Nhà văn Lê Hoài Lương:
Không đổi mới tư duy nghệ thuật thì cầm bút mãi để làm gì?
8:57', 18/1/ 2007 (GMT+7)

Nhà văn Lê Hoài Lương. Ảnh: V.T

Nhà văn Lê Hoài Lương vừa đạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2005-2006 với truyện ngắn Tiếng chuông chiều. Một cuộc phỏng vấn ngắn với cây bút này quanh những suy nghĩ về nghề văn và nghiệp cầm bút...

* Trước tiên, xin chúc mừng anh về giải thưởng. Hình như, anh có “duyên” với tạp chí Văn nghệ Quân đội, vì ngay trong lần đầu tiên tạp chí này tổ chức cuộc thi, anh đoạt giải ba, còn lần này là giải nhì?

-  Chẳng là vào tháng 9-2006, khi được mời dự trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Mỹ Khê (Đà Nẵng) và tham dự tọa đàm “Làm thế nào để viết hay về chiến tranh cách mạng”, tôi đã nói rất thật, là so với cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc thì những tác phẩm văn học viết về chiến tranh vẫn chưa xứng tầm. Nói có sách, mách có chứng, tôi lao vào viết Tiếng chuông chiều ngay tại trại, cũng là một cách để “trả nợ”. Viết xong, đưa cho nhà văn Sương Nguyệt Minh đọc. Nhà văn Sương Nguyệt Minh nói: “Ông phát hiện điều rất mới trong cách nhìn về chiến tranh, nhưng giá như viết ám ảnh hơn, lung linh hơn thì truyện sẽ rất hay”. Sau đó, tôi về viết thêm 500 chữ nữa, rồi gửi ra. Khi nghe tin đạt giải nhì, nói thật là tôi hơi ngạc nhiên, vì cuộc thi này có tới hơn 2.000 truyện tham gia, có nhà văn đã gửi tới vài truyện...

* Nói về truyện ngắn, thời gian gần đây, anh viết khỏe, in “hơi bị” nhiều. Nhưng người đọc vẫn có cảm giác, anh viết còn tùy hứng?

- Đúng là tôi viết tùy hứng. Khi hứng lên, tôi viết rất hăng, có tháng viết được 5 truyện; lại có khi, viết đồng thời 2, 3 truyện một lúc. Đó là từ sau tháng 2-2006, khi Những thời gian hoang phế được báo Văn nghệ in. Mừng vì thấy mình được chấp nhận, tôi quyết định dừng hẳn cuốn tiểu thuyết đang viết dở lại, lao vào truyện ngắn. Viết được truyện nào là gửi, Ngưu hoàng, rồi Một ngón tay nho nhỏ... Tính ra, từ tháng 4-2006 đến giờ, tôi viết được 17 truyện ngắn. Thật ra, lúc trước, ngay những lúc đi làm việc này, việc nọ, tôi cũng suy nghĩ về truyện, nhưng khi có hứng, tôi mới viết hăng. Nói thật, tôi đâu phải là nhà văn lớn để mà viết không cần biết đến ai. 

* Anh vừa nói đến một cuốn tiểu thuyết, đó là cuốn tiểu thuyết gì? Anh có định tiếp tục trở lại và ra thêm những đầu sách mới trong năm 2007 này?

- Đó là tiểu thuyết Dòng sông vĩnh cửu, cũng viết về đề tài chiến tranh - mảng đề tài mà tôi nung nấu từ bao nhiêu năm nay. Tôi bắt đầu viết cuốn sách này từ tháng 3-2005, nhưng mới được hơn một nửa thì dừng lại. Tôi xem cuốn tiểu thuyết này mới là sự nghiệp quan trọng nhất của đời viết, nên tất nhiên tôi sẽ trở lại. Còn chuyện in sách thì NXB Quân đội Nhân dân đã gọi vào, đề nghị gửi bản thảo tập truyện ngắn ra. Khoảng hơn một tháng nữa, sau khi trao giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội, tôi sẽ gửi các truyện ngắn đã hoàn thành trong thời gian vừa rồi, in thành một tập.

