|
Ảnh họa Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (Ảnh: wikipedia.org) |
Lê Hưữ Trác (1720-1791) được người đời biết đến với tư cách là một danh y tài giỏi bậc nhất đương thời. Mặt khác ông còn là một tác giả văn học với tác phẩm “Thượng Kinh ký sự” trong đó có khá nhiều bài thơ của ông.
Tập Thượng Kinh ký sự được viết vào thập niên 80 của thế kỷ XVIII (1781)- đó là một thời kì rối ren của triều đình phong kiến Lê- Trịnh- giai đoạn chính trị khủng hoảng trầm trọng trước khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc. Tập ký kể lại cuộc hành trình từ quê nhà Nghệ Tĩnh của ông về kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho chúa Trịnh ở phủ Chúa, vì chúa đã biết tiếng tăm lừng lẫy của một đại danh y.
Thượng Kinh ký sự kể lại thời gian tác giả sống ở kinh thành Thăng Long với biết bao biến động, tả lại sự giao du của ông với các công hầu khanh tướng thời Lê mạt và tâm sự của mình lúc nào cũng mong thoát khỏi vòng danh lợi để quay về núi cũ non xưa. Với thiên ký sự tài hoa và trung thực này, ông thật xứng đáng là người tiên phong trên lĩnh vực ký sự báo chí! Thượng Kinh ký sự ghi chép về cảnh thực, việc thực mà Lê Hữu Trác đã nhìn, đã nghe thấy trên hành trình từ Hà Tĩnh lên kinh đô Thăng Long, thời gian ông nán lại đất Kinh kì gần một năm để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Cùng với một số tác phẩm đương thời như Vũ Trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Hoàng Lê nhất thống chí, Thượng Kinh ký sự đã phản ánh khá sinh động một phần bộ mặt giai cấp thống trị đương thời khi đất nước đang trải qua những cơn biến động dữ dội.
Trong loại hình tự sự, vai trò của người kể chuyện vô cùng quan trọng. Nhân vật kể chuyện hầu hết thường đứng ở ngôi thứ nhất- tôi- trong toàn bộ câu chuyện được trần thuật. Cái tôi là chủ thể để nhận thức khách thể- đối tượng cần trần thuật một cách trực tiếp. Tác giả đối diện với đối tượng của mình, là nhân chứng. Cũng có những tác phẩm mà người kể chuyện không đóng vai trò ngôi thứ nhất, họ kể chuyện một cách gián tiếp. Câu chuyện được nghe từ người này, do người khác kể. Họ chỉ là người ghi chép mà thôi. Ví dụ Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ… Nhân vật trong Thượng Kinh ký sự thuộc loại thứ nhất. Từ đầu tới cuối tác phẩm, người viết trực tiếp và duy nhất đứng ra kể chuyện của mình. Sự trần thuật trực diện ấy đã đem đến cho người đọc một độ tin cậy lớn vào những thông tin mà tác phẩm muốn trình bày.
Cái tôi trần thuật trong Thượng Kinh ký sự hiện lên như một trí thức tài hoa nhưng cũng không tiến thân bằng con đường khoa cử, cũng không chen chân vào chốn quan trường.
Điều ấy giúp cho điểm nhìn của tác giả khách quan, gần gũi với cách nhìn đời dân dã của một con người bình thường. Bởi thế mà những gì Lê Hữu Trác miêu tả khi ông vào đến Trịnh phủ…. Phủ chúa sao mà lắm dinh thự, lắm “điếm” này, hành lang nọ, ngõ ngách quanh co…Chúa ngự trong một thâm cung tranh tối tranh sáng, chỉ có một ngọn nến hắt ra, những kẻ hầu người hạ rất đông, mà họ qua lại âm thầm lặng lẽ như những bóng ma. Nơi thế tử Trinh Cán ở cũng vậy: trong cung cấm “lầu gác trùng trùng”, cảnh “mâm vàng chén bạc, thức ăn ngon vật lạ, bây giờ tôi mới biết phong vị của nhà sang”.. Mọi đồ nghi trượng đều sơn son thếp vàng, gian giữa đặt một sập ngự thếp vàng…Một cuộc sống nhung lụa nhưng uể oải, biếng trễ, buồn tẻ đã được Lê Hữu Trác kể một cách tự nhiên. Thầy thuốc, thầy lang có đến chục người chầu chực ăn không ngồi rồi. Đọc Thượng Kinh ký sự , ta thấy cả phủ chúa chẳng ai làm chính sự. Họ không có việc gì. Từ Huy Quận đến bọn lính, kẻ hầu, chỉ mỗi một chuyện là lăng xăng với thuốc thang, tìm thầy cho cha con chúa Trịnh.
Nhân vật trần thuật trong Thượng Kinh ký sự là một thầy thuốc có tài, vì thế trong con mắt của ông, con bệnh là những con người sinh vật theo đúng nghĩa của nó.
Ông bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc. Vì thế, ông không phân biệt giai cấp sang hèn đối với con bệnh. Từ một ông già đến một bà có thai… rồi chúa thượng…- họ đều chỉ là bệnh nhân nói chung. Có lẽ chính từ điểm nhìn trần thuật này, tác giả đem lại cho chúng ta hình ảnh hoàn hảo nhất về nhân vật Trịnh Sâm, Trịnh Cán trước phút họ chấm dứt cuộc sống. Cả hai cha con nhà chúa đều suy kiệt vì mắc bệnh nan y. “Mình chúa gầy rộc, da dẻ khô, nước tiểu vàng đục”… Còn thế tử Trịnh Cán thì “bụng to, da nhợt, gân xanh, rốn lồi hơn một tấc, hơi thở sò sè như muốn thoát, mạch chìm nhỏ, không có thần”.
Cái nhìn khách quan của một thầy thuốc đã khái quát cho người đọc thấy được sự ốm yếu về thể xác, suy kiệt về tinh thần của kẻ đại diện cho chính quyền phong kiến họ Trịnh đương thời. Đó là ý nghĩa khách quan mà tác giả đem lại cho người đọc, ngoài ý chủ quan của người kể chuyện.
Thượng Kinh ký sự là một ký sự nên rất khó có một cốt chuyện hoàn chỉnh để kể lại cho người nghe, đành rằng trong tác phẩm có kể về phủ chúa, về Trịnh Sâm, Trịnh Cán nhiều hơn cả. Tác phẩm vừa là du ký, vừa là nhật kí lại có lúc đậm đà phong vị trữ tình. Vấn đề vẫn là nhân vật trần thuật, Thượng Kinh kí sự vừa có một câu chuyện về phủ chúa nhưng chạy dọc từ đầu đến cuối còn có một nhân vật tâm trạng của chính tác giả. Lê Hưữ Trác vừa kể chuyện vừa bộc bạch cái tâm của mình trước sự việc, trước cảnh vật và con người. Có một nhân vật trần thuật và một nhân vật trữ tình đứng song song tồn tại ở tác phẩm.
Qua Thượng Kinh ký sự chúng ta cùng một lúc nhận biết được một phần hiện thực ở chốn thâm cung phủ chúa trong một hoàn cảnh cụ thể, và chân dung một thầy thuốc chân chính, một nhân cách lớn sống vào thời kì bão táp của dân tộc- nửa cuối thế kỷ XVIII.