Tết vui với xổ Cổ nhơn
7:59', 23/2/ 2007 (GMT+7)

Không biết từ bao giờ, người dân ở thị trấn Bồng Sơn và các xã lân cận như Hoài Tân, Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) đã quen với trò chơi Cổ nhơn trong ngày Tết. Có người mê đến nỗi, dù đang sống xa quê hương, nhưng cũng gọi điện thoại về để... chơi.

 

Nơi bán và luận bàn Cổ nhơn.  Ảnh: Ngọc Oanh

 

* Nét vui ngày xuân

Vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của trò chơi Cổ nhơn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người đem trò chơi Cổ nhơn về phổ biến ở Bồng Sơn là ông Tú Diêu. Và cũng từ mấy chục năm nay, ở Bồng Sơn, trò chơi dân gian mà trí tuệ này đã được duy trì, trở thành một phần không thể thiếu trong không khí ngày xuân.

Ở Bồng Sơn, Cổ nhơn bắt đầu từ 29 Tết và kết thúc vào mùng 5 Tết. Ai đến thị trấn Bồng Sơn những ngày này đều nhận ra một không khí sôi nổi và vui vẻ từ những bảng tịch dọc đường. Hàng ngày, có khoảng trên một trăm người tham gia bán Cổ nhơn trên khắp phố và khoảng 5 nghìn lượt người tham gia chơi mỗi lần xổ buổi. Từ những quán café, bàn nhậu; từ những đám trẻ, những chị đi chợ xuân… đâu đâu cũng nghe luận bàn về Cổ nhơn. Không khí càng vui vẻ hơn khi có người nào đó bàn hay, chí lý.

Anh N.V.Quốc (xã Hoài Đức), cho biết: “Chơi Cổ nhơn đã thành cái nét truyền thống của vùng đất này. Người dân ở địa phương mê, người đi xa cũng mê. Như Tết này, có nhiều Việt kiều hiện đang sống ở Mỹ, ở Canada... cũng gọi điện về cho người thân hỏi câu Thai rồi bàn luận và gọi điện về nhờ mua giúp”.

Tỷ lệ trúng trong trò chơi Cổ nhơn là 1 chung 25. Tất nhiên trong cuộc chơi thì phải có kẻ thắng người bại, nhưng trong Cổ nhơn, ít thấy chuyện cay cú ăn thua. Mỗi lần hạ nêu, người trúng reo lên, vui vì mình luận giỏi, đoán trúng ý nghĩ của nhà cái và được mọi người nể trọng về khả năng am hiểu, luận giải; còn người thua thì nghĩ mình đoán chưa tới và trầm ngâm suy nghĩ để luận tiếp… 

 

* Đấu trí bằng... thơ

Những người cầm cái trò chơi Cổ nhơn thường là những người giỏi văn chương, nhà giàu, có khả năng “đọc được” suy nghĩ của người chơi rất cao. Thường thì “đề” Cổ nhơn gồm 4 câu thể lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt, song thất lục bát, vịnh về một trong 36 con trong bảng tịch, gọi là câu Thai (câu thả). Câu Thai được phát hành tại văn phòng của Hội xổ Cổ nhơn, con đề được treo trên cây nêu công khai trước công chúng (đầu buổi xổ), trên có lá cờ hội. Người chơi dựa trên câu Thai để luận ra con đề gì. Do nội dung câu Thai rất rộng, gồm nhiều vấn đề trong cuộc sống, con người, quê hương... nên người ra Thai phải thông sử sách, giỏi về chữ nghĩa… Người tham gia chơi Cổ nhơn khá đa dạng, từ em bé đến cụ già, nhưng để bàn được, phải là người giỏi chữ nghĩa, hiểu thời cuộc… 

 

Nhà cái mở đề kết quả Cổ nhơn. Ảnh: Ngọc Oanh

 

