Nguyễn Thanh Mừng-Trần Thị Huyền Trang:
Song kiếm đệ nhất miền Trung
12:50', 14/1/ 2007 (GMT+7)

Vợ chồng Mừng-Trang bên gốc đa quê nhà.

Có lẽ, Trần Thị Huyền Trang-Nguyễn Thanh Mừng là cặp vợ chồngvăn chương đang sung sức nổi tiếng nhất miền Trung và là một trong những “đôi bút” có hạng của đất nước trên nhiều phương diện. Cả hai đều đã thành đạt và quan trọng hơn, họ là một mẫu “đầu ấp tay gối” ăn ý từ trong tâm thức đến đời thường bình dị, mỗi người một sự nghiệp lừng lững mà lứa đôi gia đình vẫn luôn là chốn đủ đầy hạnh phúc cho họ đi về trên nghiệp gánh gồng chữ nghĩa. Họ là một đôi "Song kiếm hợp bích"  hiếm có trong mắt giới mộ điệu cho đến bà con họ hàng, bạn bầu bốn phương…

Viết mấy dòng trên, tôi lại “ái chà, à quên”, ai lại đặt tên Trang trước Mừng? Nói gì thì thi sĩ Mừng cũng là là… chủ nhà, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, văn sĩ Trang cũng… chỉ là là vợ, hội viên của Hội “chồng”! Cũng không thể đem so sánh văn chương của…vợ với chồng. Có hồi tôi tếu táo với Mừng: “Thơ bà Trang hay hơn ông”, rồi nói với Trang: “Văn ông Mừng hay hơn bà”. Tuy nhiên, văn đàn đã công nhận: gọi cả Trần Thị Huyền Trang và Nguyễn Thanh Mừng là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá đều đúng; bởi ở từng lĩnh vực, mỗi người đều đã có thành quả đẳng cấp. Thế nhưng, một phong cách lục bát Nguyễn Thanh Mừng và một phong cách truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang thì rõ ràng đã tạo được một cõi riêng, một trường tư tưởng chuyên biệt.    

Cái mạnh trong văn chương Nguyễn Thanh Mừng là độ kết tinh của trầm tư uyên bác và bụi bặm có thừa, nét riêng của Trần Thị Huyền Trang là bóc tách chi tiết một cái kết tinh đến tài tình. Họ đều thành công nhưng mỗi người một thếvõ khác phái, bút lực tài hoa đến ngang tàng nhưng không bao giờ dẫm chân lên nhau, giông giống nhau dù sinh một quê, học một trường, ở một nhà…! Ngoài nhiều tập khảo cứu văn hoá giá trị “làm ăn chung”, nếu Mừng có Ngàn xưa (tập thơ), Khởi hành cùng 39 mùa xuân (trường ca)hay Folklorists liệt truyện (bút ký)…,thì Trang có Một lứa bên trời (tập truyện ngắn), Nhạn thần cô (truyện ký) hay Muối ngày qua (tập thơ)…; đối nhau cứ chan chát, chả “mèo nào cắn mỉu nào”, hình như có một cuộc thi đua mang đầy tính… phối ngẫu! Sách của mỗi người giờ đã chồng cao hơn người và chắc chắn sẽ còn dày thêm nữa! Giờ tôi xin bốc một ít thơ của hai người để so kè, nếu Mừng viết “Nghìn năm sương khói bời bời / cuốn ta vào một cuộc chơi thần sầu”thì Trang viết: “Tôi đã về đây ơi lão thuyền chài / con đò nhỏ chứa đầy khoang im lặng”; nếu “Câu thơ mưa gió bọt bèo / dìu nhau qua mọi vương triều phế hưng” thì “Khi nồng nhiệt núi lửa / khi hững hờ cơm nguội góc bếp / có thể vắt cả mồ hôi cả máu để bày tỏ”... Mừng khói sương, khái quát đấy nhưng lại tưng tửng, chi tiết đến rợn ngợp; Trang tươi tắn, chi tiết đấy nhưng lại trầm hồn, phiêu du đến riết róng. Mừng khoác chiếc áo chiêm bao, thôn trang để đương đại đến nao lòng; Trang hiện thực, phố phường để bàng bạc bao điều thế thái. Vậy nên mới có chuyện lục bát mà quá tự do, tự do mà tìm cổ điển!

Nguyễn Thanh Mừng-Trần Thị Huyền Trang dự Đại hội Nhà văn 7.

