Nhiều người trong nghề sưu tập cổ vật, nhiều tay buôn đồ cổ trong tỉnh đã tìm đến nhà ông để nhờ cậy. Khi thì cái cần “gá” lại món đồ trót sứt mẻ đôi chút, khi thì cần bàn tay ông bóc tách lớp gá kém mỹ thuật và làm lại cho hoàn thiện hơn. Ông là Lê Văn Thái, năm nay 54 tuổi, người xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, mà dân trong nghề chơi đồ cổ vẫn quen gọi ông là Tám Thái.
|
Một cổ vật đã được chỉnh sửa. Ảnh: V.T |
* Bí quyết từ... mày mò
Đã mười bảy, mười tám năm nay, ông Tám Thái vẫn miệt mài với nghề làm “bác sĩ chỉnh hình” cho cổ vật như vậy. Hỏi cái duyên do vào nghề, ông cười: “Ngày đó, tôi có ông chú tên là Võ Cự Hạo, cũng là người An Nhơn, mê chơi đồ cổ. Tui hay đến chơi, rồi đâm thích. Thấy tôi mê, ông chú mới chỉ điểm sơ qua cho tôi, rằng đường nét thế này là đồ thời nào, lạc tinh thế này là đồ vào thời nào… cứ vậy mà vỡ vạc ra. Mà cái nghề này, chỉ “lý thuyết suông” hổng được, phải mày mò mới có kinh nghiệm được. Nhà thì nghèo, vậy là tui thường tìm đến những nơi đất xói mòn, lộ ra nhiều mảnh cổ vật vỡ, rồi thu gom về, dựa vào đó mà phán đoán, tập nhận diện cổ vật các đời. Cứ vậy mà chắt chiu suy nghĩ. Riết rồi tui lại mày mò tự sửa chữa, o bế những món hư. Dần dần mới có kinh nghiệm”.
Và chính cái sự mày mò không ngừng nghỉ, để có được những am hiểu nghệ thuật của mỗi triều đại ấy đã trở thành bí quyết, giúp ông bước vào nghề phục chế đồ cổ một cách tự nhiên, phục chế mà không sợ sai lệch với hiện vật gốc. Tôi hỏi: “Vậy phải mất bao lâu, ông mới thành nghề?”. “Cái đó tui cũng hổng biết. Knh nghiệm cứ tích lũy dần, khó mà tính đếm được. Cứ vấp một món đồ, mỗi loại là một lần lại mày mò”- ông nói.
|
Ông Lê Văn Thái đang chỉnh sửa cổ vật. Ảnh: V.T
|
* Cổ vật hồi sinh
Khách hàng của ông Thái, chủ yếu là người sưu tập và mua bán cổ vật từ khắp nơi trong tỉnh: thị trấn Phù Mỹ có, thị trấn Phù Cát, Bình Định cũng có, rồi TP. Quy Nhơn, thị trấn Bình Dương… ai cần thì mang cổ vật đến tận nhà ông ở Nhơn Hạnh để chỉnh sửa. Đồ sứ men lam Huế, gốm Bình Định, đến cả bạch định Tống, gốm Thanh… thậm chí đồ khảm trai hay việc bịt đồng cho cổ vật… ông đều thâu nhận. Việc phục chế cũng tùy theo yêu cầu khách hàng mà áp dụng kỹ thuật khác nhau. Có khách hàng là dân sưu tập, muốn cổ vật lấy lại được hình dáng ban đầu của nó, nhưng lại muốn phần phục chế phải khác biệt với phần nguyên gốc. Có người thì muốn phần chỉnh sửa phải thật giống với phần nguyên gốc để… dễ bán.
