Khởi sắc vùng cao
8:43', 27/12/ 2009 (GMT+7)

Ngày mai (28.12), Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định năm 2009 sẽ chính thức khai mạc. Những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về công tác dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh ta đã vươn lên mạnh mẽ, tạo nên nhiều sắc thái mới. Và tuy vẫn chưa hết khó khăn, nhưng nhìn chung đời sống người dân đã từng bước được cải thiện, cả về vật chất lẫn tinh thần. 

Báo cáo của UBND tỉnh cho biết: Sản xuất lương thực vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã được chú trọng đầu tư; đưa diện tích, năng suất, sản lượng tăng nhanh trong những năm qua, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở miền núi, nạn đói kinh niên bao năm đã được đẩy lùi. Việc phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả đã góp phần xóa đói giảm nghèo và đem lại thu nhập khá hơn cho đồng bào. Đặc biệt, đã tạo ra thay đổi cơ bản trong phương thức sản xuất từ tự cung, tự cấp, bước đầu chuyển sang sản xuất hàng hóa, tận dụng các điều kiện lợi thế của địa phương.

 

Phong trào văn hóa, văn nghệ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm tổ chức.

- Trong ảnh: Một tiết mục múa tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh. Ảnh: Văn Lưu

 

Sản xuất lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực, nhờ có chủ trương khôi phục và phát triển rừng, nhất là thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Các xã miền núi đã từng bước cải tạo đàn bò vàng ở địa phương, đưa các giống heo lai kinh tế vào sản xuất. Phong trào nuôi cá nước ngọt ở một số vùng phát triển khá, góp phần tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn hàng ngày cho người dân.

Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền núi tuy còn nhỏ lẻ nhưng cũng đã có bước phát triển đáng kể so với trước; hiện có hơn 1 ngàn cơ sở sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19 tỉ đồng vào năm 2008.

Trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng, triển khai nhiều dự án, công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tại các huyện miền núi, vùng cao, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, nên bộ mặt nông thôn miền núi đã có những thay đổi lớn. Riêng Chương trình 135, giai đoạn I và II (1999 - 2009) có tổng các nguồn vốn đầu tư hơn 178 tỉ đồng.

Nhờ vậy, đến nay, các xã đồng bào dân tộc thiểu số đã có các công trình hạ tầng thiết yếu. Tất cả các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; 98,5% hộ được dùng điện, 85% hộ dùng nước giếng hoặc bể nước để sinh hoạt. Tất cả các xã đều có trạm y tế. Công tác phòng chống dịch bệnh đã có nhiều cố gắng, ngăn chặn và khống chế được các loại dịch bệnh không để xảy ra trên địa bàn; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi tính đến cuối năm 2008 hạ xuống còn 28,26%.

Nhiều trường học được đầu tư xây dựng kiên cố, không còn tình trạng học 3 ca. Từ năm 2003 đến nay đã cử tuyển 287 học sinh là con em dân tộc thiểu số theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, là cơ sở để tạo nguồn cán bộ cho địa phương.

Đồng bào các dân tộc thiểu số Bình Định có khoảng 32.500 người - 7.500 hộ, chiếm trên 2% dân số toàn tỉnh. Có 3 dân tộc chủ yếu là: Bana, Hrê và Chăm. Đồng bào các dân tộc thiểu số định cư ở 31 xã, thị trấn, thuộc các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.

Phong trào văn hóa, văn nghệ ở các làng được quan tâm tổ chức, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, qua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã không ngừng phát huy truyền thống thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 34% làng đạt danh hiệu làng văn hóa.

Thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế theo mô hình VAC, mô hình kinh tế trang trại, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều hộ đã có thu nhập cao, từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Lễ hội văn hóa - thể thao miền núi cấp tỉnh được duy trì tổ chức 2 năm một lần, luân phiên ở các huyện miền núi và các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được quan tâm, đẩy mạnh. Chữ viết của 3 dân tộc Chăm, Bana, Hrê đã được nghiên cứu, biên soạn hoàn thành. Đã biên soạn giáo trình và đưa vào giảng dạy tiếng Bana tại huyện Vĩnh Thạnh và tiếng Hrê tại huyện An Lão cho cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện.  

  • Minh Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thêm một tiểu thuyết về Sư đoàn 3 Sao Vàng  (26/12/2009)
Nghe một người yêu quê hương kể chuyện  (26/12/2009)
Đừng thấy khó mà… quên  (26/12/2009)
Nhạc phẩm "The Christmas Song" tròn 65 tuổi  (25/12/2009)
Bế mạc Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ 7  (25/12/2009)
Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Cặp kèn đá 1.000 năm  (24/12/2009)
Gieo một mùa hoa  (24/12/2009)
"Sự tích" những ca khúc nổi tiếng của NS Hoàng Hiệp  (23/12/2009)
Dự “bài chòi”  (22/12/2009)
LHP châu Á - Thái Bình Dương lần 53: Nhạc phim "Chơi vơi" của Việt Nam đoạt giải Ca khúc hay nhất  (21/12/2009)
Bức tranh “Anh hùng Điện Biên” được ghi sách kỷ lục Việt Nam  (21/12/2009)
Đưa lịch sử vào các trò chơi giải trí  (20/12/2009)
Siêu mẫu Bruno Kettels người Bolivia đăng quang Mr. International 2009  (20/12/2009)
Lung linh nốt nhạc Giáng sinh  (20/12/2009)
Chuyện về “Phú dân ca”  (20/12/2009)