Nằm khiêm tốn trên một con đường lớn của TP Quy Nhơn, thoạt nhìn, Xuân Phát (768 Trần Hưng Đạo) giống như bao tiệm bán gốm sứ bình thường khác. Nhưng khi đã bước chân vào, ta “lạc” vào thế giới đầy màu sắc, phong phú và đa dạng của gốm Việt…
|
Ông chủ Thái Sơn Hà đang kiểm tra hàng gốm mới nhập về. Ảnh: Hoài Thu
|
Vốn là người làm trong ngành du lịch, anh Thái Sơn Hà (chủ tiệm Xuân Phát) có cơ hội đến nhiều khu du lịch lớn. Ở đấy, gốm được dùng làm vật dụng trang trí rất đẹp. Cảm nhận được vẻ đẹp thô mộc, chất phác mà quyến rũ của gốm Việt, năm 2002, anh Hà quyết định mở tiệm bán đồ gốm Xuân Phát ngay tại nhà mình. Mục đích chính của anh Hà là cung cấp cho người dân Quy Nhơn một mặt hàng vốn rất hiếm khi đó: gốm mỹ nghệ. Tuy nhiên, thời gian đầu, việc buôn bán quả thật không dễ dàng. “Suốt hai năm trời, tôi hầu như chỉ ngồi… chơi, bởi hàng bán được rất ít. Nguồn thu chủ yếu chỉ trông vào việc bán chậu kiểng. Nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì cửa tiệm, bởi với tôi, gốm mỹ nghệ đã thành một niềm đam mê” - anh Hà nhớ lại.
Vài năm gần đây, khi mà số người bị “hút hồn” bởi gốm mỹ nghệ ngày thêm nhiều, công việc làm ăn của anh Hà tiến triển tốt. Các mặt hàng gốm mua về ngày thêm phong phú. Hiện tại, sản phẩm của các làng gốm Việt danh tiếng như: gốm Bát Tràng (Hà Nội), Phù Lãng (Bắc Ninh), Bàu Trúc (Ninh Thuận) và gốm Bình Dương, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đều đã có mặt tại Xuân Phát. Đến tiệm Xuân Phát, chúng ta sẽ thấy “choáng ngợp” trước những mặt hàng gốm đa dạng ở đây. Từ nhà trước đến nhà sau, rồi trên lầu, đâu đâu cũng... gốm. Ngay chủ nhân cũng thừa nhận là mình không biết đích xác có tất cả bao nhiêu mặt hàng, bởi chỉ riêng gốm Mỹ Sơn thôi cũng đã lên đến vài trăm mặt hàng. Trong đó, có những mặt hàng rất độc đáo như các loại phù điêu Chăm gốm Mỹ Sơn, tượng Chăm gốm Bàu Trúc, tranh gốm Phù Lãng…
Anh Hà nói: “Mỗi loại gốm đều có một vẻ đẹp riêng. Bản chất của gốm Phù Lãng là có độ kết chặt nên rất bền và tốt, nhiều màu sắc. Gốm Bàu Trúc thì có hỏa biến rất huyền ảo trên da gốm nhờ kỹ thuật nung rơm, hong gió rất truyền thống của người Chăm. Vậy nhưng, theo quan sát của tôi, khách hàng thích gốm Mỹ Sơn hơn cả, bởi loại gốm này vừa nhẹ, vừa có màu đỏ đất nguyên sơ”.
Không chỉ người Quy Nhơn, mà người yêu gốm ở các huyện trong tỉnh, thậm chí từ các tỉnh bạn như Gia Lai, Phú Yên… cũng tìm đến Xuân Phát để mua gốm về trang trí nhà cửa, quán cà phê… Giá của mỗi sản phẩm gốm ở đây cũng tương đối nhẹ, dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đắt nhất là gốm Phù Lãng, một bức tranh gốm Phù Lãng loại 0,7m x 1m có giá 1,2 triệu đồng; còn tượng người (gốm Bình Dương) cao đến 1,7m, thì có giá 1,5 triệu đồng.
Anh Hà tâm sự: “Nghĩ cũng buồn, trong khi các dòng gốm ở các địa phương khác ăn nên làm ra, thì tại Bình Định cũng có làng nghề truyền thống về gốm, nhưng tận bây giờ vẫn chưa sản xuất ra được sản phẩm gốm mỹ nghệ nào. Trong tương lai, mong muốn của tôi là khi có điều kiện, sẽ hợp tác với một lò gốm để sản xuất hàng theo nhu cầu của khách”.
|