|
Nhà Lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (Hoài Nhơn). |
Xây dựng, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử – cách mạng (DTLS-CM) tương tự như các loại hình di tích khác. Nhưng phát huy giá trị di tích, làm gì để thu hút người dân đến đây lại không hề dễ!
Trong tổng số 88 di tích của tỉnh đã được xếp hạng, DTLS-CM chiếm gần 2/3, đó là các địa điểm thành lập các chi bộ cộng sản, tổ chức cách mạng; những nơi diễn ra các trận đánh, vụ thảm sát…; tập trung ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Phù Cát.
Những năm qua, công tác nghiên cứu, đánh giá xếp hạng, xây dựng tôn tạo các DTLS-CM đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, phát huy giá trị di tích vào thực tế là điều khiến cơ quan quản lý bối rối.
Ông Đặng Hữu Thọ, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh, phân tích: “Khó khăn lớn nhất trong công tác xây dựng, bảo vệ và phát huy giá trị DTLS-CM là làm bằng cách nào cho thật sự hiệu quả, để di tích trở thành địa chỉ thu hút nhân dân. Đây là khó khăn không chỉ xảy ra với tỉnh ta mà còn diễn ra với nhiều di tích khác ở nhiều tỉnh, thành bạn. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ thì chưa đủ. Có nhiều sự kiện, có diễn biến nội dung, có chứng nhân, có cả con người tham gia làm nên sự kiện, có địa điểm cụ thể… nhưng cái khó là chúng lại khá giống nhau (các trận đánh, địa điểm xảy ra các vụ thảm sát…). Tìm cho mỗi nơi một “kịch bản” riêng để phát huy giá trị, thu hút người dân quả không dễ!”.
Thời gian qua, trong thực hiện quy tắc “lấy di tích nuôi di tích”, gắn kết di tích và du lịch, các ngành có chức năng liên quan thường né DTLS-CM. Khi các loại hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh… đxược quan tâm đầu tư thì mức chênh lệch giữa các loại hình này với du lịch - di tích DTLS-CM càng nhiều thêm. Ngoài ra, đa số DTLS-CM có diện tích rộng, nằm ở khu vực đồi núi, địa hình hiểm trở, xa trục đường lớn, cách biệt với khu dân cư… (khu căn cứ Núi Bà, khu căn cứ cách mạng Hòn Chè ở huyện Phù Cát; Rừng Bà Bơi ở huyện Hoài Ân…) nên việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng càng thêm khó khăn.
Công bằng mà nói, so với các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, sức hấp dẫn của các DTLS-CM thấp hơn. Người đến tham quan, tìm hiểu, thường chỉ diễn ra trong các dịp lễ, ngày kỷ niệm dưới hình thức “về nguồn”, chủ yếu là các cựu chiến binh, những người đã đi qua cuộc chiến muốn thăm lại chiến trường xưa, bộ phận cán bộ địa phương, giáo viên, học sinh… Điều quan trọng khác là kinh phí, ngân sách đầu tư cho DTLS-CM quá ít, trong khi khối lượng công việc lại rất lớn. Muốn thu hút người đến thì di tích phải được đầu tư, giới thiệu, có sự thúc đẩy của truyền thông. Ít được đầu tư thì khó có thể nâng lên sức hấp dẫn. Đó cũng là lý do vì sao hồ sơ các DTLS-CM nhìn chung còn khá mỏng, cần được đầu tư nghiên cứu, bổ sung cho đầy đặn hơn.
Những năm qua, một số DTLS-CM đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch, được UBND tỉnh phê duyệt nhưng đến nay vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Điển hình là di tích chiến thắng Chợ Cát (Hoài Nhơn). Di tích này được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng ngày 16.12.1998, đã được xây bia lưu niệm. Từ đó, UBND huyện Hoài Nhơn và UBND xã Hoài Hảo đã trình lên tỉnh đề án xây dựng Tượng đài Chiến thắng Chợ Cát và quy hoạch, tôn tạo, xây dựng công viên làm khu sinh hoạt- vui chơi giải trí, phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, đến nay, qua nhiều lần họp bàn, công trình trên vẫn chưa đi vào hiện thực.
|