Bạn đọc lâu nay biết đến nhà nghiên cứu biên khảo Lộc Xuyên - Đặng Quí Địch qua các tác phẩm “chuyện xưa” (cố sự): “Mai viên cố sự”, “Cố sự Quỳnh Lâm”, “Hương sơn cố sự”, “Bình Định sĩ phu cố sự”…. Trong tác phẩm mới nhất, ông nói chuyện đời nay. Tạp bút “Chuyện đời nay” là tác phẩm thứ hai trong năm 2009 của Lộc Xuyên - Đặng Quí Địch và là tác phẩm thứ 15 của ông.
40 năm miệt mài học và viết, 14 công trình biên khảo và dịch thuật về lịch sử, văn học cổ Việt Nam, Trung Quốc đã được xuất bản. Thế nhưng, Lộc Xuyên - Đặng Quí Địch vẫn cảm thấy ông còn thiếu sót đối với quê hương. Bởi lẽ, ông viết khá nhiều về chuyện cũ người xưa, mà chưa viết gì về chuyện đương đại. Và ông đã lấp bớt sự thiếu sót ấy bằng tạp bút “Chuyện đời nay” với 48 mẩu chuyện, được chia thành 6 đề mục: Văn minh chữ nghĩa, Văn hóa đọc, Văn minh đường phố, Văn minh trang phục, Văn minh đồng quê, Văn hóa ứng xử. Trong đó, chiếm phần lớn thời gian “chuyện trò” là 2 nội dung: Văn minh chữ nghĩa và Văn hóa ứng xử.
Những bài viết trong “Chuyện đời nay” hầu hết ngắn gọn. Ông viết với mong muốn “Chuyện nào tốt đẹp, hay người đời nên lấy đó mà học tập, còn chuyện nào chưa tốt, chưa đẹp, chưa hay nếu người đời cho là tôi nói đúng thì nên làm sao cho tốt đẹp, hay hơn để phù hợp với nếp sống mới văn minh tiến bộ”.
Người xưa có câu: “Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không khéo là bất trí”. Vì yêu quê hương, đất nước nên ông mạnh dạn làm người “bất trí” chứ không nỡ làm kẻ “bất nhân”. Những câu chuyện trong “Chuyện đời nay” có thể được kể chưa khéo, nhưng đó là một tấm lòng chân thành của một học giả với quê hương, xứ sở.
Lộc Xuyên - Đặng Quí Địch nay đã vào hàng “cổ lai hy”, nhưng hy vọng, chúng ta sẽ còn được nghe ông kể tiếp những “Chuyện đời nay” tập II, tập III.
|