Ăn Tết cùng đồng bào H’re
9:34', 22/2/ 2007 (GMT+7)

Sau khi công việc đồng áng đã hoàn tất, thì đồng bào H’re ở An Lão chuẩn bị ăn Tết. Từ tờ mờ sáng, các già làng, cùng các “mí”, các “yên” đi vào rừng, vào các hố nước để tìm tre, lồ ô để làm lạt, tìm lá dong để gói bánh, tìm triêng để uống rượu cần, tìm dây, cây... phục vụ cho trang trí để cúng lễ. Đám con trai làng đến từng thác đá cao để tìm con cá, đem phơi khô để đãi khách trong các ngày Tết.

Người H’re ăn Tết trong 4 ngày. Những ngày ấy, các thế hệ trong gia đình đều mặc trang phục lộng lẫy, gọn gàng, đứng bên thầy Bồ dâu để ước nguyện, khấn vái các thần linh, xua đuổi con ma; cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bước sang năm mới làm ăn khấm khá, tránh bệnh tật, ốm đau...

Người H’re ăn Tết bắt đầu vào đêm 30. Tất cả bà con trong làng gói bánh, nấu bánh rồi cúng bánh. Cúng xong, họ lấy lá bánh đem cắm vào đầu nhà hai bên cửa chính ra vào để báo tin cho mọi người biết là nhà mình đã bắt đầu ăn Tết. Sau đó, họ mới thực hiện các thủ tục lễ nghi trước khi được ăn Tết.

Ngày mồng 1, ngày Tết chính thức, khoảng 4 giờ sáng, đã có tiếng chiêng túc vang xa, giục giã rộn ràng. Bà con lũ lượt kéo đi đến từng nhà để được mời ăn Tết. Đây là dấu hiệu báo trước cho gia đình mình một năm mới “an khang, thịnh vượng”.

Sau khi có lời chào mời đon đả, chúc tụng tíu tít, thì mâm cỗ Tết được bày dọn, mỗi người một suất ăn, có gà luộc, thịt heo luộc, nước canh. Chỉ đĩa muối hạt và bánh lá dong là dùng chung. Vừa ăn, họ vừa trò chuyện thân mật. Ăn xong, mọi người được mời uống rượu cần, trò chuyện. Đám con trai thì chơi Túc Chinh, loại nhạc này gồm có 3 chiếc: chiêng túc, chiêng voòn và chiêng tum. Con gái thì chơi loại nhạc cụ làm bằng cây lồ ô, có 3 ống vỗ vùn vụt. Còn các mí, các yên thì hát ca lêu, ca choi, làm không khí ngày Tết càng thêm rộn ràng. Người H’re ăn Tết luân phiên hết làng này đến làng khác. Sau khi ăn uống no say, vui chơi thỏa thích, mọi người ra về còn được chủ nhà gởi từ 2 đến 5 cặp bánh lá dong làm quà Tết cho gia đình.

Một cái Tết của người H’re thường có từ 5 đến 7 cuộc cúng. Mỗi cuộc cúng đều quan trọng. Chẳng hạn như Tết trâu bò, được cúng vào ngày mùng 3 Tết. Nhà khá giả thì cúng 1 con heo, vài con gà, nhà nghèo hơn thường cúng 5 con gà, cùng với nhiều đôi bánh lá dong. Cúng xong, tất cả thịt heo, thịt gà, rượu, bánh đều bày dọn, khách mời phải ăn hết tại chỗ, tuyệt đối không được mang về nhà.

  • Võ Tấn Hòa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rộn ràng hội Xuân  (22/02/2007)
Đêm đối tửu ba miền  (21/02/2007)
Những khoảnh khắc đón Tết  (17/02/2007)
Nguồn gốc Tết cổ truyền Việt Nam  (16/02/2007)
Tết này: đi đâu, xem gì ?  (15/02/2007)
Góp sắc xuân cho miền núi  (15/02/2007)
Folklo vui về giới nhà văn, nhà báo  (15/02/2007)
Mùa xuân và ngọn nến  (15/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ  (15/02/2007)
Sắc không dáng tượng  (14/02/2007)
Nghĩ về chuyện “giữ lửa”  (14/02/2007)
Hương sắc Tết Hoài Nhơn  (14/02/2007)
QCATV tiếp phát trực tiếp lễ trao giải Oscar  (14/02/2007)
Ngược Bắc, xuôi Nam tìm quý tửu  (14/02/2007)
Tản mạn về tiếng “nẫu”   (13/02/2007)