* Thân tặng vợ và bạn bè
Anh ngồi đó, nhìn chị nằm trên giường bệnh mà lòng thắt quặn đau. Căn bệnh “suy thận mạn" đã cướp hết bao sinh lực chị. Từ một phụ nữ đang độ sung mãn nhất của tuổi 40, một con người ưa hoạt động, chị đành bất lực ngồi nhìn chồng con lo lắng cho bản thân mình. Chị đã đi hết Quy Nhơn đến Sài Gòn, nhưng bác sĩ bảo: “Trời kêu ai nấy dạ”. Hiện tại, khoa học chưa thể phát minh ra loại thuốc nào có thể phục hồi cho căn bệnh của chị. Có chăng, chỉ là duy trì sự sống của một con người. Chị hiểu điều đó, nên có lúc chị muốn buông xuôi cho số phận...
Mới năm ngoái đây thôi, khi cuốn truyện của chị vừa in xong, chị hồ hởi khoe với anh: “Họ còn đặt hàng cho em hai cuốn nữa đấy! Em cố gắng xong công việc cơ quan, tranh thủ viết dăm truyện nữa là đủ một cuốn. Anh giúp em việc nhà nhé!”. Anh mỉm cười gật đầu: “Để đó anh lo. Ngày trước, khi yêu nhau anh đã hứa rồi mà”. Chị miệt mài thâu đêm để hoàn thành những trang bản thảo. Công việc đang tiến triển thì chị ngã bệnh. Mọi cố gắng đều như vô vọng, chị suy sụp. Vốn tính con người ưa lo xa, từ việc nhà đến việc cơ quan, cái gì chưa làm xong là chị ray rứt khó chịu. Có lúc, anh mắng yêu chị: “Trên cuộc đời này, làm như không có em là trái đất ngừng quay chắc”. Chị lườm yêu anh: “Trái đất thì không ngừng quay, nhưng cha con anh cái bao tử sẽ ngừng quay đấy!”.
Chị lo cho từng bữa ăn giấc ngủ cho cả gia đình. Món nào cha con anh khen ngon là chị không bao giờ đụng đũa. Ép lắm, chị bảo: “Em no rồi”, thế là xong. Nhớ lúc mới sinh thằng con đầu, giữa buổi giao thoa giữa thời bao cấp và đổi mới, đồng lương của anh quá ít, chị vẫn ao ước : “Giá như, lương tháng anh được chừng 30 kg gạo thì nhà mình tạm đủ, anh nhỉ!”. Nói thế nhưng chị không buồn. Chị thức khuya dậy sớm với đàn heo và một lò bánh tráng, tần tảo vun vén. Chị không dám may một chiếc áo mới, mua một chiếc nón lá đẹp. Chị cho đó là một sự hoang phí không cần thiết. Anh có nhắc thì chị bảo: “Em đủ mặc rồi mà!”. Bằng sự nổ lực của bản thân, bằng sự khéo léo của chị, kinh tế gia đình rồi cũng được cải thiện. Lúc đó, anh bảo chị: “Em đi học đi! Hãy thực hiện ước mơ mà em từng ao ước”. “Em đi học ở nhà ai lo cho mấy cha con. Với lại mười năm rồi không đụng đến sách vở “- chị nói. Anh động viên chị: “Vợ anh thông minh chăm chỉ, cái gì cũng làm được mà”.
Ra trường, ngoài ngày hai buổi lên lớp và soạn bài, chị bắt đầu bập bõm với những trang viết. Những đêm khuya, gió mùa đông bắc tràn về, khí hậu miền núi không dễ chịu chút nào, nhưng ngọn đèn le lói vẫn âm thầm bên trang viết của chị. Chị thường bảo: “Học sinh của em nghèo lắm, đến cái áo trắng không có mà mặc”. Chị viết về nỗi bất hạnh của những học trò nghèo, chị rưng rưng nước mắt trên trang viết khi thể hiện hình ảnh một học trò đói lả khi đến trường mà không có chén cơm lưng bụng. Chị góp nhặt những nhân vật đời thường của đám học trò lam lũ nhưng chan chứa nghĩa thầy trò. Anh thường bảo: “Văn của em buồn lắm!”. Chị gật đầu xác nhận.
