thấy ai dịch bài đó hay hơn Vũ Khiêu.

Trăng sông Trà

Đêm nay vì ai mà trong sáng?

Muôn dặm quan san trắng xóa một màu

Khắp nơi vương vấn tình người xa nhau

Bài thơ tả cảnh hai người bạn là Cao Bá Quát và Bảo Xuyên uống chén rượu chia tay dưới trăng sông Trà “như tấm gương soi, dòng nước bạc” .

Trượng phu chống kiếm đi thì đi

Đừng buồn như đàn bà lúc phân ly

Chính lúc ấy, một ý nghĩ lóe sáng trong đầu, không biết từ đâu tới, Thanh Thảo vụt  nói:

- Tôi thích nhất trong bài đó câu thơ này: Đỡ chén lên môi trăng vụt biến / Chỉ còn bóng người đang dọc ngang. Tôi sẽ viết một trường ca về một đêm Cao Bá Quát như thế. Khác với Ngũ Tử Tư xưa, một đêm đầu bạc, Cao Bá Quát của tôi đang đầu bạc sau một đêm tóc chợt xanh cả lại.

Ngô Thế Oanh bèn “chốt” lại, như tác phong “chiến sĩ Trường Sơn” năm nào, trịnh trọng đứng lên nâng ly rượu nhỏ:

-Hay lắm, hay lắm. Thanh Thảo tuyên ngôn rồi đấy nhé. Xin chúc mừng, một dấu chân nữa qua trảng cỏ. Nào!

Chính tác giả Dấu chân qua trảng cỏ cũng không ngờ một trường ca mới của mình đã ra đời như thế, trước hết là để thực hiện một lời tình cờ nói ra trước mặt một nhà thơ đàn anh và mấy ông bạn trẻ vừa nhạy cảm vừa tinh quái.

Thanh Thảo dành thời gian đọc lại tất cả những gì của Cao Bá Quát có trong tay, bỗng thấy mối đồng cảm dâng lên như chưa từng có. Với Cao Bá Quát, là những năm đen tối nhất trong lịch sử triều Nguyễn: khắp nơi mất mùa, lụt lội, đói kém, nạn châu chấu hoành hành, trên biên giới thì giặc tàu phỉ thâm nhập gây nạn đao binh, trong triều đình thì xảy việc cốt  nhục tương tàn, người anh cướp ngôi em, thất bại, phải tự tử.

Với Thanh Thảo là những năm sau chiến thắng vĩ đại 1975 đất nước đứng trên bờ vực của tệ nạn quan liêu tập trung bao cấp, đời sống nhân dân sa sút, chiến tranh biên giới Bắc, chiến tranh chống họa diệt chủng phía Tây Nam. Triều đại lịch sử khác nhau, hoàn cảnh thời thế khác nhau mà lương tâm trách nhiệm kẻ sĩ trước hưng vong vận mệnh con người  vẫn là một. Như một tiếng ngân vang nối liền các thế hệ thơ ca Việt, tiếng nói của sự thật những năm này bỗng thức tỉnh Thanh Thảo cảm nhận toàn bộ thơ Cao Bá Quát cũng là những sự thật như cái vồ bằng đá giáng xuống những cơn mê, như những tiếng chuông vỗ vào vai con người

Những câu thơ trong đêm trăng sông Trà đã xui khiến Thanh Thảo tìm về một đêm trên cát, chính là đêm âm vang mãnh liệt nhất xuyên sâu nhất tiếng thơ Cao Bá Quát. Và bản trường ca cứ thế mà đi “cứ đi và đi mãi” mải miết như dòng nước chảy không bến không bờ. Xen giữa những công việc những bê bối lo toan đứt nối mê tỉnh trước tiếng gọi của sự thật những năm đầu của thập kỷ Tám mươi, nhà thơ đã đi một mạch những câu thơ như nhập hồn người xưa, một cách tự nhiên, như tiếng nói của  linh hồn vốn thế.  Bài thơ viết xong trong ba tháng cuối của năm 1981.

Và quả thật, trong cái đêm trên cát ấy tóc Cao Bá Quát dường như xanh lại, như ý tưởng ban đầu của Thanh Thảo trong vườn nhà Nguyễn Trung Hiếu:

khi người ta thức đến canh tư

con mắt nhìn bóng đêm sẽ khác

bạn ơi, vì sao quyến luyến

trăng gác non đoài trăng chẳng nỡ quay lưng

đời mấy lần gặp gỡ

muốn vươn tay kéo núi về gần

ban mai rồi sẽ tới

như dòng sông lao xuống từ trời

ta vục đầu vào khoảng xanh ngợp ấy

tóc ướt đầm ánh sáng

(câu 339-348)

Những câu thơ Thanh Thảo từ đây không còn gập ghềnh nữa mà cứ thế bay lên, bay lên, đầy màu sắc, âm nhạc và kiến trúc:

cơn sấm rền chớp xé tầng mây

lúa phất cờ đứng dậy

những hàng cây bùng cháy

ta chờ đợi

bay  ngang trời đàn ngựa trắng

rền vang móng gõ

xanh đỏ tím vàng

lúc hiện lúc tan

tiếng trong tiếng đục

những người chân đất

những người thở dài

những người cúi mặt

chưa biết về đâu

bay ngang trời đàn ngựa trắng

(câu 349-362)

Đàn bạch mã bay ngang trời tất cả năm lần như thế.

