Tôi muốn mượn câu thơ trên đây của nhà nho - thi sĩ Ngô Thì Nhậm để nói về cảm hứng tự hào dân tộc trong thơ đi sứ thời Tây Sơn. Như đã biết, “thơ đi sứ là một bộ phận phong phú của văn học Tây Sơn (...), có nét tự tin, tự hào đặc biệt mà thơ đi sứ các giai đoạn khác ít thấy”(GS. Nguyễn Lộc).
Sau chiến thắng 1789, quan hệ bang giao giữa nước ta với Trung Hoa đã sớm nối lại. Triều đình Tây Sơn dưới quyền trị vì của vua Quang Trung đã lần lượt cử nhiều nhà nho đi sứ sang Trung Hoa. Đa phần các nhà nho đi sứ đều là những người có tài văn chương. Bởi thế, chúng ta không lạ, sau mỗi chuyến đi sứ, nhiều nhà nho Tây Sơn đã có những tập thơ đầy đặn. Vũ Huy Tấn có Hoa nguyên tùy bộ tập, Nguyễn Đề: Hoa trình thi tập, Phan Huy Ích: Tinh sà kỷ hành...
Thơ đi sứ thời Tây Sơn trước hết là sự tiếp nối truyền thống thơ đi sứ của nhiều thế kỷ trước đó. Các nhà nho vẫn làm thơ về những danh lam thắng cảnh, bộc lộ những suy tư khi đối diện với những số phận lịch sử mà mình bắt gặp trên dặm dài đất nước Trung Hoa. Chẳng hạn, Ngô Thời Nhậm khi đến chơi thành Hàn Đan, kinh đô nước Triệu thời Chiến quốc đã cảm khái trước mọi đổi thay:
Người đẹp đâu còn dấu
Người tiên luống vắng hình
Nằm lì ông phỗng đá
Chưa tỉnh mộng Lư Sinh
(Ghi cuộc đi chơi Hàn Đan)
Đoàn Nguyễn Tuấn viếng mộ nàng Chiêu Quân ngậm ngùi, thương xót cho kiếp “hồng nhan, bạc phận”:
Đâu mộ giai nhân đời Hán trước?
Cát Hồ rát mặt tối tăm trời
Suối vàng khôn rửa hờn tranh vẽ
Cỏ biếc còn in ngấn lệ rơi
Vòng ngọc đêm trăng về quạnh quẽ
Tiếng tỳ xóm núi oán chơi vơi
Má hồng phận tựa hoa xuân mỏng
Trước gió, hồn xưa, viếng ngậm ngùi...
(Mộ Chiêu Quân)
Nét độc đáo của thơ đi sứ thời Tây Sơn chính là ở niềm tự hào dân tộc qua cảm hứng phủ định tư tưởng Hoa - Di. Theo GS. Trần Bạch Đằng, Hoa - Di là sản phẩm tư tưởng của giai cấp phong kiến Trung Hoa. Theo đó, người Hán tự cho mình là văn minh hoa hạ (Hoa), còn các dân tộc khác đều là man di mọi rợ (Di). Tư tưởng này đã chi phối sâu sắc tới quan hệ bang giao giữa hai dân tộc suốt thời kỳ trung đại. Điều đó đã đặt ra một nhiệm vụ quan trọng cho mọi thế hệ người Việt phải tìm cách khẳng định giá trị, bản lĩnh văn hóa của mình. Không phải vô cớ mà cảm hứng chủ đạo của Hịch Tây Sơn là cảm hứng khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Đi sứ sang Trung Hoa vào thời điểm sau 1789, các nhà nho Tây Sơn mang sẵn trong mình cảm hứng của người chiến thắng. Bởi vậy, trong mỗi nét bút, lời thơ, chúng ta dễ dàng nhận ra nét tài hoa, “tự tin, tự hào đặc biệt”. Thật độc đáo khi Đoàn Nguyễn Tuấn viết Cảnh vật nước Nam theo lối bút tẩu (viết chạy):
Cảnh vật nước Nam, khách hỏi a?
Nước Nam cảnh vật, khác Trung Hoa
Không tia bụi vẩn, quang sông núi
Suốt bốn mùa xuân rạng cỏ hoa
Ít bữa ngô khoai, nhiều thóc gạo
Khinh hàng lông dạ, chuộng the là
Tuy nhiên, có chỗ đồng nhau lớn
Lễ nghĩa văn chương tựa một nhà.