* Thuộc thế hệ không trực tiếp cầm súng, nhưng có vẻ, anh “kết” đề tài chiến tranh?

- Như tôi đã nói, cuộc chiến dân tộc mình quá vĩ đại. Tôi khao khát viết về cuộc chiến tranh vĩ đại ấy. Tất nhiên, khao khát là một chuyện, còn viết được hay không còn do khả năng của mình nữa. Không trực tiếp cầm súng, tôi chỉ quan sát, đọc, lắng nghe, suy nghiệm và tưởng tượng về cuộc chiến. Đương nhiên, khi viết thì phải tìm rất nhiều tư liệu. Mấy chục năm nay, tôi đã lặng lẽ gom góp, sưu tầm, nghe nhiều, đọc nhiều...

* Từ  Mỗi tháng có một rằm, qua Những thời gian hoang phế (tên hai tập truyện ngắn của Lê Hoài Lương), có vẻ, anh là một trong số cây bút Bình Định có nhiều tìm tòi, đổi mới trong cách viết. Với anh, đổi mới là một nhu cầu tự thân hay đòi hỏi từ độc giả?

- Mỗi tháng có một rằm thì quả dễ đọc hơn, nhưng nếu chỉ dừng ở đó, thì cả nửa thế kỷ qua, người ta đã viết vậy rồi. Đặc biệt, với tôi, cách viết chỉ là phụ, còn tư duy nghệ thuật mới là quan trọng hơn. Tôi không nghĩ mình là nô lệ của chủ nghĩa hình thức, nhưng nếu không tìm ra cách viết phù hợp với từng đề tài, tư duy nghệ thuật mãi không thay đổi, thì anh còn cầm bút mãi để làm gì? Bởi vậy, trong cùng một khoảng thời gian, có truyện, tôi viết lối hậu hiện đại, nhưng có truyện lại quay về cách viết truyền thống. Ngay như Tiếng chuông chiều, theo tôi, cái được là ở cách nhìn mới về chiến tranh chứ không phải ở cách viết. Với bạn đọc cũng vậy, tôi không nô lệ vào độc giả, nhưng phải quan tâm đến bạn đọc. Tác phẩm chỉ thành tác phẩm đúng nghĩa sau khi được công bố. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được những hồi âm từ bạn đọc và lấy đó làm hạnh phúc. Và khi có bạn đọc nào chê, thì mình cũng buồn chứ.

* Xin cảm ơn anh.

  • Lê Viết Thọ(thực hiện)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hai vở diễn mới của sân khấu truyền thống  (16/01/2007)
BTV đoạt ba giải bạc  (15/01/2007)
Song kiếm đệ nhất miền Trung  (14/01/2007)
Ca sĩ Quang Dũng: Tôi rất thích nhìn vào mắt Jennifer  (12/01/2007)
Dựng đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân  (12/01/2007)
Đây nguồn cảm hứng của thi ca  (12/01/2007)
Quang Dũng “chết” vì cặp mắt của Jennifer Phạm  (11/01/2007)
61 đơn vị tác phẩm tham dự Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu lần thứ III  (11/01/2007)
Một tòa thành cổ đang bị lãng quên  (09/01/2007)
Thông điệp từ những khoảnh khắc bình dị  (09/01/2007)
Phút dừng chân bên đường của Phạm Hoài An và Chung sức của Võ Chí Hà cùng đoạt giải Nhì  (08/01/2007)
Chung khảo cuộc thi sáng tác văn học dành cho thiếu nhi   (07/01/2007)
“Bác sĩ” của cổ vật   (05/01/2007)
Hai tác giả Bình Định đoạt giải trong cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2005-2006  (04/01/2007)
Những ấn tượng từ Duyên dáng Việt Nam 16  (04/01/2007)