ĐI ĐÂU
TP QUY NHƠN
Dạ hội giao thừa (Quảng trường Trung tâm Thương mại Quy Nhơn) từ 21 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút đêm giao thừa (ngày 16-2-2007), với các tiết mục múa lân, biểu diễn trống trận Quang Trung và chương trình “Hát cùng mùa xuân” (từ 22 giờ đến 23 giờ 30) với 14 tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như hát múa Trống hội mừng xuân, múa trình tường Chúc thọ đầu xuân, múa Sắc bùa, biểu diễn võ thuật... Đồng thời, trước thời khắc giao thừa, sẽ tổ chức bắn pháo hoa trong vòng 15 phút tại 2 địa điểm: Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn và cầu Thị Nại.
“Đêm hội tháp Đôi” diễn ra vào lúc 19 giờ 30 mùng 2 Tết (ngày 18-2) dưới chân di tích tháp Đôi. “Đêm hội tháp Đôi” sẽ gồm 11 tiết mục hát, múa đậm nét Chăm, như múa Chàm Rông, Huyền thoại tháp Đôi, Katê mùa xuân tình yêu cùng nhiều tiết mục hát múa đặc sắc khác.
Biểu diễn hát Bội truyền thống tại Quảng trường Tượng đài Chiến thắng và Hội thi múa lân truyền thống, kết hợp biểu diễn văn nghệ, võ thuật tại Quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn từ 19 giờ 30 tối mùng 3 và 4 Tết (19 và 20-2). Ngoài ra, từ mùng 1 đến mùng 6 Tết, hằng đêm sẽ tổ chức khiêu vũ tại Nhà Văn hóa và Nhà Thiếu nhi Quy Nhơn.
Các trò chơi dành cho thiếu nhi như phao, đảo, đu quay, tàu lửa, thú nhún... sẽ diễn ra từ ngày 29 Tết đến mùng 10 Tết (từ 16 đến 26-2) tại chân cầu số I (phía Bắc sông Hà Thanh).
|
Đi hội Chợ Gò, mua trầu cau lấy may đầu năm là một phong tục đẹp. Ảnh: V.T |
HUYỆN TUY PHƯỚC
Lễ hội Chợ Gò diễn ra từ 6 giờ sáng mùng 1 Tết tại Trường Úc - thị trấn Tuy Phước. Đi hội, ngoài để chịu tuổi, thưởng hơi xuân và mua chút trầu cau lấy may đầu năm, ta còn có thể thưởng thức chương trình ca nhạc, múa lân và tham gia các trò chơi dân gian: nhảy bao bố chuyền bóng, bụm nước đổ vào chai, cướp cờ nhanh.
Hội đua thuyền trên sông Gò Bồi vào 14 giờ chiều mùng 2 Tết, với 4 đơn vị tham gia: Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Thuận, Phước Sơn. Nội dung đua tài gồm có: bơi sõng câu bằng dầm, chống sõng câu bằng sào (mỗi đơn vị 2 sõng câu, cự ly 800 mét) và đua thuyền tập thể (đội thuyền rồng 12 người).
Thi đấu võ thuật tại xã Phước Nghĩa (tối mùng 4 đến mùng 5 Tết) và Trung tâm TDTT Hà Thanh (tối mùng 8 đến 9 Tết), với sự tham gia của các võ đường ở Tuy Phước và các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
HUYỆN PHÙ MỸ
Giải đua thuyền tại đầm Trà Ổ (xã Mỹ Châu) sẽ diễn ra vào sáng mùng 2 Tết với 4 xã tham gia: Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Châu. Mỗi đơn vị sẽ tham gia thi đấu 2 đội thuyền ( đội nam và đội nữ).
Lễ hội kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu vào mùng 5 Tết. Ngoài phần lễ, còn có nhiều hoạt động thể thao như thi đấu bóng chuyền; các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, xe đạp chậm...
