Đêm tương ngộ
15:30', 22/2/ 2007 (GMT+7)

Mùng 4 Tết Đinh Hợi (20-2-2007), tại Nhà trưng bày gốm cổ Gò Sành (TP Quy Nhơn), diễn ra đêm đối tửu. Cuộc tương ngộ này của danh tửu ba miền, của những người yêu thơ, mến rượu trở nên độc đáo trong một không gian thuần gốm.

 

Mời rượu. Ảnh: V.T

 

Một: rượu làng Vân, vẫn được gọi: Vân hương mỹ tửu, danh trùm xứ Bắc; hai: rượu Gò Đen danh trấn phương Nam và ba, không thể thiếu, kết từ mạch đất quê mình: Bàu Đá. Cả ba danh tửu Bắc Trung Nam hội ngộ trong đêm đối tửu. Lại thêm, hai loại rượu made in... Vĩnh Hảo (chủ nhân nhà trưng bày) sáng chế ra là Quang Trung tửu và đế tửu, ấy chính là rượu Bàu Đá ủ trong hũ Gò Sành - một dòng gốm nổi danh của đất Bình Định xưa.

Nồng nàn và đằm sâu như làng Vân, cay nồng như Bàu Đá và sâu lắng, thâm hậu như Gò Đen - ba danh tửu với ba hương vị đặc trưng. Vậy là đủ cả hương vị ba miền, lắng trong những men gốm cổ Bình Định mang theo dấu ấn của đất, của người xứ Nẫu.

“Uống rượu, đọc thơ và... nhìn vào mắt nhau”- đó là cách nói của MC Đặng Ngọc Khoa (phóng viên Báo Thanh Niên) về những thi vị trong đêm đối tửu. Gọi là “đối tửu”, nghe “oai”, nhưng trừ những ẩm giả thực sự, còn khách đến dự đêm đối tửu, có vẻ lại mê thơ hơn mê rượu. Bởi phần nào, thơ và rượu, hai phẩm vật của “cõi người” ấy, kết với nhau như một thứ duyên khởi. Có thơ là phải có rượu và ngược lại chăng. Bởi vậy, rượu vào, bất luận Gò Đen, Bàu Đá hay làng Vân, thảy đều có... thơ ra. Từ Khổng Vĩnh Nguyên, thi sĩ chân đất, lọc cọc cuốc bộ từ “làng cõng trên lưng ba đèo gió cát” ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát, cách Quy Nhơn non trăm cây số, vào để đọc thơ một lúc tới... chục bài; đến Nguyễn Thanh Mừng lang thang từ Lương Châu Từ của Vương Hàn, qua cả Hồ trường của Nguyễn Bá Trạc, rồi Xuân tha hương Nguyễn Bính; hay Huỳnh Kim Bửu, Thái Tẩu, Mai Khê... Cái giọng đọc thơ rất Nẫu của Khổng Vĩnh Nguyên, làm cho đêm đối tửu thêm hào sảng. Hãy nghe “Anh lên núi Bà lặng lẽ hát tình ca/ Trời đón nhận hồn ta, đất đón nhận thây ta/ Ôi! Lời hát của dân nghèo tụ nghĩa/ Mấy ngàn năm vẫn trụ bám đất cày” (thơ Khổng Vĩnh Nguyên). Bởi vậy, đối tửu mà như đối thơ, mà “đối”, hẳn nhiên là để nhìn vào nhau thật sâu, hơn là để tranh tài cao thấp vậy.

Cũng bởi là một cuộc gặp gỡ, nên đêm đối tửu thêm phần thú vị khi chứng kiến cuộc hội ngộ giữa người bạn của chủ nhân lò gốm Kim Môn xưa, là ông Thái Tẩu, với người kế tục nay là Nguyễn Vĩnh Hảo. Tuổi đã 70, ông Thái Tẩu từ Mỹ về quê ăn Tết, ngang qua nhà trưng bày, gặp đêm đối tửu, ngẫu hứng dừng chân. Không ngờ lại gặp con của người bạn năm xưa. Và đêm đối tửu trở thành đêm tương ngộ. Bên những thân hữu của chủ nhân nhà trưng bày, những người khách qua đường, tò mò cũng dừng bước, ghé chân thưởng lãm. Đó cũng là một sự tương ngộ khác.

Tôi muốn dừng một chút ở đế tửu Gò Sành. Bởi ngay từ đầu buổi đối tửu, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đã nhắc chúng tôi, rằng nhà thơ Nguyễn Duy sau một tháng trời trải nếm đủ loại từ Bàu Đá, làng Vân, rồi Mẫu Sơn… đã kết luận rằng: mỗi xứ có rượu ngon của mình, xứng đưa vào hàng quốc tửu, nhưng "đi khắp thiên hạ rồi chưa thấy loại rượu nào sủi tăm nhiều và vị ngon như rượu Bàu Đá". Trong đêm đối tửu, sự hiện diện của Quang Trung tửu và đế tửu, tức rượu Bàu Đá ủ trong hũ Gò Sành, mang lại cái dư vị rất riêng. Rượu Bàu Đá “Ngần xanh như lửa và như tuyết/ Hay ngàn cánh hạc vỗ tâm can/ Say với kiền khôn cho mãn giấc/ Cõi mơ không có ở ngai vàng” theo như lời thơ Nguyễn Thanh Mừng đọc trong đêm đối tửu, đã quyện với lửa ủ trong men gốm ngàn độ, ngàn năm, đằm và uống vào ngọt ngào, vậy mà chỉ một ly thôi, đã khiến ta tưởng như có ngọn lửa nhỏ đang sưởi ấm cả châu thân.

Những người như kẻ viết bài này, chẳng ẩm giả, chẳng thơ ca, chỉ biết đón vài ba chén uống vội, hết Bàu Đá trảy làng Vân, vào Gò Đen, vào Nam ra Bắc mấy bận, đã thấy lâng lâng trong cõi. Nhấp chút đế tửu, tự dưng thấy nhẹ nhõm khác thường. Này là lửa gốm, này là hoàng hoa, này “thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ” (thơ Quang Dũng)...

  • Nam Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ăn Tết cùng đồng bào H’re  (22/02/2007)
Rộn ràng hội Xuân  (22/02/2007)
Đêm đối tửu ba miền  (21/02/2007)
Những khoảnh khắc đón Tết  (17/02/2007)
Nguồn gốc Tết cổ truyền Việt Nam  (16/02/2007)
Tết này: đi đâu, xem gì ?  (15/02/2007)
Góp sắc xuân cho miền núi  (15/02/2007)
Folklo vui về giới nhà văn, nhà báo  (15/02/2007)
Mùa xuân và ngọn nến  (15/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ  (15/02/2007)
Sắc không dáng tượng  (14/02/2007)
Nghĩ về chuyện “giữ lửa”  (14/02/2007)
Hương sắc Tết Hoài Nhơn  (14/02/2007)
QCATV tiếp phát trực tiếp lễ trao giải Oscar  (14/02/2007)
Ngược Bắc, xuôi Nam tìm quý tửu  (14/02/2007)