Nghệ thuật nói chung là văn hóa, thư pháp nói riêng cũng là văn hóa và nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam cũng không ngoài ý niệm ấy. Xuân Mậu Tý này, các thư pháp gia lại bày ra sân chơi mới với ý tưởng mới mang tên Vũ hội chữ tại 31 A Văn Miếu Hà Nội.
Ở đây người ta có thể nhận thấy một quá trình diễn tiến của thư pháp Việt Nam hay nói cách khác là sự biến đổi của thư pháp Việt từ truyền thống đến đương đại. Khai mạc ngày 17.2, kết thúc ngày 23.2, các nhà thư pháp trẻ sẽ trình diễn một cách tổng quan về 3 loại hình thư pháp đang song song tồn tại trong bối cảnh hiện nay.
Thư pháp (Hán và Nôm) thực chất không được định danh ở Việt Nam, qua các sử liệu chính thống hay từ dân gian còn đến ngày nay đều không tìm thấy điều này. Nhưng, cách viết chữ đẹp, dùng văn tự vào các mục đích khác nhau mang tính nghệ thuật thì lại như một điều hiển nhiên. Tuy nhiên, ở nước ta, một nước hệ lụy về văn hóa và văn tự, chịu nhiều ảnh hưởng bởi tư tưởng của Trung Hoa như một đặc trưng xưa kia thường thấy ở phương Đông, nghệ thuật chỉ như một thứ phù phiếm, trò “điêu trùng tiểu kỹ” và ít được coi trọng. “Dĩ thư tuyển sỹ” (viết chữ kén người có học có tài), việc viết chữ đẹp như một tiêu chí để kén chọn hiền tài được áp dụng một cách triệt để trong khoa cử thời trước, nhưng “Thư như kỳ nhân” (người sao chữ vậy) và thực tế đã chứng minh bao nhiêu sỹ phu công danh hiển hách, đức độ hơn người đã để lại những áng thơ văn và những nét bút tài hoa mà nay vẫn còn lưu danh thiên cổ, hình tích vẫn còn. “Bất bạc kim nhân ái cổ nhân” (không bạc với người xưa mà thêm yêu người nay), trên cái tinh thần ấy, Thư pháp Hán Nôm ở Việt Nam đã trỗi dậy theo sự phát triển và nhu cầu của xã hội. Ban đầu vỉa hè là nơi dung túng cho các ông đồ thất thế, nhưng chữ nghĩa thánh hiền vốn trang nghiêm cũng thích hợp với nơi miếu đường tôn nghiêm sang trọng và vẫn luôn được sủng ái nâng niu.
Hán Nôm được phục hưng yếu ớt và quan tâm một cách dè dặt nhiều ái ngại, Thư pháp Hán Nôm đầy tính bác học như bức vách trước đại đa số dân chúng lâu nay chỉ biết “kính nhi viễn chi” (đứng xa mà bái vọng) với chữ nghĩa thánh hiền, huống chi là nghệ thuật. Một số người với đôi chút hiểu biết vẫn theo bước người xưa, nhưng số ấy không nhiều. Nhu cầu quá phong phú và đa dạng, người Việt cũng có nhiều sáng tạo, và không ít người đã mạnh dạn mượn bút lông, mực tàu, kỹ thuật viết chữ Hán mà tô son điểm phấn cho chữ Quốc ngữ. Và phong trào viết “Thư pháp Quốc ngữ” đã được nhiều người ủng hộ, tán thành và đi theo bởi tính dễ đọc, dễ hiểu (dù chưa hẳn đã dễ xem) và phổ dụng của văn tự. Mang một chút màu sắc cổ, bản thân là con đẻ của thời đại, mỹ thuật hình thành từ việc viết chữ Quốc ngữ theo lối ấy ít nhiều tiệm cận được với quan điểm mỹ thuật mới. Tuy nhiên, Thư pháp Quốc ngữ vẫn còn đang trong quá trình đi tìm cho mình một vị trí và con đường dưới khung trời nghệ thuật vốn quá rộng lớn này.
