Vừa qua, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định đã tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (từ ngày 20-27.12.2009). Theo đó, 7 đội chiếu bóng lưu động ở các huyện trong tỉnh và Rạp 31.3 (Quy Nhơn) đã trình chiếu các bộ phim Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Người dân Bình Định đã được sống lại trong không khí cách mạng một thời thông qua những thước phim…
|
Đời sống đồng bào vùng miền núi khá lên từng ngày, nhưng chiếu phim lưu động vẫn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng cần duy trì và phát triển. |
Ngoài 2 huyện Tuy Phước và An Nhơn, các huyện trong tỉnh còn lại và TP Quy Nhơn đều tổ chức chiếu phim phục vụ. Ngoài “Đừng đốt”, danh mục phim trong Tuần phim kỷ niệm đợt này khá hấp dẫn, đa dạng với dòng phim tư liệu cách mạng: “Dấu ấn thế kỷ”, “Con đường sáng”; các phim khai thác về đề tài hậu chiến như “Còn lại với thời gian”, “Mùa thu không cô đơn”; phim đề tài miền núi, ca ngợi về hình ảnh người lính trinh sát, đặc công như “Cao xanh không lối”, “Nữ trinh sát đặc nhiệm”…
Tại Rạp 31.3 (Quy Nhơn), Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng đã tổ chức chiếu miễn phí “Đừng đốt” - bộ phim nổi tiếng về nữ anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - cho đối tượng là chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Anh Huỳnh Trọng Linh (Đại đội Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) sau khi xem xong phim, chia sẻ: “Sau khi xem phim, tôi cứ ngẫm nghĩ, những bức thư, tập nhật ký của người chiến sĩ đã hy sinh cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày trước, đến nay còn giữ được, đang nói gì với đời sống chúng ta? Không riêng tôi, rất nhiều bạn bè trong đơn vị đã chủ động mua cuốn nhật ký đặc biệt này về đọc, như thêm một liều thuốc bổ trợ tinh thần cho mình”.
Trong hai đêm 21 và 22.12, thôn Hà Lũy (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) náo nức, rộn ràng hơn khi Đội Chiếu bóng lưu động huyện Vân Canh về phục vụ cho đồng bào. Nếu bộ phim “Nữ trinh sát đặc nhiệm” với những màn đấu võ gay cấn thu hút lớp thanh niên, thì 2 tập của bộ phim “Mùa thu không cô đơn” khai thác đề tài hậu chiến gây nhiều xúc cảm cho cánh phụ nữ, người già. Chị Lơ O Thị Bum, từ làng Kà Bưng sang làng Hà Lũy xem phim, kéo vạt áo chấm nước mắt: “Thương cho chị Thắm quá”. Chị Thắm đây không phải hàng xóm hay người thân, bạn bè của chị, mà là nhân vật nữ chính trong phim “Mùa thu không cô đơn”!
Đội Chiếu bóng lưu động huyện An Lão trong 4 đêm (22, 23 và 26, 27.12) có mặt tại thôn Gò Bùi và thôn 7 (thị trấn An Lão) để trình chiếu các phim cách mạng như “Ván bài lật ngửa”, “Bông sen” và một số phim khác. Anh Nguyễn Văn Lưu, Đội trưởng Đội Chiếu bóng lưu động huyện, người có thâm niên gần 30 năm trong công tác này, cho biết: “Thời điểm này là mùa mưa nên chúng tôi tổ chức chiếu trong nhà rông, xem ra ít “không khí” hơn chiếu ngoài trời. Ngay khi chúng tôi bắc loa thông báo có đoàn chiếu bóng về, chứng kiến cảnh người lớn, trẻ em trong thôn chộn rộn, bàn tán, anh em trong Đội cảm thấy rất vui. Để đến với thôn 1, thôn 3, thôn 5 xã An Nghĩa, một số thôn ở các xã An Vinh, An Dũng thuộc huyện An Lão, chúng tôi phải di chuyển rất vất vả, nhiều thôn phải vác máy đi bộ đường rừng hoặc lội vượt sông; nhưng đó cũng là những nơi chúng tôi được chào đón rất nồng hậu”.
Theo ông Nguyễn Hải Lan, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định: “Trung bình mỗi tháng, mỗi đội chiếu bóng lưu động của huyện sẽ phục vụ từ 20-25 đêm, xoay vòng, trải đều tất cả các xã. Trong đợt phim kỷ niệm này, Trung tâm quy định mỗi đội sẽ chiếu phục vụ bà con 3 suất tại 3 điểm khác nhau. Như vậy, đợt phim vừa qua, người dân ở 21 thôn, làng trong toàn tỉnh đã được xem phim”.
|