Dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân
10:35', 12/1/ 2007 (GMT+7)

Bùi Thị Xuân là một nữ tướng tài ba xuất chúng trong lịch sử Việt Nam nói chung và được nhân dân Bình Định kính ngưỡng. Để tưởng nhớ, ghi công của bà, công trình đền thờ Bùi Thị Xuân đang chuẩn bị được xây dựng, ngay trên quê hương bà (thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn).

 

Phối cảnh đền thờ Bùi Thị Xuân. Ảnh: V.T

 

* Dựng đền thờ trên quê hương nữ tướng

Đền thờ sẽ được xây dựng mới nằm trên khu đất có diện tích khoảng 5.191m2, trong đó, đất quy hoạch xây dựng khoảng 178m2. Khu đất này nằm giáp Quốc lộ 19, vốn là vùng đất ruộng lúa. Đây là nơi bà sinh ra, lớn lên và cách địa điểm này không xa, sâu vào trong làng, là Từ đường Bùi Thị Xuân, nơi các thế hệ con cháu thuộc dòng tộc họ Bùi vẫn còn sinh sống. Việc lựa chọn địa điểm này để xây dựng, sẽ vừa tiện cho việc trông nom đền thờ và hương khói cho bà thường xuyên. Đồng thời, vào những dịp Lễ hội Đống Đa hay Festival Tây Sơn - Bình Định, nhân dân từ các địa phương trong cả nước về dự hội, sẽ rất thuận tiện để tìm đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm người nữ anh hùng. Diện tích như vậy cũng là đủ rộng để vừa xây dựng đền, vừa tạo được không gian có sân vườn, cây cảnh và lối dạo cho khách tham quan, nghỉ chân.

Thêm vào đó, khu đất xây dựng đền thờ là một vùng quê yên bình, xung quanh, vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà lá mái truyền thống rất đặc trưng của Bình Định. Do vậy, phương án thiết kế công trình phải dung hòa với không gian cảnh quan nơi đây, cũng như phải đúng với tính chất của công trình đền thờ là nơi thờ cúng.

* Phương án kiến trúc: dáng nét truyền thống

Qua nghiên cứu tìm hiểu, thiết kế của Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Xây dựng Bình Định đã chọn phong cách kiến trúc nhà lá mái ba gian hai chái, có thêm phần cổ lầu. KTS Phan Từ (người thiết kế) phân tích: “Phần cổ lầu vừa có tác dụng thông gió và thoát khói khi thắp nhang đèn; đồng thời, sẽ làm cho công trình mang dáng vẻ một nơi có tính tôn kính và trang nghiêm, tạo nên hình thức bên ngoài của một công trình văn hóa mang dáng nét kiến trúc dân tộc Việt, gần gũi và hướng về cội nguồn”. Hình khối kiến trúc với hệ thức cột truyền thống, tỷ lệ chiều cao giữa thân nhà mái nhà thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Hướng chính của công trình là hướng Đông Nam, sẽ đón được gió tốt và mùa hè mát mẻ, không ẩm ướt gió rét vào mùa đông. Trên lối đi từ ngoài vào cổng, sẽ dựng một cổng tam quan với cổng chính ở chính giữa, hai bên là cổng phụ. Qua không gian cổng, là khoảng sân vườn nền gạch đất nung và hai hàng cau chạy dài như chào đón. Phần sân trước là không gian để tổ chức ngày giỗ kỵ và lễ hội, tiếp đến là lối lên tam cấp vào đền thờ. Không gian bên trong đền thờ gồm có ba gian. Gian chính giữa để bàn thờ, cũng là chính điện để thăm viếng thắp nhang và vái lạy. Gian bên tả để đội nhạc kèn trống, bên hữu để tiếp khách. Công trình được thiết kế với không gian mở, có hệ cửa gỗ có thể mở, gấp xếp, rất thuận lợi mỗi khi vào hội. Hành lang bao bọc xung quanh sẽ che chắn mưa nắng, không chiếu và hắt vào công trình nhằm bảo vệ toàn bộ hệ cửa. Cốt nền làm chín bậc, rơi vào chữ “Cửu” và chữ “Sinh” theo quan niệm truyền thống là bền vững và sinh trưởng, phát triển. Ánh sáng và bóng đổ công trình khá sinh động nhờ hai hệ cột tròn song song bao bọc đổ bóng cho nhau trên nền phong cửa chính diện và ở hai đầu hồi nhà. Chi tiết hoa văn cửa và các hoa lam gió cách điệu theo đường nét hình học đơn giản, hiện đại, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao.  

* Kết cấu, không gian công trình: bền vững, hài hòa

Hệ kết cấu công trình làm bằng khung dầm sàn mái bê tông cốt thép, lợp ngói lưu ly màu nâu. Toàn bộ cửa đi và cửa sổ đều làm bằng gỗ. Các trụ bê tông sơn màu nâu gỗ nhằm tạo tính bền vững cho công trình. Nền nhà lát đá granite và bậc cấp lát đá granite màu đỏ huyết dụ. Chi tiết lam hoa gió, lan can, con tiện đều được sơn màu nâu gỗ. Sân nền lối đi tấm đan bê tông, trên mặt mỗi tấm lát 4 viên gạch đất nung màu nâu đất, để dễ thoát nước mặt sân và chống co ngót tạo vết nứt vì đã có khe hở xung quanh (theo hình thức nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam). Trong không gian sân vườn, cây cối trồng theo lối hàng cau trước sân, bụi chuối sau hè; dọc tường rào và lối đi trồng bờ giậu râm bụt; sau nhà trồng me có tán lớn. Phần không gian công viên trồng thảm cỏ đồi cù hoa cỏ và đá đan xen, kết hợp ghế đá thư giãn, nghỉ chân cho du khách.

Không lâu nữa, du khách hành hương về đất Tây Sơn sẽ có thêm một điểm để tìm đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm người nữ anh hùng.

  • Lê Viết Thọ
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (11/01/2007)
Quang Dũng “chết” vì cặp mắt của Jennifer Phạm  (11/01/2007)
61 đơn vị tác phẩm tham dự Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ III  (11/01/2007)
Một tòa thành cổ đang bị lãng quên  (09/01/2007)
Thông điệp từ những khoảnh khắc bình dị  (09/01/2007)
Phút dừng chân bên đường của Phạm Hoài An và Chung sức của Võ Chí Hà cùng đoạt giải Nhì  (08/01/2007)
Chung khảo cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi   (07/01/2007)
“Bác sĩ” của cổ vật   (05/01/2007)
Hai tác giả Bình Định đoạt giải trong cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2005-2006  (04/01/2007)
Những ấn tượng từ Duyên dáng Việt Nam 16  (04/01/2007)
Một năm sôi động của văn hóa đọc  (02/01/2007)
Bấm máy bằng tư duy nghệ thuật  (02/01/2007)
Tìm dáng nét riêng cho diện mạo đô thị  (29/12/2006)
Nhiều phát hiện mới có giá trị  (29/12/2006)
Nâng cấp Bảo tàng Quang Trung: Xin đừng chắp vá?  (28/12/2006)