Rộn ràng hội Xuân
7:59', 22/2/ 2007 (GMT+7)

Trong không khí náo nức, rộn ràng của một mùa xuân mới đã về trên quê hương Bình Định, mời bạn cùng P.V Báo Bình Định dạo trên những nẻo đường xuân quê hương và đắm vào không khí rộn ràng của những ngày hội, lễ hội đầu xuân...

 

Múa lân tại Lễ hội chợ Gò. Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

* Quy Nhơn: tưng bừng đêm hội giao thừa

Thời tiết đêm giao niên tại Quy Nhơn năm nay thật đẹp. Những làn gió biển thổi vào đêm cuối năm làn hơi trong lành, khiến cho dòng người đi dạo trên đại lộ Nguyễn Tất Thành trở nên đông đảo. 21 giờ 30 phút, tại Quảng trường trước Trung Tâm Thương mại Quy Nhơn, chương trình Dạ hội giao thừa đón xuân Đinh Hợi bắt đầu với phần Hội lân mừng xuân. Tiếng trống lân vừa dứt, trống trận Tây Sơn đã vang lên, như thôi thúc, thúc giục lòng người. Tưởng như, thoảng trong hơi ấm nồng nàn mùa xuân, có tiếng vó ngựa đoàn quân Tây Sơn oai hùng năm nào... Đỉnh điểm trong đêm hội giao thừa là màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời Quy Nhơn tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn và cầu Thị Nại. Trong dòng người đông đảo đón xuân mới trên cầu Thị Nại, không khó để nhận thấy những khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc của người dân các xã bán đảo khi được tận mắt chứng kiến pháo hoa trong đêm giao thừa.

* Đêm hội dưới chân tháp cổ

Đã gần chục năm nay, cứ đến mùng 2 Tết, những người yêu mến nghệ thuật háo hức chờ đón “Đêm hội tháp Đôi”. Năm nay, mới 19 giờ, khuôn viên di tích tháp Đôi tuy đã được mở rộng so với trước, nhưng cũng nhanh chóng trở nên chật trước dòng người kéo đến xem hội. 19 giờ 30 phút, đêm hội khai mạc bằng tiết mục múa Song lân trình tường (Nhà hát Tuồng Đào Tấn) như một lời chúc an khang thịnh vượng gởi đến người xem.

So với các năm trước, chương trình năm nay đầy đặn hơn, với nhiều tiết mục có chất lượng nghệ thuật cao. Các tiết mục hát - múa như đưa người xem lạc vào một không gian văn hóa Chăm trên nền tháp Đôi huyền ảo. Đặc biệt là tiết mục múa Huyền thoại tháp đôi do Hoàng Việt biên đạo dựa trên sự tích tháp Đôi. Đó là chuyện một đôi trai gái yêu nhau và khi chết, hóa thành hai ngọn tháp nằm bên nhau. Hoàng Việt bỏ công nghiên cứu các động tác múa trên những phù điêu tháp, sáng tạo nên những động tác múa phù hợp. Đêm hội còn trở nên rất sinh động với ở phần thi thơ nhanh về đề tài tháp Đôi.

Anh Nguyễn Văn Tín, một du khách ở Sài Gòn, nhận xét: “Gia đình tôi đến Bình Đình du lịch, được nghe giới thiệu về đêm hội tháp Đôi nên đến xem. Giá như sân khấu biểu diễn đặt gần hai ngọn tháp hơn nữa, thì không gian sẽ huyền hoặc, lôi cuốn hơn. Nhưng nhìn chung, đây là một chương trình đáng xem trong dịp đầu xuân”.

 

Múa “Huyền thoại Tháp Đôi”. Ảnh: Hoài Thu

 

* Tây Sơn: rộn ràng Lễ hội Đống Đa

Chiều 20-2 (mùng 4 Tết), Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức Lễ Kỷ niệm 218 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2007) tại Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn). Sau phần dâng hoa, dâng hương của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu, đông đảo người dân nối đuôi nhau vào thắp hương tại điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt.

Năm nay, du khách đến Bảo tàng Quang Trung ngoài việc được thưởng thức trống trận và xem biểu diễn võ thuật truyền thống, còn có thêm một điểm nữa để tham quan là Nhà rông Ba Na mới được xây dựng. Những màn diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc do đồng bào dân tộc Ba Na đến từ vùng Tây Sơn Thượng đạo biểu diễn tại nhà rông mới xây dựng đã thật sự để lại nhiều ấn tượng đẹp cho du khách đến với Bảo tàng Quang Trung trong lễ hội năm nay. Tối mùng 4 Tết, Sân vận động thị trấn Phú Phong trở nên sôi động với Giải Võ cổ truyền liên tỉnh, có sự tham gia của nhiều võ đường nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Sáng mùng 5 Tết, chuyến xe buýt đầu tiên đến thị trấn Phú Phong đã đông nghẹt khách về dự Lễ hội Đống Đa. Càng về trưa, lượng khách đổ về tham quan Bảo tàng và khu du lịch Hầm Hô càng nhiều. Lượng khách nhiều, khách sạn ít nên các khách sạn tha hồ “móc hầu bao” du khách. Khách sạn Phú Phong nâng giá lên gần gấp đôi (200 ngàn một phòng) nhưng cũng không còn để đáp ứng cho khách.