Trong chơi Cổ nhơn, người đánh trúng không phải chỉ dựa vào may mắn, mà phải là người luận có lý, nên trước khi đánh, họ thường bàn rất kỹ. Người cầm tịch cũng phải biết bàn, luận về Thai sao cho có lý, làm cho người chơi bất ngờ mà thán phục, có vậy mới thu hút được người chơi. Do vậy, cuộc chơi trở thành cuộc đấu trí giữa người chơi và người cầm tịch. Chẳng hạn như câu Thai: “Cầu Thị Nại bắc qua Nhơn Hội/ Bình Định ta phơi phới tương lai/ Giàu tài nguyên lắm nhân tài/ Chung tay xây dựng ngày mai mạnh giàu” thì người chơi có thể luận từ con cháu là “địa lương” (con lươn), hoặc “hiệp hải” (con ếch) nối hai vùng đất… Người xổ luận ra “thượng chiêu” (con én), làm cầu Thị Nại và Khu kinh tế Nhơn Hội là “thượng chiêu” của tỉnh nhà... Câu Thai không hay là câu Thai chứa ẩn ý nhưng giải thích khiên cưỡng, chỉ làm cho người chơi bàn tán chê bai.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho rằng: “Trò chơi Cổ nhơn gần giống với trò chơi Hò Bài thai, một trò chơi dân gian rất phổ biến ở vùng Bình Trị Thiên. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Bình (Huế) thì “Hò Bài thai là lối hò lấy tên các con bài trong Bộ Bài tới để làm đề tài. Bộ Bài tới là bộ bài dân gian sáng tạo, nguồn gốc phát sinh theo một số nhà nghiên cứu là từ Bình Định”. Xổ Cổ nhơn ở Bình Định cũng như Hò Bài thai ở Bình Trị Thiên có liên hệ về nguồn gốc với một lối chơi mà cổ nhân gọi là Hò Thai. Đây là loại chơi đố bằng thơ, các cụ thường dùng để chơi vui trong dịp chơi xuân... Ý nghĩa của chữ “thai” trong Hò Bài thai cũng như chữ “thai” trong câu thai của xổ Cổ nhơn đều là “thai nghén”. Câu xướng lên thai nghén cho một con bài, một Cổ nhơn, giúp hướng đoán định cho người chơi”.

K.N

Ngoài việc ra những câu Thai có tính lắt léo, nhà cái đôi khi lại chơi trò mẹo để đánh vào sự bất ngờ của người chơi. Như xuân Đinh Hợi năm nay, chiều 29 Tết, nhà cái xổ ra “con ngỗng”, sáng mồng 1 Tết lại đưa ra câu Thai: “Bính Tuất đi, Đinh Hợi về” để người chơi tha hồ bàn luận, nhưng cuối cùng kết quả lại ra “con ngỗng” nữa.

Trong trò chơi Cổ nhơn, người chơi và nhà cái thường có những quy tắc bất thành văn để không sát phạt nhau. Ví như người chơi thua quá nhiều, có thể đến thẳng nhà cái để xin một câu Thai miệng có sự gợi ý sát sườn để luận mà đánh. Có lần, một người đến gặp nhà cái xin câu Thai miệng. Nhà cái không nói không rằng, chỉ bẻ một cành cây bỏ xuống đất. Người đánh luận rằng: bẻ cây giống như cưa ngọn. Mà cưa ngọn nói lái là con ngựa. Vậy mà đánh trúng. Thứ hai là trong nguyên tắc ra đề Cổ nhơn, nhà cái không nên “phạm húy”. Vì nếu “phạm húy” thì “Tổ” không đãi. Ví như năm nay, mùng 2 Tết, nhà cái xổ “con thỏ”, nằm trong bộ trạng nguyên. Nhưng sáng mùng 3 lại xổ ra “con tôm”, nằm trong bộ hành khất. Người ta cho rằng từ “trạng nguyên” không thể làm “hành khất” được, vì thế mà nhà cái thua nặng. 

  • Công Tâm - Ngọc Oanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đêm tương ngộ  (22/02/2007)
Ăn Tết cùng đồng bào H’re  (22/02/2007)
Rộn ràng hội Xuân  (22/02/2007)
Đêm đối tửu ba miền  (21/02/2007)
Những khoảnh khắc đón Tết  (17/02/2007)
Nguồn gốc Tết cổ truyền Việt Nam  (16/02/2007)
Tết này: đi đâu, xem gì ?  (15/02/2007)
Góp sắc xuân cho miền núi  (15/02/2007)
Folklo vui về giới nhà văn, nhà báo  (15/02/2007)
Mùa xuân và ngọn nến  (15/02/2007)
Quê hương nếu ai không nhớ  (15/02/2007)
Sắc không dáng tượng  (14/02/2007)
Nghĩ về chuyện “giữ lửa”  (14/02/2007)
Hương sắc Tết Hoài Nhơn  (14/02/2007)
QCATV tiếp phát trực tiếp lễ trao giải Oscar  (14/02/2007)