Số hóa sách ở Việt Nam: Google thất thế và cơ hội của sách số trong nước
16:32', 27/12/ 2009 (GMT+7)

Vietgle - thư viện sách số của Công ty Lạc Việt

Sự kiện Google bị phát hiện sử dụng chưa xin phép bản quyền các tên sách của nhiều quốc gia trên thế giới đem lại ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực ở Việt Nam. Tiêu cực vì nó cho thấy chúng ta còn xem nhẹ giá trị bản quyền các sản phẩm kỹ thuật số, nhất là trong lĩnh vực sách. Tích cực là nó đã làm mở ra một kênh phát hành mới, đưa sách đến bạn đọc thuận lợi hơn.

Google thất thế - Lạc Việt lên ngôi

Con số hàng trăm ngàn USD đã làm cho hầu hết mọi người đều đổ dồn sự chú ý đến đề nghị thương lượng của Google với Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC). Vì thế, chẳng còn mấy ai để ý đến một đề nghị tương tự của Công ty Tin học Lạc Việt, dù công ty đã có cam đoan sẽ trả cho tác giả những tác phẩm được số hóa phần trăm lợi nhuận thu được cao hơn của Google. Việc xem nhẹ đề nghị của Lạc Việt còn có nguyên nhân khác ở uy tín của thương hiệu. Cái tên Google đã quá nổi tiếng, việc có tác phẩm nằm trong thư viện số của Google vì thế mang ý nghĩa quảng bá sách nhiều hơn là vấn đề vật chất. Cũng chính vì lý do này mà tại Việt Nam, đất nước có nền văn học, thị trường sách còn chưa mấy nổi bật trên thế giới, đề nghị của Google được quan tâm và nhận nhiều ý kiến ủng hộ, trái ngược với tâm trạng chống đối ở một số quốc gia có thị trường sách, văn học phát triển.

Tuy nhiên, dù dư luận không mấy quan tâm thì những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý bản quyền, theo nguyên tắc tận dụng tối đa mọi lợi ích có thể cho các tác giả, đã không bỏ quên Lạc Việt. Ngay thời điểm Google rầm rộ nhất, VLCC đã ký với Lạc Việt một hợp đồng cho phép số hóa các tác phẩm do họ đại diện bản quyền. Số lượng sách ban đầu là 3.000 tác phẩm, và đến thời điểm hết năm 2009 đã lên đến trên 5.000 tác phẩm.

Thế nhưng, như đã nói ở trên, vai trò của Google vẫn được chú ý nhiều hơn. Nhiều tác giả lo lắng rằng nếu bán bản quyền số hóa cho Google thì sẽ không thể bán tiếp quyền này cho đơn vị khác. Và với tâm lý ưu tiên cho Google, nhiều tác giả đã ngần ngại khi tiếp xúc với Lạc Việt, dù trên thực tế lúc đó vẫn chưa có thông tin nào về việc Google độc quyền số hóa tác phẩm.

Mọi việc bắt đầu thay đổi từ sau khi Google gặp khó khăn về pháp lý. Theo bà Đàm Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC, những thương thảo giữa VLCC và Google vẫn đang tiếp tục nhưng nhiều người bắt đầu mất lòng tin vào sự thành công của dự án Google Books. Và lúc này, người ta bắt đầu chú ý đến Vietgle, thư viện sách số của Công ty Lạc Việt, đã hình thành và đi vào hoạt động trên mạng suốt thời gian qua.

Khó khăn và cơ hội

Không thể phủ nhận Google đã gây khó khăn lớn cho Vietgle, nhưng cũng phải thừa nhận rằng sau đó Google cũng đã góp phần tạo thuận lợi cho Vietgle. Trước “sự kiện” Google, rất nhiều người, nhất là các tác giả, không mấy quan tâm đến bản quyền số. Nhờ vụ Google, họ đã chú ý hơn và kết quả là VLCC được nhiều tác giả ủy quyền. Theo bà Lam Luyến, đến nay đã có hơn 9.000 tác giả trong cả nước ủy quyền VLCC đại diện họ trong việc giao dịch bản quyền. Đây chính là nền tảng thuận lợi để VLCC có tiếng nói trọng lượng hơn và cũng vô tình giúp Vietgle thuận lợi khi nhanh chóng có được ủy quyền của một số lượng lớn tác giả, để góp phần xây dựng Vietgle đa dạng hơn.

Cũng lúc này, ưu thế của Vietgle đã được thể hiện rõ nét. Đó là Vietgle có thuận lợi hiểu rõ thị trường bạn đọc trong nước. Điểm thuận lợi đầu tiên chính là vấn đề thanh toán khi Vietgle có hệ thống thanh toán qua thẻ ATM của các ngân hàng trong nước, như Vietcombank, TechcomBank, DongA Bank…

Vietgle hiện cũng đã phát triển xong hệ thống kỹ thuật nhằm phát huy hết thế mạnh của sách số, như việc hỗ trợ tìm kiếm theo yêu cầu, đánh giá, góp ý về những tác phẩm nhằm tạo thêm sự lựa chọn cho bạn đọc khác… Đặc biệt, Vietgle còn có hệ thống cho phép chép một đoạn tác phẩm và chuyển thành dạng âm thanh nhằm phục vụ người khiếm thính. Theo ông Hà Thân, Giám đốc Công ty Tin học Lạc Việt, bên cạnh sách thương mại, Vietgle còn có nhiều sách miễn phí, đáp ứng nhu cầu đọc sách của bạn đọc.

Về vấn đề kinh doanh, theo hợp đồng giữa Lạc Việt và VLCC thì 40% doanh thu bán một tác phẩm sẽ thuộc về chủ sở hữu bản quyền, 20% thuộc về VLCC. Tuy giá bán một tác phẩm số khá rẻ, nhưng cũng chính vì thế nên số lượng mua nhiều hơn so với sách truyền thống, sẽ đem lại một khoản thu không nhỏ cho các tác giả.

Sự kiện của Google với dự án Google Books như một viên đá làm khuấy động mặt nước thị trường sách số hóa trong nước. Và với sự bắt đầu khá thuận lợi của Vietgle, thị trường số hóa sách hứa hẹn sẽ thu hút đông người đầu tư hơn, đem lại cho bạn đọc cũng như các tác giả trong nước một phương thức phân phối, thưởng thức sách mới, góp phần tăng tính đa dạng của thị trường sách Việt Nam.

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Độc đáo gỗ lũa Hoài Ân   (27/12/2009)
Những người mê mô tô   (27/12/2009)
Khởi sắc vùng cao  (27/12/2009)
Thêm một tiểu thuyết về Sư đoàn 3 Sao Vàng  (26/12/2009)
Nghe một người yêu quê hương kể chuyện  (26/12/2009)
Đừng thấy khó mà… quên  (26/12/2009)
Nhạc phẩm "The Christmas Song" tròn 65 tuổi  (25/12/2009)
Bế mạc Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ 7  (25/12/2009)
Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Cặp kèn đá 1.000 năm  (24/12/2009)
Gieo một mùa hoa  (24/12/2009)
"Sự tích" những ca khúc nổi tiếng của NS Hoàng Hiệp  (23/12/2009)
Dự “bài chòi”  (22/12/2009)
LHP châu Á - Thái Bình Dương lần 53: Nhạc phim "Chơi vơi" của Việt Nam đoạt giải Ca khúc hay nhất  (21/12/2009)
Bức tranh “Anh hùng Điện Biên” được ghi sách kỷ lục Việt Nam  (21/12/2009)
Đưa lịch sử vào các trò chơi giải trí  (20/12/2009)