Sinh sau đẻ muộn là loại hình Tiền vệ, một cái tên không lạ với nhiều người trên các lĩnh vực khác, nhưng đối với Thư pháp đây là một điều hết sức mới mẻ ở Việt Nam. Văn học tiền vệ, mỹ thuật tiền vệ đã có chỗ đứng, Thư pháp tiền vệ thì sao? Thư pháp Trung Quốc có tư tưởng “mới-lạ-khác” từ rất lâu, nhưng chính người Nhật đã mang đến cho những điều ấy một sức sống thật sự và thậm chí trở thành một trào lưu rộng lớn và mạnh mẽ khi đưa tư tưởng tiến bộ, màu sắc hội họa trừu tượng và cảnh giới thiền vào trong con chữ cứng nhắc. Thư pháp tiền vệ ở Việt Nam cũng không ngần ngại tiếp nhận những luồng tư tưởng nghệ thuật mới để điều chỉnh lại mình, truy cầu và lý giải thư pháp theo hướng đa dạng hóa để cố gắng thoát ra khỏi quyền lực của Thư pháp truyền thống. Tính duy nhất và phi cá tính của Thư pháp cũ được hóa giải trong những lối biểu cảm duy mỹ và táo bạo. Thư pháp Tiền vệ thiên về lập thể cảm, buông bỏ các phép tắc và nguyên lý tạo tự, hướng nội hàm tác phẩm đến các giá trị thẩm mỹ tự do nghiêng về xúc cảm, tập trung cường điệu các hình thức cá thể, loại bỏ sự thưởng thức mang tính xem-đọc cũ kỹ mà thay vào đó là tính xem-cảm của mỹ thuật hiện đại. Nói Thư pháp Tiền vệ là Thư cũng đúng mà như Họa thì cũng chẳng sai.
Xuất phát điểm từ bối cảnh tình hình Thư pháp Việt Nam đang ngầm phát triển một cách mạnh mẽ và dần xác lập nên thế chân vạc một cách rõ nét trong thời buổi mới, đó là ba loại hình Thư pháp Hán - Nôm cổ điển, Thư pháp chữ Việt (chữ Quốc ngữ), Thư pháp Tiền vệ - hiện đại cùng xuất phát từ một nguồn, cùng tồn tại song song, biệt lập mà thống nhất trong lối tư duy thẩm mỹ và văn hóa của người Việt, mà đây chính là sự biểu hiện một cách rõ nét bản chất của văn hóa ở Việt Nam trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp.
Do vậy, vũ hội chữ được trông mong và đã có sức cuốn hút mạnh mẽ với những người mê thư pháp, những người yêu vốn cổ Việt Nam ngay từ trước ngày khai mạc. Nguyễn Đức Dũng một trong những nhà tổ chức cho biết: Chương trình biểu diễn này muốn làm một điều gì đó, không đơn thuần chỉ muốn cho mọi người hiểu rõ hơn về một khái niệm chuyên môn, không đao to búa lớn như thể một ý tưởng đánh thức, làm trỗi dậy tâm hồn Việt mà họ chỉ hy vọng mang lại một chút, một chút, ý niệm về thư pháp, về một hình thái Nghệ thuật mà tất cả những người quan tâm muốn hướng tới trong một không gian văn hóa đặc trưng. Cũng theo Dũng: Nội dung chính muốn nói đến thư pháp. Vậy nên, không gian toàn cảnh của Vũ hội chữ được bố trí theo nghệ thuật sắp đặt gần như choán kín trong 152m2 diện tích bằng việc bồi dán trên các mảng từ tường nhà cho đến trần, từ tủ giả cho đến các vật dụng bởi hàng trăm các miếng thư pháp các thể chữ Hán-Nôm, Quốc ngữ, Tiền vệ-trừu tượng ở các kích cỡ trên giấy xuyến chỉ màu sắc khác nhau. Phối hợp cùng với thư pháp không còn tĩnh tại là hệ thống ánh sáng, đèn nến, đàn ca sáo nhị, hương khói phụ đạo tạo nên một cảnh giới mà trong đó việc thực hiện hành vi thư pháp như những diễn viên trên một sân khấu mang đầy màu sắc, âm thanh của văn hóa Việt Nam và tinh thần dân tộc qua các thời kỳ theo diễn tiến của lịch sử.
. Theo HNM |