Nhân câu chuyện “nhập hồn”, tôi xin kể thêm câu chuyện. Cuối bài thơ dài của Thanh Thảo, Cao Bá Quát thốt một câu “sấm” gửi cho tương lai:

lớp người sau sẽ đến

những ngọn sóng trong đêm

khởi từ giờ tý

nơi bản lề cánh cửa mở vào ngày mới

ta  xin đứng lại

chiến đấu như một người

chặn đường nỗi sợ

và chết như một người

đã vượt lên nỗi sợ

(câu 430-438)

Có ai ngờ những lời nhắn gửi ấy ứng nghiệm lạ kỳ. “Những ngọn sóng trong đêm” ứng vào những ngọn sóng trong công cuộc đổi mới đầu thế kỷ XXI  này. Những người con họ Cao thất tán bốn phương từ thế kỷ XIX dần dần tụ về. Cả họ bàn nhau xây lại nhà thờ họ Cao, bên trong lập một bàn thờ Cao Bá Quát. Nhà thờ vốn hướng Nam. Ngay sau nhà thờ có một con đường nhỏ. Bây giờ nhân thể phá đi xây dựng lại, ta cho nhà thờ quay về hướng Bắc, lấy “mặt tiền” là con đường, cho người bốn phương đến thắp hương thánh Quát tiện đường vào, vậy chả hơn hay sao?

Người làng bàn góp: Ngày xưa các cụ chọn nhà thờ hướng Nam là có ý nghĩa “phong thủy” đấy. Việc này phải cẩn thận. Nhưng cả họ không nghe. Nhà thờ cứ thế quay 180 độ về hướng Bắc. Không biết người họ Cao có đọc Đêm Trên Cát không, hồn ông Cao cũng đã có nói: “khởi từ giờ Tý / nơi bản lề cánh cửa mở vào ngày mới”. Giờ Tý là giờ mở đầu cho một ngày âm lịch. Phương Tý cũng là phương Bắc mà.

Một năm sau thì nổ ra một hiện tượng gây chấn động một vùng. Một ngày mùa hè, giữa lúc trời quang mây tạnh, bỗng một tiếng sét lộng trời, sét đánh đúng vào ngôi mộ tổ họ Cao làm tung lớp vôi vữa phủ bên trên. Cả làng tôi bàng hoàng. Cả họ Cao bàng hoàng. Người ta không khỏi liên hệ hai hiện tượng với nhau: việc quay nhà thờ về hướng bắc và cơn sấm sét. Họ Cao quê tôi nghe lời Đại đức Thích Thanh Phương trụ trì chùa Sủi, đánh xe lên tận ngọn nguồn sông Lô chở cát sạch về xây dựng lại mộ tổ.

Nhưng cứ theo câu thơ như một lời sấm trên kia:

ở những ranh giới mơ hồ

đây là điều sáng tỏ

phải trả giá cho mỗi phẩm chất người

dù rất nhỏ                     

(câu 349-442)

thì cơn sấm sét kia có lẽ là một trận sấm lành. “Đây là điều sáng tỏ”. Trận sấm nói rằng quê tôi đang trải qua một cơn chấn động của công cuộc đổi mới. Cánh đồng bây giờ đã trở thành khu công nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội. Làng đã dành một khu đất riêng, rộng rãi, khang trang, tại đây sẽ xây dựng một nhà lưu niệm Cao Bá Quát.

  • Xuân Cang

Đọc trường ca Đêm trên cát  của Thanh Thảo/ trích trong tập Thơ Bình Định thế kỷ XX -  Nhà xuất bản Văn Học - Hà Nội - 2003.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống bằng cách "click chuột"  (21/09/2006)
Cụ thể và chặt chẽ hơn  (19/09/2006)
"Nhìn lại 10 năm văn xuôi Bình Định"  (19/09/2006)
Rừng Nauy và dấu nối giữa quá khứ với hiện tại  (18/09/2006)
Mưa   (17/09/2006)
Phương Thúy lọt vào top 20 người mặc đẹp Miss World   (15/09/2006)
“Lễ nghĩa cũng sinh phú quý”   (15/09/2006)
Cầu vượt đầm Thị Nại và những bài ca  (14/09/2006)
Nếu anh đã thề bảo vệ sự thật và công lý*  (13/09/2006)
Chế Lan Viên và thế giới "Điêu tàn"  (12/09/2006)
Hơn 4 năm, vẫn "giẫm chân tại chỗ"  (12/09/2006)
Có cái gì trong 3 phút ấy...  (11/09/2006)
Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi  (11/09/2006)
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)
Đoạn cuối của thanh sắc  (08/09/2006)