Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện và thu giữ được 15 trống đồng. Vùng Gò Cây Thị (huyện Vĩnh Thạnh) là khu vực phát hiện nhiều trống đồng nhất. Trong khi các cơ quan chức năng còn đang nghiên cứu thì giới rà tìm phế liệu kim loại hăm hở cày nát nơi này.
|
Chiếc trống phát hiện ở Vĩnh Hòa đẹp và có nhiều hoa văn hơn những chiếc tìm thấy trước đây.
|
1.
Cuối tháng 11 vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiếp nhận thêm một trống đồng Đông Sơn từ Công an huyện Vĩnh Thạnh. Chiếc trống vừa phát hiện thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay, với đường kính mặt 67cm. Trống do một nhóm người đi rà sắt phế liệu đào được tại làng M6, xã Vĩnh Hòa. Khác với 8 chiếc được tìm thấy trước đây tại Vĩnh Thạnh, trống này đẹp và hoa văn phong phú hơn. Nếu như các trống trước chỉ có phần mặt được trang trí kỹ lưỡng, phần tang và thân hoa văn rất đơn giản, không có hình người múa, thì trống này phần tang và thân đẹp hơn, hình người múa có ở cả ba phần (mặt, tang, thân).
Trống có hình dáng rất cân đối, mặt chườm khỏi tang. Chính giữa mặt có ngôi sao 12 cánh. Xen giữa các cánh là những họa tiết hình lông công. Đường kính mặt được trang trí theo vành tròn đồng tâm, từ trong ra ngoài, có 7 vành hoa văn. Trên rìa mặt trống gắn 4 tượng cóc. Tang trống tuy đã vỡ, nhưng dựa vào một số mảnh thu được có thể đoán tang có dáng phình tròn đều, được trang trí 3 vành hoa văn. Thân trống cũng bị vỡ, chỉ còn vài mảnh nhỏ và hai chiếc quai kép. Tuy nhiên, vẫn nhận ra hoa văn trang trí trên thân là những hình người múa mang trang sức hình lông chim cách điệu. Chân trống chỉ còn một mảnh, dáng chân choãi, không trang trí hoa văn. Trên thân và tang trống được gắn quai (dạng quai kép), trang trí hoa văn thừng. Hiện chỉ còn 2 quai.
Những người đào được trống cho biết, trống nằm ở vị trí cách mặt đất 0,5m, mặt trống nằm úp xuống đất, trong lòng trống toàn là đất. Qua quan sát và tham chiếu với các tiêu chí phân loại của F.Heger, các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho rằng, trống này thuộc loại I.
2.
Bình Định là một trong những nơi tìm thấy nhiều trống đồng nhất ở miền Trung. Điểm chung của 15 chiếc trống được tìm thấy ở Bình Định là đều trong tình trạng vỡ nát. Cái lành lặn nhất chỉ tương đối nguyên vẹn ở phần mặt, còn phần tang, thân, quai là những mảnh đồng vụn. Nguyên nhân của việc này phần lớn là do trống được phát hiện bởi những người rà tìm kim loại, mà cách đào của họ hoàn toàn không thể cho ra kết quả như những nhà khảo cổ học. Đó là chưa kể, do bị chôn lâu năm dưới đất, đồng bị mềm ra, chỉ cần những va chạm nhẹ cũng dẫn đến nứt vỡ.
Trống đồng có giá cao trên thị trường buôn bán cổ vật trái phép, đó cũng là lý do vì sao người phát hiện hiếm khi thông báo với chính quyền, cơ quan chức năng. Chiếc trống đồng tại Vĩnh Hòa, trước khi bị thu giữ, được một người ở Tây Sơn mua với giá 40 triệu đồng. Nếu mang vào TP Hồ Chí Minh, giá của chiếc trống này sẽ tăng lên gấp 2-3 lần.
Ông Từ Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, cho biết, trống đồng tìm thấy ở Vĩnh Thạnh chủ yếu là ở Gò Cây Thị - khu vực rộng hơn 1 ha thuộc các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp. Trống được chôn bên dưới với mật độ khá dày, có lúc chỉ cách nhau 5-10m. Một nhóm nghiên cứu người Đức cho rằng, Gò Cây Thị có thể là nghĩa địa của một tộc người cổ. Điều này lý giải vì sao ngoài trống đồng, người ta còn tìm thấy nhiều hiện vật tùy táng và các loại xương cốt.
Giới rà tìm phế liệu kim loại rất siêng lùng sục trên Gò Cây Thị, trong khi đó, do chưa có khảo sát, nghiên cứu bài bản, nên khu vực này vẫn bị bỏ trống. Nếu đợi có kết quả nghiên cứu chính thức từ các cơ quan hữu quan, có lẽ vùng đất này sẽ không còn những chiếc trống quý giá nữa.
|