 

Đông đảo du khách đã đến tham quan Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Hoài Thu

 

* Náo nức Lễ hội chợ Gò

Sáng mùng 1 Tết Đinh Hợi, hàng nghìn người đã đổ về thôn Trường Úc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) để tham gia Lễ hội chợ Gò. Lễ hội chợ Gò là một lễ hội độc đáo, bởi chỉ diễn ra mỗi năm một lần vào ngày mùng một Tết và gắn với câu chuyện dân gian lưu truyền về thời Tây Sơn. Đó là vào mùa xuân năm 1800, hai dũng tướng của nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đã tổ chức hội vui xuân cho quân lính trong ba ngày Tết. Địa điểm được chọn là gò đất nằm sát núi Trường Úc.

Điều khác biệt lớn nhất của chợ Gò so với các phiên chợ khác là ở chỗ, hầu hết những người tham gia mua - bán đều không quan tâm đến chuyện lời lỗ, mà xem đây là dịp để lấy lộc đầu năm và hòa cùng niềm vui xuân với mọi người.

Đến với Lễ hội chợ Gò năm nay, ngay từ sáng sớm, khi màn sương của ngày đầu xuân chưa tan hẳn, khung cảnh người mua, kẻ bán đã trở nên tấp nập. Mặt hàng được bày bán nhiều nhất và cũng được nhiều người mua nhất trong phiên chợ đầu năm là trầu cau, đu đủ, những chùm sung... Có lẽ, do nhiều người cho rằng, đi chợ đầu năm mà mua những thứ này, thì cả năm gia đình sẽ sung túc, may mắn. Bên cạnh đó, năm nay, nhiều mặt hàng như đồ chơi trẻ em, nông sản, thực phẩm cũng phong phú hơn.

Đúng 7 giờ 30 phút, Lễ hội chợ Gò chính thức khai mạc với màn múa lân sôi động. Sau đó, các tiết mục văn nghệ, hài kịch... do Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Tuy Phước thực hiện, góp phần làm cho không khí lễ hội thêm sôi động. Các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố lấy bóng, cướp cờ nhanh thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, tạo nên sự hào hứng với những người dự hội.

Cùng với thời gian, các hoạt động lễ hội có phần thay đổi, nhưng những nét văn hóa độc đáo của lễ hội vẫn được duy trì. Và không những thế, chợ Gò đang dần trở thành một trong những lễ hội có sức thu hút du khách trong những ngày đầu năm. Tuy nhiên, để bảo tồn những giá trị văn hóa lễ hội, cũng như tiến tới nâng tầm lễ hội chợ Gò, những người tổ chức lễ hội cần đưa thêm nhiều hoạt động nghệ thuật truyền thống và các trò chơi dân gian vào chương trình lễ hội.

* Hoài Nhơn, Phù Mỹ: sôi động các giải thể thao

Trong khuôn khổ Lễ hội Kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đồi Mười, tại Hoài Nhơn, đã diễn ra giải Việt dã “Vượt Đồi Mười”. Giải được tổ chức vào sáng qua (21-2) tại xã Hoài Châu Bắc.

 

Biểu diễn múa lân tại Lễ hội kỷ niệm 42 năm chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu. Ảnh: Xuân Lộc

 

Do điều kiện thời tiết buổi sáng không được tốt nên Lễ hội kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Đồi Mười diễn ra chậm hơn gần một giờ so với dự kiến. Mặc dù trời mưa, nhưng đông đảo cán bộ, nhân dân đã đến dự lễ, nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân Hoài Nhơn. Ngay sau phần lễ, Giải Việt dã “Vượt Đồi Mười” đã diễn ra với sự tham gia của 107 VĐV đến từ 18 xã, đơn vị, cơ quan trong toàn huyện. Các VĐV tranh tài ở 2 nội dung: vô địch nam (cự ly 4,5km) và vô địch nữ (2,5km). Trong đó, nội dung nam xuất phát tại thôn Bình Đê và đích đến là Đồi Mười; nội dung nữ xuất phát tại sân vận động Quy Thuận và đích đến là Đồi Mười. Kết quả: xã Hoài Hương đã đoạt giải nhất toàn đoàn; giải nhì thuộc về Trường THPT Nguyễn Trân và giải 3 đã thuộc về xã Tam Quan Bắc.

Cũng trong chiều qua, tại Đèo Nhông (huyện Phù Mỹ) đã diễn ra Lễ hội kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu. Ngay sau buổi lễ, Giải Bóng chuyền huyện Phù Mỹ cũng được tổ chức. Nhiều hoạt động văn hóa- văn nghệ và các trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong dịp này.

  • P.V Văn Hóa - Thể Thao
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đêm đối tửu ba miền  (21/02/2007)
Những khoảnh khắc đón Tết  (17/02/2007)
Nguồn gốc Tết cổ truyền Việt Nam  (16/02/2007)
Tết này: đi đâu, xem gì ?  (15/02/2007)
Góp sắc xuân cho miền núi  (15/02/2007)
Folklo vui về giới nhà văn, nhà báo  (15/02/2007)
Mùa xuân và ngọn nến  (15/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ  (15/02/2007)
Sắc không dáng tượng  (14/02/2007)
Nghĩ về chuyện “giữ lửa”  (14/02/2007)
Hương sắc Tết Hoài Nhơn  (14/02/2007)
QCATV tiếp phát trực tiếp lễ trao giải Oscar  (14/02/2007)
Ngược Bắc, xuôi Nam tìm quý tửu  (14/02/2007)
Tản mạn về tiếng “nẫu”   (13/02/2007)
Hầm Hô đón khách du xuân   (13/02/2007)