Xuân này, nhiều huyện trong tỉnh đã tổ chức giải võ cổ truyền, như muốn nối thêm mạch nguồn cho truyền thống thượng võ...
* Mở võ đài trên đất Võ
20 giờ mùng 4 Tết (ngày 20-2), Giải Võ cổ truyền huyện Tây Sơn mới bắt đầu thượng đài, nhưng từ 19 giờ, người dân đã nô nức đến Sân vận động Phú Phong, xí phần các vị trí đẹp để xem. Họ háo hức vậy, bởi giải năm nay không chỉ quy tụ những võ đường danh tiếng nhất trong huyện như võ đường Hồ Cương, võ đường Phan Thanh Sơn (môn phái của võ sư Phan Thọ), võ đường Hồ Tấn Phương... mà còn có các “cao thủ” đến từ võ đường Lê Đình Minh (huyện An Nhơn), võ đường Phan Đức (Tuy Phước), võ đường Huỳnh Kim Hồng (Phú Yên), Câu lạc bộ Võ thuật thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam)...
|
Các võ sĩ thi đấu trong sự cổ vũ của khán giả đất võ. Ảnh: Hoài Thu
|
Võ đài cao chừng một mét, hình vuông, dựng bằng gỗ đối diện khán đài chính của Sân vận động. Gần đến giờ thượng đài, khán giả càng ngày càng đông, dễ phải đến cả ngàn người, gồm đủ cả nam phụ lão ấu. Chưa đầy một nửa khán giả chịu ngồi yên trên khán đài để xem, nửa còn lại tràn xuống, “bao vây” tứ phía võ đài, tạo thành một “trận đồ” cực kỳ náo nhiệt. Tôi cũng cố mà len vào sát dưới chân đài để được thưởng lãm các trận đấu.
20 giờ 15, trận thượng đài đầu tiên. Đó là cuộc đấu ở hạng cân 45kg giữa hai võ sĩ Lê Đình Hùng (võ đường Lê Đình Minh) và võ sĩ Đặng Tam (võ đường Huỳnh Kim Hồng). Mỗi trận sẽ đấu 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, thời gian nghỉ giữa mỗi hiệp là 1 phút. Tiếng chuông báo hiệu trận đấu vang lên. Sau vài giây thủ thế, hai võ sĩ bắt đầu xáp vào nhau để thi triển võ công. Phía dưới khán đài, khán giả bắt đầu nóng lên. Mỗi lần có đòn thế đẹp được tung ra, tiếng vỗ tay lại vang lên như sấm. Anh Trần Sung (đệ tử võ sư Trần Dần) ngồi bên cạnh tôi cứ như bị “lên đồng”, hết xuýt xoa: “Đấy! Đấy! Đánh vậy mới đã, mới là đánh chứ!”, rồi lại quay sang phát vào vai tôi rõ mạnh khi được xem một miếng đánh tâm đắc.
Trận đấu thứ 2 là cuộc “Tây Sơn luận võ” giữa hai võ sĩ hạng cân 50kg Trần Văn Ngọc (võ đường Phan Thanh Sơn) và Hồ Tấn Tài (võ đường Hồ Tấn Phương), dưới sự điều khiển của trọng tài Bùi Trung Hiếu. Hai võ sĩ này nội công thật thâm hậu, vì mới xáp vào chưa đến 10 giây, họ đã làm... xiêu vẹo cạnh của võ đài, khiến trận đấu phải tạm dừng để sửa chữa. Sau đó, trận đấu lại sôi động với những đòn giật (đá) lái sau, đòn lật tay... đẹp mắt của hai võ sĩ. Phấn khích khi theo dõi trận đấu, ông Nguyễn Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty Vệ sĩ Tây Sơn (TP Hồ Chí Minh), một người quê Tây Sơn và cũng từng là một võ sĩ nhiều lần thượng đài, quyết định thưởng “nóng” 50USD cho người thắng cuộc trong cặp đấu này.
Những trận thượng đài còn lại, trận nào cũng đẹp và kịch tính, khiến khán giả đất Võ mãn nhãn. Anh Trần Sung nhận xét: “Trình độ các võ sĩ đồng đều, nên các trận đấu tối nay coi thiệt đã hai con mắt. Tôi đã từng 40 lần thượng đài, nên từ khi nghỉ đấu đài từ 10 năm nay, trận đấu võ đài mùa xuân năm nào tôi cũng đi coi để cổ vũ và tìm lại cảm giác ngày xưa”.