Hai giờ sáng, anh vẫn còn ngồi đó, nhìn chị khó nhọc trong từng hơi thở. Vợ đau, anh tất bật ngược xuôi, hết Đông y rồi Tây y nhưng đành bất lực. Anh biết rồi đây mình sẽ đối mặt với sự thật mà anh chưa từng dám nghĩ tới. Ngày thường, anh vô tâm, lương tháng về đưa vợ, coi như hoàn thành nhiệm vụ. Anh thường bảo với bạn bè: “Nhà mình có quản gia trên cả tuyệt vời nên khỏi cần lo lắng”. Đến cơ quan anh vui vẻ với bạn bè và công việc, về nhà mọi cái đều ngăn nắp nhờ bàn tay người vợ. Nhà anh đầy ắp tiếng cười. Ba đứa con chăm ngoan, học giỏi. Thế là đủ. Với anh, tiền bạc là phù du. Cuộc sống anh vốn đơn giản, không so đo tính toán, nên lúc nào cũng thanh thản. Anh dồn tâm lo cho ba đứa con. Anh bảo: “Các con gắng học để làm những việc ba chưa làm được” . Nghe lời ba, chúng ngoan ngoãn học hành. Năm ngoái, thằng lớn đậu đại học kiến trúc, anh tự hào khoe với chúng bạn: “Các cậu chuẩn bị tiền bạc đi, năm năm nữa xây nhà tớ sẽ giúp mà không cần thiết kế phí”.
Đùng một cái, chị ngã bệnh. Không có sự chuẩn bị trước, mà làm gì có chuẩn bị cho cái xui xẻo ấy. Anh thất thần chạy ngược chạy xuôi. Đồng lương công chức vợ chồng đắp đủ qua ngày. Anh mượn tạm bạn bè, anh em, lo cho chị. Nhà cửa thiếu trước hụt sau. Nhất là khi đứa con gái thứ hai nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học. Có người bảo: “Con gái học làm gì cho cao, ở nhà chăm lo cho mẹ”. Anh lại nghĩ: “Đời mình may mắn học trung cấp, giờ làm công chức Nhà nước. Cái mơ ước mặc chiếc áo sinh viên vào cổng trường đại học ngày xưa sao mà vời vợi. Nhưng hồi đó, gia cảnh anh quá nghèo. Còn giờ không lẽ để con thất học”. Anh động viên chị, động viên con cố gắng. Đối với người thân, trước kia nhà anh cánh cửa luôn rộng mở. Giờ hoạn nạn khó khăn, có người lại ngoảnh mặt quay lưng. Anh hụt hẫng. Nhưng chính lúc đó, bạn bè đã đến với anh bằng cả tấm lòng, giúp anh vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần để lo cho chị. Những lo lắng, trăn trở thâu đêm, suy nghĩ về cuộc đời, về tình người, cộng với sự mất ngủ, làm cho anh gầy sọp. Anh sợ, nỗi sợ bâng quơ mà hiện hữu trước mắt. Sợ nhất là khi đối diện với chính mình trong ngôi nhà hoang vắng. Sợ cái mùa đông lạnh lẽo với những cơn gió gào thét trong màn đêm tĩnh mịch. Chị lại trở mình, rên rĩ, cắt ngang dòng suy nghĩ của anh…
Ngoài kia, gió mùa đông bắc vẫn tràn về, gió thốc ùa qua khung cửa sổ. Anh rùng mình “Tháng Chạp mùa này rét thật!. Nhưng cái rét của thời tiết không đáng sợ bằng cái rét lòng người” - anh nghĩ thế …
Bệnh viện Quy Nhơn ngày 18-1-2007
|