Bên cạnh các đền tháp, hệ di tích Chăm ở Bình Định còn phong phú bởi những tòa thành cổ. Trong đó, thành Cha (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) đã được xếp hạng Di tích Văn hóa cấp quốc gia từ tháng 11-2003. Tòa thành cổ này hiện vẫn còn rất nhiều bí ẩn, cần được khám phá…
|
Tượng thần Tài Lộc tìm thấy ở thành Cha. Ảnh: Hoài Thu
|
* Những sử liệu ít ỏi
Có lẽ, thành Cha đã sớm trở thành phế tích từ rất lâu, nên trong các sử liệu có rất ít thông tin. Một số nhà khảo cổ học cũng đã tìm đến khảo sát nghiên cứu tại thành Cha, nhưng những thông tin đưa ra vẫn chỉ dừng lại ở mức độ khảo tả ban đầu. Đến năm 2001, khi Bảo tàng Tổng hợp tỉnh lập hồ sơ, đề nghị công nhận Di tích Văn hóa cấp quốc gia, thành Cha mới được khảo sát một cách tương đối đầy đủ, nhưng tất nhiên, cũng chỉ khảo sát trên mặt đất.
Thành Cha nằm trên bờ đất cao sát bờ Nam sông Côn, thuộc thôn An Thành, xã Nhơn Lộc. Thành được xây đắp bằng đất, bên trong có trộn lẫn gạch vữa và ngói ống. Thành có bình đồ hình chữ nhật, cấu trúc chia ra làm thành nội và thành ngoại. Trừ mặt thành phía Bắc gần sông nên xói lở gần hết, các mặt còn lại tương đối nguyên vẹn. Tường thành ngoại phía Nam chạy theo hướng Đông - Tây dài 950 mét, cao khoảng 3-4 mét so với mặt ruộng. Tường thành ngoại phía Bắc cũng chạy theo hướng Đông - Tây, nhưng hơi chếch về phía Bắc. Khi xây dựng, người xưa dựa vào hướng sông Côn, nên chiều dài của tường thành Bắc dài hơn phía Nam khoảng 100 mét. Ở ba mặt Đông, Nam và Tây của thành hiện còn dấu tích những hào sâu. Những hào này nhận nước từ sông Côn và cùng với sông Côn tạo thành một lá chắn bảo vệ thành.
TS Đinh Bá Hòa - Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhận xét: “So với thành Đồ Bàn, thành Cha còn nguyên vẹn hơn. Nằm ở vị trí thuận lợi về mặt giao thông, lại được thiết kế khá kiên cố, rất có thể thành Cha giữ vai trò quan trọng trong lịch sử”. Theo các nhà nghiên cứu, thành Cha có thể từng giữ chức năng là trung tâm chính trị - quân sự của châu Vijaya và sau đó, gần như đóng vai trò là kinh đô Champa trong giai đoạn người Chăm dời đô từ Quảng Nam vào Bình Định.
* Hãy giữ lấy dấu tích thành cổ
Hiện tại, lối vào thành Cha vẫn còn là một con đường đất tương đối nhỏ, nằm khiêm tốn bên hông trường Tiểu học số 1 Nhơn Lộc. Đứng trên di tích này, nếu không có tấm biển công nhận di tích nằm “chơ vơ” trên một gò đất, ta khó có thể hình dung đây từng là một tòa thành cổ. Dấu tích các bờ thành xưa, nay đã không thể nhận rõ, bởi đã bị cây phủ che lấp hoặc đã thành nơi cư trú của người dân, còn đất trong thành đã thành nơi trồng các loại hoa màu. Ông Trần Tuần, 76 tuổi, một người dân ở thôn An Thành, cho biết: “Trước đây, trong thành có rất nhiều gò cao thấp và cây cối um tùm. Sau này, khi người ta cải tạo lại đất để sản xuất, phần lớn các gò đã bị ủi gần hết”. Cũng trong đợt san ủi đất này, người ta còn tính ủi luôn gò Ông Tị, một nơi được cho là có dấu tích kiến trúc, nằm trong khu vực thành Nội. Rất may, mới ủi được một phần, thì cơ quan quản lý văn hóa đã kịp thời can thiệp. Cũng tại gò Ông Tị, khi san ủi, người ta đã tìm thấy một tượng thần Tài Lộc bán thân. Bức tượng này đã được những người san ủi đem vào Khánh Hòa bán; sau đó, làm một tượng “giả” để trả lại, nhưng bị các cơ quan chức năng phát hiện và thu hồi. Tượng thần Tài Lộc (hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), là một tượng đẹp và hiếm.
Ngoài bức tượng trên, năm 1991, tại ngã ba Tề (gần khu trung tâm thành), người ta cũng tìm được 10 hiện vật bằng đất nung. Dựa vào hình dáng và đề tài thể hiện, nhiều người cho rằng đó là phù điêu trang trí cho một công trình kiến trúc. Cuối năm 2005, khi vét mương bờ hào thành phía Bắc, người dân ở đây cũng tìm thấy một Linga bằng đá. Nhiều người dân thôn An Thành cho biết, tại một số nơi trong thành, khi đào xuống đất khoảng 7-8 tấc, họ bắt gặp các đường rãnh, hai bên bờ là đất, nhưng bên trong chứa đầy cát trắng(?).
Những điều này cho thấy, thành Cha vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá. Đồng thời, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những động thái tích cực hơn trong việc bảo vệ những dấu tích còn lại. Ông Bùi Văn Tô - Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, đề xuất: “Thành Cha là di tích cấp quốc gia, nên cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng. Như vậy vừa bảo vệ thành Cha vừa góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh di tích một cách hiệu quả hơn”.
|