Đoàn Nguyễn Tuấn viết bài thơ này trong hoàn cảnh một người ở công quan Quảng Đông hỏi ông về nước Nam. Với bài thơ này, Đoàn Đoàn Nguyễn Tuấn đã khắc họa hình ảnh đất nước từ góc nhìn văn hóa trong mối quan hệ so sánh với Trung Hoa. Nhà thơ nói nhiều đến sự khác biệt giữa hai đất nước: khí hậu, thiên nhiên, đời sống kinh tế và lối ăn mặc. Cảm xúc đầy tự hào trong từng câu chữ. Đất nước Việt Nam “suốt bốn mùa xuân rạng cỏ hoa”, trong sáng và thật rạng rỡ. Có lẽ đây là câu thơ tươi tắn nhất trong hệ thống những dòng thơ đi sứ. Ở hai câu cuối, Đoàn Nguyễn Tuấn hướng người đọc về mối quan hệ tương đồng giữa hai nền văn hóa, “lễ nghĩa văn chương tựa một nhà”.
Cảm hứng khẳng định dân tộc thường được triển khai theo hai hướng hoặc nhấn mạnh vào sự khác biệt hoặc tương đồng. Với các nhà nho Việt Nam, tùy lúc tùy nơi mà có sự vận dụng cụ thể. Chúng tôi muốn nói đến một nhà nho Tây Sơn khác, một nhân vật đã rất nổi tiếng trong lịch sử. Ông là Ngô Thời Nhậm, người được vua Quang Trung giao toàn quyền giao thiệp với nhà Thanh (cùng với Phan Huy Ích). Khi vua Quang Trung mất, ông được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc báo tin. Ông có nhiều tác phẩm giá trị viết trong thời gian đi sứ. Đáng chú ý nhất là Bài ca cười mỉm. Bài thơ được làm theo lối Ngũ ngôn cổ nhị thập vận, với một nghệ thuật giàu chất chính luận đã thể hiện rõ niềm tự hào của nhà thơ về đất nước. Ra nước ngoài, ông thấy rõ hơn những lẽ tự nhiên của trời đất và con người. Ông bảo, Nam Bắc không khác nhau, vậy ai phân biệt Hoa - Di đều là thiển cận.
Di, Hạ khác ngày đêm
Lời sao nông cạn bấy !
Nhà thơ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi mình là con dân nước Việt:
May sinh ở nước Nam
Đường hoàng thân áo mão
Chớ bảo không văn minh
Việt thường có “hoàng lão”.
Đóng góp vào nét đặc sắc của thơ đi sứ thời Tây Sơn trên phương diện cảm hứng tự dào dân tộc phải kể đến những bài thơ của Vũ Huy Tấn. Nói đến ông người ta thường hay hắc đến bài Trông chỗ cột đồng, cảm xúc bằng một bài cổ phong và nhất là bài Biện “di”. Bài Biện “di” như sau:
Chữ “di” hợp với chữ “cung”, “qua”
Nước ta văn hiến như Trung Hoa
Từ xưa đã gọi An Nam quốc
Viết thế mà nghe cũng được à?
Cảm hứng phủ định tư tưởng Hoa - Di của Vũ Huy Tấn được hình thành trên cơ sở chiết tự chữ “di”. Bình luận bài thơ này, GS. Nguyễn Lộc viết: “Ba câu sau của bài thơ không có gì đặc sắc. Các ý ấy có người đã nói. Nhưng thú vị là câu đầu. Nhà thơ chiết tự chữ “di”: trong Hán tự, chữ “di” gồm chữ “cung” và bộ phận còn lại gồm chữ “nhất” và chữ “nhân” sắp xếp gần giống hình chữ “qua”. “Cung” và “qua” là những vũ khí đời cổ. Tác giả viết: “Di tự tòng cung hựu đới qua” là có ý nhắc cho bọn quan lại Trung Quốc đừng quên cái thất bại quân sự vừa rồi”.
Ông cha ta ngày xưa rất coi trọng việc đi sứ. Mỗi lần sang sứ Trung Hoa, các nhà nho Việt Nam đã tìm mọi cách cách để làm vẻ vang dân tộc mình. Mỗi giai đoạn lịch sử, thơ đi sứ có những đặc sắc riêng. Với những gì đã trình bày ở trên, chúng ta rõ thêm hào khí Tây Sơn trong thơ ca và trong tâm hồn những nhà nho đi sứ...
|