Chuẩn bị cho mùa lưu diễn xuân Đinh Hợi, hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh đã hoàn thành việc dàn dựng hai vở diễn mới. Nếu Phạm Công - Cúc Hoa (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) thể hiện một cách “nhìn lại” một vở Tuồng dân gian; thì Lời ru hai người mẹ (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định) hấp dẫn người xem bởi cách nhập vai ăn ý của hai thế hệ diễn viên...
|
Nghệ sĩ Kim Thành (đứng) và Phương Quỳnh (quỳ) đã thể hiện rất xúc động vai diễn hai người con của Phạm Công - Cúc Hoa. Ảnh: H.T
|
* Phạm Công - Cúc Hoa: một cách nhìn lại Tuồng dân gian
Phạm Công - Cúc Hoa vốn là một truyện thơ, được cố NSƯT Hoàng Chinh xây dựng lại thành kịch bản Tuồng. Lần này, Nhà hát Tuồng Đào Tấn dựng lại Phạm Công - Cúc Hoa dựa trên kịch bản nói trên, nhưng có bổ sung và nâng cao, nhằm giúp vở diễn hoàn thiện hơn. Từ ba hồi, vở diễn được rút lại còn hai hồi (mỗi hồi diễn khoảng hai tiếng rưỡi). Nhờ vậy, tiết tấu vở diễn được đẩy nhanh hơn. Đạo diễn Hoàng Ngọc Đình cho biết: “Chúng tôi dựng Phạm Công - Cúc Hoa trên quan điểm nhìn lại Tuồng dân gian. Do vậy, khác với các nhân vật chính trong thể loại Tuồng này thường chỉ nặng về tình cảm, hình tượng Phạm Công được khắc họa trong vở diễn là một con người với toàn vẹn các phẩm chất trung, hiếu, tình”.
Ngay từ đầu vở diễn, khán giả đã bắt gặp một Phạm Công hiếu thảo, luôn ở bên cạnh và chăm lo cho mẹ, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Và khi gặp Cúc Hoa, phẩm chất “trọn tình trọn nghĩa” trong con người Phạm Công bắt đầu được bộc lộ.
Bên cạnh chất dân gian đậm đặc vốn có, vở diễn còn được thêm vào chất huyền thoại để hợp lý hóa những sự kiện. Đoạn kết của vở diễn, thay vì Cúc Hoa được Diêm Vương cho sống lại như trong kịch bản gốc, là cảnh Phạm Công được phong làm Quận công và cùng với các con về quê cũ sinh sống, còn Cúc Hoa được truy tặng Nhất phẩm phu nhân. Kết thúc như vậy vừa có hậu theo ước nguyện dân gian, vừa gần hơn với thực tế.
Vở diễn thành công, phần khá quan trọng là nhờ vào tài diễn xuất của các nghệ sĩ. Đó là một Xuân Hợi thể hiện rất thành công con người Phạm Công ở nhiều khía cạnh và hoàn cảnh; là Lệ Quyên (hồi 1) và Tuyết Mai (hồi 2) trong vai Cúc Hoa. Ở tuyến nhân vật phụ, Hữu Thông trong vai anh nô bộc, Phương Thảo trong vai mụ dì ghẻ dâm đãng và tàn ác... rất đạt. Đặc biệt, hình ảnh hai người con của Phạm Công đã được Phương Quỳnh và Kim Thành thể hiện rất xuất sắc, nhất là về tâm lý nhân vật.
Thành công của Phạm Công - Cúc Hoa đã chứng minh cho sức hấp dẫn mãnh liệt của Tuồng dân gian đối với người xem. Tuy nhiên, do vở diễn phải rút gọn, nên một số nhân vật dân gian quen thuộc không có nhiều đất diễn, nên phần nào xuất hiện mờ nhạt.
|
Cảnh trong vở “Lời ru hai người mẹ”. Ảnh: T.T |
* Đọng từ Lời ru hai người mẹ
Lời ru hai người mẹ (tác giả Nhật Minh, chuyển thể Ngọc Đạo, đạo diễn NSƯT Hoài Huệ) là vở diễn mới vừa hoàn thành, nằm trong kịch mục năm 2006, của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định.
Vở diễn này có kết cấu khá đơn giản, theo trình tự thời gian như truyền thống. Bản thân cốt truyện không hẳn mới, có phần hơi “na ná” mô-típ một anh hùng ca của Ấn Độ. Vở diễn mang thông điệp về tình thương yêu con người và vấn đề giáo dục con cái. Xem ra, với chừng ấy chuyện, vở diễn thiếu hẳn những yếu tố ban đầu để thu hút khán giả.
Vậy mà, đêm tổng duyệt của vở diễn này, hội trường Nhà hát Tuồng Đào Tấn không còn chỗ trống. Và những tiếng vỗ tay thỉnh thoảng lại vang lên, tán thưởng cho những câu hát mượt mà, những đoạn diễn xuất giỏi của diễn viên. Theo NSƯT Hoài Huệ, kịch bản ban đầu của vở diễn này khá đơn giản, nên đạo diễn đã phải dụng công nhiều, đến 60-70% so với kịch bản gốc. Những nhân vật như Hoàng thân (Tấn Hào thủ vai), Hoàng hậu (Hồ Thu thủ vai) đã phải sáng tạo thêm nhiều; thậm chí, có màn phải sáng tạo hoàn toàn. Áp lực ấy đặt lên vai đạo diễn là khá nặng. Nhưng rốt lại, vở diễn đã đi được vào lòng người, đó đã là một thành công đáng được ghi nhận.
Trong vở diễn này, ta thấy được sự kết hợp ăn ý của hai thế hệ diễn viên. Một lớp đã thành danh trên sân khấu ca kịch bài chòi; một lớp trẻ mới tốt nghiệp ra trường. Sự kết hợp ngọt ngào đó vừa góp phần làm cho vở diễn thêm phần sinh động, hấp dẫn; đồng thời, xem vở diễn, những người yêu nghệ thuật ca kịch bài chòi cảm thấy vững lòng khi nhìn về tương lai của ngành sân khấu truyền thống này.
Dẫu vậy, xem ra tiết tấu vở diễn có những đoạn còn chậm, vẫn bám theo kết cấu truyền thống. Vì thế, đặt vở diễn này trong hoàn cảnh, các đoàn nghệ thuật truyền thống đang háo hức với những thử nghiệm mới như hiện nay, ta thấy hơi lạc lõng. Một số ngôn từ sử dụng chưa thật hợp lý, chẳng hạn, cách gọi chốn ẩn cư của một vị hoàng thân là “Thiền môn” chưa thật chính xác. Cảnh tập võ, luyện võ có lẽ chưa được đầu tư tập luyện nên hơi phô.
|