Trong quá trình tác nghiệp, lao động sáng tạo, đôi khi các nhà văn, nhà báo cũng có những câu thơ “Bút tre” hiện đại dạng Folklo để mà chọc nhau, mà thư giãn, mà vui vẻ mỗi khi quá căng thẳng. Nhân dịp tết đến xuân về, tôi xin cung cấp một số câu thơ dạng “Folklorists” để mời bạn đọc cùng thư giãn với dân viết lách...
|
Bạn đọc tham quan Hội Báo Xuân Đinh Hợi - 2007 tại Thư viện tỉnh. Ảnh: Văn Lưu
|
Có một gã phóng viên truyền hình một hôm đến cơ quan cứ tủm tỉm cười một cách rất... khả nghi. Khả nghi hơn nữa khi lâu lâu lại thấy gã chúm tay lại... vê vê như đang... vắt bột làm bánh. Anh em, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ, xúm vào truy. Truy mãi, lão đành thú nhận bằng cách đọc mấy câu thơ sau:
Nghĩ mình phận chẳng ra gì
Vợ thì đời cũ, ti vi đời đầu
Ti vi thì có hai râu
Vợ mình xoay mãi mà mầu chẳng lên
Tức mình chạy sang nhà bên
Vừa đụng vào núm mầu lên ầm ầm
Ra về lòng cứ nhủ thầm
Ước gì lại được dùng... nhầm ti vi.
Hô hô hô, ha ha ha, hi hi hi... những trận cười sảng khoái nổi lên. Các đồng nghiệp nữ đấm lưng thùm thụp “mấy ông quỷ sứ”. Có một anh chàng Cameraman đang yêu một phóng viên tập sự của tờ báo tỉnh đứng gần đấy cũng đang cười ngặt nghẽo được ông trưởng phòng đọc tặng tiếp mấy câu sau:
Ai ơi đừng lấy phóng viên
Đêm nào nó cũng bắt biên tập bài
Bài thì vừa rối vừa dài
Đăng không được, gửi báo ngoài thì đau.
Anh chàng ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì cả. Mới yêu nhau thôi, phải sau tết này mới cưới thì “bài vở” đâu mà “biên tập”.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định là một trường hợp đặc biệt ở nước ta trong việc hai vợ chồng đều là nhà văn, nhà báo. Vợ anh là nhà văn Trần Thị Huyền Trang, theo nhà văn Dạ Ngân “bật mí” thì năm nay chị có tập thơ suýt vào giải cùng với “Thương lượng với thời gian”. Chị có “kỷ niệm sâu sắc” với tôi là có lần được báo Văn Nghệ Trẻ chuyển... hộ khẩu về nhà tôi, sau đấy báo phải “Nói lại cho rõ” rằng chị vẫn là vợ nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, bạn thân của tôi. Nguyễn Thanh Mừng thi sĩ là người hoạt và hóm, đặc biệt, anh ứng khẩu bằng thơ “Bút tre Folklorists” rất tài.
Tôi có dự một đêm giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam với sinh viên Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Cả hai vợ chồng anh được mời lên một lúc để giao lưu. Giao lưu một đỗi, có một em sinh viên rất đẹp, tóc dài đến tận khoeo chân, đứng lên rụt rè hỏi: Dạ thưa, cháu hỏi khí không phải, thế nhà thơ... chồng có sợ nhà thơ... vợ không? Ngay lập tức anh trả lời:
Mỗi ngày sợ vợ một lần
Sợ rồi mới biết phải cần... sợ thêm
Sợ ngày rồi lại sợ đêm
Sợ xanh đôi mắt, sợ mềm đôi chân...
Tiếng vỗ tay vang dội hội trường. Sau một hồi biểu diễn kiểu cười có-một-không-hai, không-thể-bắt-chước-được kéo dài gần năm phút, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đọc tiếp:
Đời trai tóm lại chỉ cần
Tháng sợ vợ ba chục lần... nhân hai.
Trời ơi là trời, đến thế nữa là cùng. Cũng là nhà thơ, tôi... tự ái đùng đùng, bởi nghĩ cho cùng, tay nào mà chả... sợ vợ, thế thì tại sao lại chường ra cho thiên hạ biết, đặc biệt là các “cháu” sinh viên xinh đẹp, trong trắng thế kia. Chưa hết, sau đấy, câu chuyện này và bài thơ “tự tố” kia được in ở báo Tuổi Trẻ... cười, trong mục “tổ chim câu”. Nghe nói Nguyễn Thanh Mừng nhận được mấy trăm nhuận bút. Có hai nhà thơ ở TP.HCM đã nhắn tin vào máy di động cho anh như sau:
Ông anh thiệt đến là tài
Sợ vợ cũng được báo đài tung hô.
Và:
Nhà thơ sợ đấng phu nhân
Cho nên chụp mũ toàn phần đàn ông.
Các nhà thơ vốn dĩ không rành lắm về điện thoại di động. Nhiều ông nhìn thấy nó là... khiếp. Thế nhưng thời gian gần đây nhiều bác rất thích nhắn tin qua di động bằng thơ. Tôi sưu tập để riêng một file trong máy vi tính, thỉnh thoảng buồn, lôi ra xem, nhiều tin vừa đọc vừa cười. Chuyện dưới đây là ví dụ:
Hội nghị nhà văn trẻ tổ chức ở Hội An năm rồi có “mốt” các nhà văn nữ mặc áo hai dây, hở ra nhiều... thứ, bèn có thơ ngay trong hội nghị và nhắn vào điện thoại di động rằng:
Phòng họp hay là... chốn ấy đây
Áo đâu chả thấy, chỉ thấy... dây
Ơ kìa văn trẻ mà vui nhỉ
Họp no con mắt, sướng con... tay.
Bốn câu này được công bố kèm trên một tờ báo về hội nghị sau đó. Bài báo này được một trang web post lên. Và ngay lập tức có mấy câu thơ cũng gửi qua tin nhắn điện thoại:
Bia ở Hội An hay ở đây
Hai bài đăng báo áo không dây
Lại còn lên mạng lên mung nữa
Mai mốt đếm tiền mỏi con... tay...
Ở trại viết Nha Trang do Chi hội Nhà văn Công an và Báo Công an Nhân dân tổ chức cuối năm 2006, có 18 người ở “nội trú” thì đến 14 bác từ sồn sồn đến... đại lão, tức tuổi từ 60 đến 80. Thế mà đến ngày bế mạc thấy rất nhiều các bác nhà văn bồn chồn ra chiều lưu luyến. Có bác mặt rất bí hiểm. Có bác gắt ngậu xị. Có bác thở dài thườn thượt. Có bác lẩm bẩm: Ở nhà sáng tác, thích hơn ở nhà…
Có người làm một bài thơ vui, có mấy câu cuối thế này, xin chép ra để kết thúc bài viết vui này, và xin hẹn bạn đọc, nếu có điều kiện, tôi lại xin cung cấp thêm rất nhiều những câu chuyện vui hơn nữa:
Con đường ơi hỡi con đường
Đưa ta về chốn đoạn trường vừa... xa
Tạm biệt Mai, Thủy, Hạ, Hoa (*)...
Ta đành về, vợ già ta đang chờ...
(*) Tên các nữ nhà văn, nhà thơ xinh đẹp ở Khánh Hòa. |