Với đồ gốm, sứ, ông Thái thường dùng keo hải thuyền (loại keo dùng để quét lên trê thuyền đi biển) trộn với bột đá làm cốt. Nghe thì quá đơn giản, nhưng chỉ nội việc làm sao để những tô, chén sứ, sau khi chỉnh sửa xong, cầm lên gõ, tiếng ngân của phần mới chỉnh sửa giống với phần nguyên gốc, mới gọi là đạt, thì đủ biết người thợ cần bao nhiêu năm kinh nghiệm. Bước thứ hai là tạo nước men cho thật giống với phần nguyên gốc. Công đoạn này mất không ít thời gian, vì ai cũng rõ, trong thế giới cổ vật, có không biết bao nhiêu loại men khác nhau mà mỗi loại, phải mất rất nhiều phần công sức tái tạo. Như men ngọc của gốm Việt Nam trước đây đã từng thất truyền, nay phục hồi lại đâu dễ. Vậy mà thay vì phải dùng cứt đồng, pha thêm bột đá ngọc Hà Tiên, cứt chì, đá trắng xay nhỏ… qua bao công đoạn mới làm được màu men ngọc, ông chỉ vẻn vẹn có mấy bì ni lông… bột vôi màu. Vậy mà làm nên cũng thiệt giống. Nhưng kỹ thuật nhất vẫn là ở chỗ làm sao tạo màu thời gian, tạo lạc tinh cho cổ vật. Để làm việc này, ông phải dùng cặn phèn được lọc ra từ nước, hòa với màu nâu và hẳn nhiên, với nhiều kỹ thuật khác. “Kinh nghiệm bao nhiêu năm chắt chiu có bao nhiêu đó đấy cậu ơi!” - ông nói rồi tự nhận là mình có thể phục hồi lại đến 80% cổ vật nguyên gốc.
* Nhất nghệ tinh...
Chỉ với nghề “chỉnh hình” cổ vật, vậy mà ông nuôi cả gia đình với 7 người con, hầu hết đang trong tuổi ăn học. Nhưng cũng bởi vậy, tuy hàng ngày cầm trên tay những món đồ tính bằng tiền trăm, tiền triệu, gia cảnh ông vẫn không khá. Bên cạnh sửa chữa, ông còn cóp nhóp mua đồ hư bể về lui cui chỉnh sửa, chăm chút, o bế lại cho hoàn chỉnh. Có món phục chế xong, bán được, kiếm được thêm chút ít, đắp đổi qua ngày và lại mày mò.
Ông Thái nói: “Đồ người ta đem đến sửa, sửa xong trả hổng tiếc. Nhưng mấy món hư bể o bế làm lại vì gia cảnh phải bán đi, có khi tiếc đứt ruột. Như ráp được cặp đèn, phải lọ mọ tìm từng cái đĩa, cái chén, tổng cộng cần tới 9 món. Sau khi tìm đủ, mới ráp lại. Từ khi bắt đầu tầm đến khi hoàn chỉnh, thường không tính bằng ngày, bằng tháng, mà bằng năm. Vậy mà đến hồi bán đi, ai hổng buồn, hổng tiếc. Nhưng mình có giàu có chi đâu mà bày đặt chơi này chơi nọ, để chi… Duy nhất có một món đồ, tui còn để lại, là cái cặp đèn ráp mất 8 năm trời. Hồi đó, có người trả mấy triệu bạc, nhưng rồi mấy đứa nhỏ nó thấy mình tâm huyết quá, mới nói: Thôi nghèo thì nhà mình nghèo rồi, ba để lại cặp đèn để chơi đi. Nhờ vậy mới còn. Nhưng khó thì khó, nghèo thì nghèo, chứ nói chuyện làm đồ giả là tui hổng làm à!”.
Cái nghề chắt chiu bằng kinh nghiệm của cả đời người, vậy mà hóa ra, ông Tám Thái lại chưa tìm ra người truyền “y bát”. Hỏi ông, sao không truyền dạy cho mấy con trong nhà, ông cười: “Mấy đứa nhỏ, chẳng đứa nào có đủ cái trì mài để theo nghề hết. Mà cái nghề này, không trì mài thì khó mà thành được. Nội cái chuyện gặp những món đồ mà đã có người đụng tay vào, nhưng lại không có tay nghề nên chẳng ra sao, phải dỡ ra làm lại, mà chỉ thiếu cẩn thận, thiếu kiên nhẫn chút xíu, là ăn đòn ngay”.
|