LÀNG BÚN, BÁNH AN PHONG:
Mặn mà với nghề xưa
6:12', 2/1/ 2010 (GMT+7)

Đi trên con đường vào khu An Phong (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) người ta thường thấy nhiều vỉ phơi bánh tráng, phở, hủ tiếu, nằm vàng hươm trong nắng. Hình ảnh này dễ chừng cũng đã có đến cả trăm năm rồi.

 

Bánh tráng An Phong có được chất lượng riêng nhờ làm kỹ các công đoạn.

 

Tìm đến hộ gia đình ông Lê Xuân Trang, một trong những người làm nghề lâu năm nhất của An Phong, thì thấy đôi vợ chồng già đang vui vẻ cùng nhau làm bánh phở, bánh hủ tiếu. Bà Lê Thị Lan, vợ ông Trang, cho biết: “Đây là nghề được trao truyền qua nhiều thế hệ. Không ai biết đích xác làng có nghề từ lúc nào nhưng chắc chắn đã hơn trăm năm. Vợ chồng tôi theo nghề từ khi lấy nhau năm 25 tuổi, đến nay, đã gắn bó được gần 50 năm. Nhờ nghề này phụ với nghề nông mà kinh tế gia đình tạm ổn, nuôi dạy con cái trưởng thành. Nay, tuổi cao sức yếu, nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng tham gia đỡ đần con cháu…”. Ở khu phố An Phong, số hộ có nhiều thế hệ cùng tham gia giữ nghề truyền thống như gia đình bà Lan khá phổ biến.

Không như các làng nghề bánh tráng truyền thống khác chỉ làm một loại sản phẩm, người dân An Phong làm cả bánh tráng, bún phở, bún hủ tiếu. Chị Trần Thị Ngọc Duyên (37 tuổi, tổ 4 khu phố An Phong), cho biết: “Thế hệ bà, mẹ chúng tôi trước đây chủ yếu làm bún phở và bún hủ tiếu; nhưng khoảng vài chục năm gần đây người dân trong làng bắt đầu làm thêm bánh tráng. Từ vài người ban đầu, đến nay, số hộ gia đình làm bánh tráng cũng nhiều như làm bún. Sản phẩm làm ra được thương lái đến tận nơi thu mua ngay trong ngày. Bánh tráng đắt hàng như vậy vì chúng tôi tiến hành kỹ các công đoạn, từ lựa chọn nguyên liệu gạo và bột nhứt, đến việc đánh và sàng lọc bột cho sạch không lẫn tạp chất… nên bánh ăn bùi dai và không bị chua”.

So với làm bánh tráng, việc làm bún phở, hủ tiếu tốn công hơn, do có thêm nhiều công đoạn. “Bún phở khô thì làm bằng bột gạo, còn bún hủ tiếu thì làm bằng bột nhứt. Công đoạn đầu tiên cũng là tráng thành bánh và phơi khô, nhưng sau đó, lại đem đi nhúng nước, rồi tủ kín bằng ni lon; để một thời gian cho bánh sượng lại, thì cắt ra thành sợi nhỏ, rồi quấn thành cục và đem phơi khô một lần nữa, mới có sản phẩm hoàn chỉnh. Trước đây, việc cắt bánh thành cọng phở, hủ tiếu thường làm bằng tay đòi hỏi sự chịu khó, khéo léo nên người phải lành nghề mới làm được, rất tốn thời gian. Vài năm gần đây, người trong làng mua máy cắt sợi bún đem về sử dụng nên năng suất tăng lên rất nhiều…” - bà Lê Thị Lan cho biết.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình làm nghề ở An Phong sản xuất được từ 20-30 kg bánh tráng hoặc bún phở, bún hủ tiếu. Sản phẩm ngoài việc tiêu thụ tại chỗ, còn được đem đi bỏ mối tại các chợ, quán ăn trong vùng. Do đó, nghề truyền thống phát triển khá mạnh, thu hút được nhiều lao động. Hiện nay, ở làng nghề An Phong có khoảng hơn 60 hộ tham gia sản xuất, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 700 tấn sản phẩm.

Nghề làm bánh, bún không chỉ giúp người dân cải thiện đời sống kinh tế, mà còn trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất An Phong. Làng nghề An Phong cũng đã nhận được sự hỗ trợ đầu tư phần nào về cơ sở hạ tầng, vốn vay cho các hộ sản xuất… nhưng để làng nghề có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự quy hoạch, định hướng cụ thể để người dân giữ gìn và nâng cao chất lượng của sản phẩm làng nghề.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai hội Festival hoa Đà Lạt: Ra ngõ gặp hoa  (01/01/2010)
15 thí sinh lọt vào vòng chung kết  (01/01/2010)
Khai mạc lễ hội hoa Hà Nội  (31/12/2009)
Đón chào năm mới-2010!  (31/12/2009)
Thiếu vắng dấu ấn sáng tạo  (31/12/2009)
Hát nhép, bị phạt tiền!  (30/12/2009)
Giữ gìn báu vật quốc gia  (29/12/2009)
Đám giỗ một thi nhân  (29/12/2009)
“Hồn Việt” hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội  (29/12/2009)
Ly kỳ bảo vật Việt Nam - Độc đáo đàn đá Khánh Sơn  (28/12/2009)
10 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2009  (28/12/2009)
Dạ hội chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số  (28/12/2009)
Số hóa sách ở Việt Nam: Google thất thế và cơ hội của sách số trong nước  (27/12/2009)
Độc đáo gỗ lũa Hoài Ân   (27/12/2009)
Những người mê mô tô   (27/12/2009)