Có một thực tế của nhiều anh em viết ở tỉnh lẻ là chuyện đào sâu nâng cấp, lập chí lập ngôn… khá dễ dãi, được hay chăng chớ trong sự chuyên nghiệp, nhưng với đôi song kiếm này thì cái nào ra cái nấy. Công cán cứ bề bề thành đạt, viết lách cứ dày lên từng chồng trước tác, gia cảnh đuề huề truyền thống nhưng lối nghĩ suy vẫn cập nhật và tung tẩy khôn lường. Trẻ trung mà uyên thâm nên hai vợ chồng đã được tin tưởng giao phó bao nhiêu là chuyện trọng của làng văn hoá-văn nghệ là điều dễ hiểu; này nhé, thường vụ-chấp hành hội ở Bình Định, hội viên-uỷ viên năm bảy hội cấp cả nước (nhà văn-nhà báo-dân gian-thiểu số-liên hiệp…), đến nỗi tôi phải lo lắng mà đùa: “Sưu tập chức tước kiểu này, liệu có gánh nổi không đấy?. Hay là lo làm quan rồi quên làm chương?”. Thế nhưng tôi đã lo hơi bị bao đồng, họ cứ làm mọi việc như chơi và cứ chơi mọi việc như làm, chuyện nào cũng vẹn toàn, đố ai dám thay thế; chuyện nghệ thuật thì khó thể nào soi được sự lỏng tay trong từng câu chữ, đem đi đánh đấm cũng làm thơm lây xứ sở. Ngoài việc cả hai đều nhiều lần vu quy hạng A giải thưởng Xuân Diệu-Đào Tấn, giải thưởng Liên hiệp VHNT toàn quốc, Mừng đã đoạt giải thơ hay - Trang đã đoạt truyện ngắn hay Hội Nhà văn VN… chưa kể những cái “siêu nhuận bút” đều đều khắp nơi. Vậy là họ yên tâm sống được bằng nghề chữ nghĩa và hơn hết là định vị được cái tài-tâm của mình. Tôi còn phát hiện một vụ khá… “tham nhũng” của Mừng và Trang, ấy là họ “lợi dụng” những phi vụ họp hội công cán đó đây để đi mây về gió đỡ tốn kém mà giao lưu mở mang, thăm hỏi bạn bè, nhặt nhạnh hiệu quả thêm vốn sống cho cái nghề lúc nào cũng cần… vốn! Có thể tôi bù khú nhiều với Nguyễn Thanh Mừng nhưng nếu đem lên bàn cân thì thật thà tôi chẳng dám phán anh nặng hơn Trần Thị Huyền Trang. Bởi người nữ nặng cái này thì người nam nặng cái kia và ngược lại, nên mới đóng cửa múa chung chiêu "Song kiếm hợp bích", chứ nếu không thì làm sao… múa?! Tóm lại, Nguyễn Thanh Mừng dáng dấp một nhà thơ lớn, Trần Thị Huyền Trang dáng dấp một nhà văn lớn.

Vừa rồi, trong một cuộc nhậu, tôi có phỏng vấn thêm: “Vợ chồng văn chương nổi tiếng, liệu có khi nào… mất đoàn kết nội bộ?”, cha Mừng độp ngay: “Câu hỏi… xưa như trái bưởi, vợ chồng mà không có lúc “mất đoàn kết” sao gọi là vợ chồng!? Vấn đề là phải tìm ra triết lý… chung sống hoà bình!”. Câu chuyện hạnh phúc của chàng trai cày giỏi giang, hay rượu và nàng gái thảo khéo nuôi con, “buộc chồng” này chắc nhiều người đã biết; riêng tôi về lật sách tìm lại cái “triết lý chung sống hoà bình” của họ thì mới té ngửa… xưa như trái bưởi nhưng có nâng cấp: “Mỗi ngày sợ vợ một lần / Sợ rồi mới biết phải cần sợ thêm / Sợ ngày rồi lại sợ đêm / Sợ xanh con mắt, sợ mềm… đôi chân”. (Trích Folklorists liệt truyện của Nguyễn Thanh Mừng). Và rồi tôi thấy, chàng nông dân “bậc cao” của vùng quê trung du Hoài Ân và cô thôn nữ “công chúa” xứ Phù Cát cứ ngày ngày công chức nuôi con, đêm đêm song kiếm trận đồ văn chương bát quái với chiêu thức càng vào sâu càng hợp bích!

  • Đức Tuấn
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ca sĩ Quang Dũng: Tôi rất thích nhìn vào mắt Jennifer  (12/01/2007)
Dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân  (12/01/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (12/01/2007)
Quang Dũng “chết” vì cặp mắt của Jennifer Phạm  (11/01/2007)
61 đơn vị tác phẩm tham dự Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ III  (11/01/2007)
Một tòa thành cổ đang bị lãng quên  (09/01/2007)
Thông điệp từ những khoảnh khắc bình dị  (09/01/2007)
Phút dừng chân bên đường của Phạm Hoài An và Chung sức của Võ Chí Hà cùng đoạt giải Nhì  (08/01/2007)
Chung khảo cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi   (07/01/2007)
“Bác sĩ” của cổ vật   (05/01/2007)
Hai tác giả Bình Định đoạt giải trong cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2005-2006  (04/01/2007)
Những ấn tượng từ Duyên dáng Việt Nam 16  (04/01/2007)
Một năm sôi động của văn hóa đọc  (02/01/2007)
Bấm máy bằng tư duy nghệ thuật  (02/01/2007)
Tìm dáng nét riêng cho diện mạo đô thị  (29/12/2006)