Di tích Quy Nhơn chờ một diện mạo mới
7:37', 22/9/ 2006 (GMT+7)

Trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, hiện có 6 di tích được xếp hạng, 30 di tích được đưa vào danh mục thống kê và trong số đó có 10 di tích được lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh bảo vệ. Tuy nhiên, những di tích này lâu nay chưa được quan tâm bảo vệ và phát huy đúng mức.

 

Nhà tù số 9 Đào Duy Từ (di tích lịch sử cách mạng thường xuyên “cửa đóng then cài”). Ảnh: Hoài Thu

 

* Tiếng “thở dài” từ những di tích

Phần lớn di tích trên địa bàn Quy Nhơn hiện đang trong cảnh “ẩn mình” chứ chưa được phát huy những giá trị đích thực của nó. Chẳng hạn, đình Cẩm Thượng (365 Trần Hưng Đạo) là ngôi đình cổ duy nhất ở Quy Nhơn hiện còn tồn tại. Tuy nhiên, từ sau ngày giải phóng đến nay, đình được sử dụng làm nơi hoạt động của Nhà Văn hóa thành phố nên đã dần bị xuống cấp. Ngay đối với chùa Ông Nhiêu (còn gọi miếu Ông Nhiêu) cũng vậy. Chùa được xây dựng năm 1837, gắn liền với quá trình định cư của người Việt trên “vùng rốn đất” của đô thị Quy Nhơn. Ngoài ra, ngôi chùa này còn có giá trị rất lớn về kiến trúc. Đây là kiến trúc gỗ đồ sộ nhất và cổ xưa nhất còn tồn tại ở Quy Nhơn. Di tích này đã được UBND tỉnh công nhận vào năm 2002, nhưng hiện nay, có lẽ không mấy người dân Quy Nhơn biết nó nằm ở đâu (!?). Thậm chí, không gian chùa hiện nay đã bị “bóp nghẹt” bởi một số công trình xây dựng. Trước mặt chùa là nhà kho Công ty Cổ phần Đông lạnh, sau lưng là Xí nghiệp Nước khoáng Chánh Thắng… Lối vào di tích nay chỉ còn là một con hẻm nhỏ trổ ra đường Bạch Đằng. Đi vào chùa, ta càng thấy thảm thương hơn khi trước mắt là cảnh phần mái bê tông phía trước đã bị bịt kín để dùng làm trụ sở khu vực và rào ngăn với phần sau của chùa bằng… lưới B40.

Đối với Nhà tù số 9 Đào Duy Từ, một di tích lịch sử cách mạng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1998, nhưng hiện vẫn thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Người dân muốn vào tham quan cũng đành chịu. Lý giải về điều này, ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: “Sau khi được xếp hạng, chúng tôi đã tiến hành sửa chữa lại và trưng bày thêm hiện vật theo kiểu bổ sung, hỗ trợ cho di tích để tái hiện lại phần nào không gian của nhà tù. Tuy nhiên, đây là di tích lịch sử chứ không phải bảo tàng nên chỉ khi nào có khách tham quan đến liên hệ, chúng tôi mới mở cửa và cử cán bộ đến thuyết minh”.

* Chờ một diện mạo mới

Vừa qua, UBND thành phố Quy Nhơn đã có tờ trình, đề nghị UBND tỉnh giao diện tích mặt bằng trên đường Bạch Đằng hiện do Công ty Cổ phần Đông lạnh Bình Định tạm thời quản lý cho UBND thành phố quản lý, để quy hoạch khu vực này mở rộng không gian chùa Ông Nhiêu nhằm vừa bảo vệ cảnh quan và không gian, vừa giữ gìn sự tôn nghiêm của một di tích gắn với văn hóa tâm linh. Đồng thời, thành phố Quy Nhơn cũng đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương nâng cấp đình Cẩm Thượng thành Nhà Truyền thống thành phố và xây dựng lại cổng đình, tường rào cho hợp với cảnh quan hiện tại.

 

Khung cảnh chùa Ông Nhiêu hiện tại. Ảnh: H.T

 

Ông Lê Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phố Quy Nhơn, cho biết: “Thực hiện chủ trương của thành phố, chúng tôi sẽ chuyển các bộ phận của Trung tâm làm việc tại đình Cẩm Thượng sang nơi khác để phục vụ cho việc sửa chữa, nâng cấp nơi đây thành Nhà Truyền thống thành phố. Trước mắt, với kinh phí được cấp, trong năm nay chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng cổng và tường rào mặt tiền theo phối cảnh đình làng xưa. Còn nội thất bên trong đình sẽ được tiếp tục làm sau khi có ý kiến chỉ đạo và tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn…”.

Với một di tích khác trên địa bàn Quy Nhơn là tượng đài anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (tại Hải Minh), UBND tỉnh cũng đã đồng ý về chủ trương triển khai việc nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng tượng đài vào danh mục di tích lịch sử văn hóa của tỉnh và đồng ý cấp kinh phí từ ngân sách tỉnh để chống xuống cấp tượng đài mà cụ thể là hoàn thiện, sửa chữa những chỗ hư hỏng của tượng đài, mạ phủ kẽm và chỉnh trang khu vực xung quanh.

Với việc đầu tư tu bổ các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, hy vọng các di tích này sẽ có một diện mạo mới. Tuy nhiên, để có thể khai thác tối đa giá trị các di tích, cần phải có một chiến lược dài hơi và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng. “Dự kiến trong năm 2007, UBND thành phố Quy Nhơn sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề, nhằm tìm giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục chế, trùng tu và phát huy các di tích trên địa bàn thành phố, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ xuất bản và phát hành tập sách giới thiệu về các di tích, danh thắng và nghi thức lễ hội dân gian ở Quy Nhơn…” - ông Ngọc Anh cho biết thêm.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Đêm trên cát" nhập hồn Cao Bá Quát  (21/09/2006)
Tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống bằng cách "click chuột"  (21/09/2006)
Cụ thể và chặt chẽ hơn  (19/09/2006)
"Nhìn lại 10 năm văn xuôi Bình Định"  (19/09/2006)
Rừng Nauy và dấu nối giữa quá khứ với hiện tại  (18/09/2006)
Mưa   (17/09/2006)
Phương Thúy lọt vào top 20 người mặc đẹp Miss World   (15/09/2006)
“Lễ nghĩa cũng sinh phú quý”   (15/09/2006)
Cầu vượt đầm Thị Nại và những bài ca  (14/09/2006)
Nếu anh đã thề bảo vệ sự thật và công lý*  (13/09/2006)
Chế Lan Viên và thế giới "Điêu tàn"  (12/09/2006)
Hơn 4 năm, vẫn "giẫm chân tại chỗ"  (12/09/2006)
Có cái gì trong 3 phút ấy...  (11/09/2006)
Địa chí tỉnh Bình Định: 650 triệu đồng, trễ hạn 4 năm, nhiều lỗi  (11/09/2006)
Nghĩ về nét duyên của cái gai xương rồng  (10/09/2006)