* Tuy Phước: nóng với những cuộc so tài
Trong hai đêm mùng 4 và mùng 5 Tết Đinh Hợi (20 và 21-2), tại xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, đã diễn ra Giải đấu võ Liên tỉnh với sự tham gia của các võ đường đến từ Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Mỹ (Bình Định) và võ đường Kim Long (Phú Yên), võ đường Huỳnh Rân (Quảng Ngãi).
Đúng 20 giờ, các tiết mục biểu diễn quyền, đối luyện tay không và binh khí của các võ sinh thuộc võ đường Phi Long Vinh (xã Phước Nghĩa) đã mở màn cho đêm đấu đài hứa hẹn căng thẳng và hấp dẫn. Dưới sàn đài, hàng trăm người dân hướng mắt lên, háo hức chờ theo dõi những đòn đánh đẹp mắt. Trên hàng ghế của các giám sát, trọng tài, ngoài các lão võ sư từng đem về nhiều vinh quang cho đất Võ như Phi Long Vịnh, Hàm Hữu Nghĩa... khán giả còn thấy có sự xuất hiện của những người con ưu tú của võ thuật Tuy Phước như: Trần Duy Linh, Lê Công Bút...
Đêm đầu tiên thượng đài, có 7 cặp đấu; trong đó, có một cặp đấu giữa hai nữ võ sĩ. Hầu hết các võ sĩ thượng đài đều có trình độ ngang ngửa, nên các trận đấu diễn ra hết sức quyết liệt và đẹp mắt. Mỗi trận đấu được chia thành 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, sau đó căn cứ vào số điểm của 3 trọng tài để xác định người thắng cuộc. Tuy nhiên, có trận đấu chỉ diễn ra... vài giây. Đó là trận đấu giữa võ sĩ Phi Long Toàn (võ đường Phi Long Vinh) và một võ sĩ của An Nhơn. Khi trọng tài hô: “đấu”, Phi Long Toàn quan sát đối phương trong tích tắc, rồi tung đòn Bàn long cước tuyệt đẹp, đá trúng cằm đối thủ, khiến võ sĩ này ngã xuống sàn đài khi... chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Sức nóng của các trận đấu càng được tăng lên với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Những tiếng hô, tiếng vỗ tay liên tục vang lên, làm cho các võ sĩ càng lúc càng hưng phấn.
Sau khi theo dõi 28 võ sĩ thi đấu trong 2 đêm (mỗi đêm 7 cặp đấu), HLV Trần Duy Linh (HLV nội dung biểu diễn võ thuật cổ truyền của tỉnh), cho biết: “Trình độ của các võ sĩ tham gia giải năm nay đều ở mức khá. Các trận đấu diễn ra hay, đẹp và hấp dẫn hơn mọi năm. Đây là một giải có chất lượng chuyên môn tốt, là động lực để các võ sĩ hăng say luyện tập và là cơ hội để các võ sĩ trong và ngoài tỉnh giao lưu, học hỏi, thúc đẩy sự phát triển võ thuật của các địa phương trong khu vực miền Trung”. Còn ông Võ Kim Long (võ đường Kim Long) nhận xét: “Các lò võ ở Bình Định hiện nay vẫn duy trì và phát triển khá mạnh, các võ sĩ đều có kỹ thuật đánh tốt. Do vậy, chúng tôi vẫn thường dẫn các võ sinh của mình ra đấu giao lưu. Trong hai ngày 24 và 25-2 tới, tôi sẽ tiếp tục dẫn các võ sĩ của mình đến thi đấu tại Nhà thi đấu Hà Thanh (thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước)”.
Những đêm thi đấu các giải võ cổ truyền đã khép lại, nhưng chắc chắn, dư âm của nó vẫn đọng lại trong tâm trí của các võ sĩ, cũng như khán giả đến xem các trận đấu. Họ đã có những giây phút thực sự hào hứng trong những ngày xuân và lại hẹn đến mùa xuân sau để lại có dịp chứng kiến những trận đấu đài hấp dẫn trên vùng đất Võ.
|