HUYỆN HOÀI NHƠN
Hội xuân và chợ hoa, trưng bày triển lãm ảnh, phòng đọc báo Xuân tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện. Trong những ngày Tết sẽ tổ chức các hoạt động vui chơi mang đậm sắc thái văn hóa dân gian như chơi cổ nhơn, lô tô.
Các di tích mở cửa đón khách tham quan: Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (Tam Quan Nam) và di tích đền thờ Đào Duy Từ (Hoài Thanh Tây). Các xã, thị trấn trong huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động TDTT phù hợp trong ngày Tết: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, đua thuyền, lắc thúng...
Lễ kỷ niệm 42 năm chiến thắng đồi Mười tại đồi Mười (Hoài Châu Bắc) vào mùng 4 và mùng 5 Tết với lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT như: chạy việt dã vượt đồi Mười, triển lãm ảnh...
HUYỆN HOÀI ÂN
Hội hoa xuân tại Trung tâm huyện từ 25 đến 29 tháng Chạp năm Bính Tuất. Mở cửa Đền thờ Tăng Bạt Hổ đón khách trong dịp Tết.
Điểm vui xuân tại Nhà văn hóa huyện với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và trò chơi dân gian từ mùng 1 đến mùng 4 Tết.
Các hoạt động thể thao: Thi đấu võ thuật vào tối mùng 4 Tết. Giải cờ tướng truyền thống từ mùng 8 đến mùng 10 Tết cho hai lứa tuổi.
HUYỆN TÂY SƠN
Lễ hội kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùng 4 và mùng 5 Tết tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong). Du khách đến với Bảo tàng Quang Trung trong dịp lễ hội năm nay, sẽ được tham quan Nhà rông Bana vừa hoàn thành, do UBND tỉnh Gia Lai tặng tỉnh Bình Định.
Thi đấu võ cổ truyền (nội dung đối kháng) liên tỉnh được tổ chức hằng đêm từ mùng 4 đến mùng 6 Tết tại Sân vận động huyện.
XEM GÌ
Ba bộ phim truyện nhựa do Việt Nam sản xuất sẽ được trình chiếu tại Rạp 31-3 Quy Nhơn Tết này là Võ lâm truyền kỳ, Trai nhảy và Chuông reo là bắn. Trong đó, Võ lâm truyền kỳ có đề tài nói về tác động của game online đối với giới trẻ. Điểm nổi bật của phim là những pha hành động được thể hiện công phu, hoành tráng. Lần đầu tiên trong phim Việt Nam có những “cuộc chiến trên không” dài 3-4 phút; cộng với diễn xuất của các danh hài: Hoài Linh, Tấn Beo, Cát Phượng, Minh Béo... cùng sự xuất hiện của Chi Bảo, Kim Thư, Thanh Thảo, Vũ Thu Phương, Đan Trường.
|
Chi Bảo, Kim Thư, Đan Trường - ba diễn viên chính trong phim “Võ lâm truyền kỳ”. Ảnh: www.phuocsang.com
|
Đoàn Ca kịch Bài chòi và Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ ra quân, lên đường biểu diễn phục vụ nhân dân ngay từ mùng 2 Tết. Trong đó, Đoàn Ca kịch Bài chòi sẽ phục vụ tại các huyện phía Bắc tỉnh như Hoài Nhơn, Phù Mỹ với các vở mới dàn dựng năm 2006 như Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lời ru hai người mẹ và một chương trình hát múa, tấu hài đặc sắc. Trong khi đó, hành trang lên đường Tết này của Nhà hát Tuồng Đào Tấn sẽ có các vở mới được dàn dựng là Phạm Công - Cúc Hoa, Ngũ Hổ Bình Liêu. Nhà hát sẽ biểu diễn phục vụ nhân dân tại TP Quy Nhơn vào các đêm từ mùng 2 đến mùng 4 Tết; sau đó sẽ hành quân lên An Khê (Gia Lai), huyện Tây Sơn và về huyện An Nhơn.
|