Do vật đổi sao dời, điện thờ, đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Tây Sơn) có nhiều thay đổi. Điều đáng nói là kèm theo đó, có sự thay đổi các câu đối ở các liễn thờ. Sự thay đổi này thể hiện sự phát triển của những nhận định, đánh giá về các nhân vật lịch sử.
|
Các đồng chí lãnh đạo dâng hương tại điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Ảnh: Văn Lưu
|
Theo sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn- Quách Giao (Bảo tàng Quang Trung xuất bản, năm1998), sau khi nhà từ đường Tây Sơn tam kiệt bị nhà Nguyễn san phẳng, nhân dân địa phương đã dựng lên trên nền cũ một ngôi đình bí mật thờ ba vua Tây Sơn. Do chiến tranh, đình lại bị san phẳng, mãi đến năm 1960, người dân địa phương chung tiền chung sức dựng đền thờ Tây Sơn nơi đình cũ.
Sau năm 1975, đất nước hòa bình thống nhất, chúng ta có điều kiện xây dựng lại từ nơi phát tích phong trào Tây Sơn vĩ đại với Bảo tàng Quang Trung tầm quốc gia và điện thờ Tây Sơn tam kiệt khang trang. Đền thờ cũ và điện thờ hiện nay cùng đều dựng lên trên nền nhà xưa ba người hùng áo vải từng lớn lên.
1.
Trước đây, đền thờ có 3 câu liễn thờ 3 anh em nhà Tây Sơn theo 3 án thờ. Như sau:
Tại án thờ Hoàng đế Thái Đức: “Nhất trường oanh liệt kinh thiên địa/ Vạn cổ thần uy bính nhật tinh”. Dịch: “Một trường sấm sét khiến trời đất cũng kinh hãi/ Muôn thuở oai thần sáng rực cùng mặt trời và trăng sao”. Tại án thờ Hoàng đế Quang Trung: “Thần võ duy dương kinh Bắc địa/ Uy linh hiển tướng lẫm Tây Sơn”. Dịch: “Trổ tài trí thông minh và oai võ khiến giặc Thanh phương Bắc phải kinh hãi/ Oai linh còn hiển hiện lẫm liệt trên đất Tây Sơn”. Tại án thờ Đông Định Vương: “Nam hải hùng phong hào đại địa/ Tây Sơn anh khí phối sùng từ”. Dịch: “Gió lớn biển Nam còn gào trên đất lớn/ Anh khí Tây Sơn phối tự tại đền cao”. Phần lời dịch là của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch.
Câu đối thờ là của một bậc túc nho tên tuổi Bình Định: Hà Trì Trần Đình Tân (1893-1979), năm 21 tuổi đỗ cử nhân thứ 11/18 của Trường thi Bình Định, sau làm đến Thương tá tỉnh vụ Ninh Thuận, hàm Tùng Tam phẩm. Hà Trì tiên sinh đã có đến cả chục trước tác từ thơ, đối, biên khảo, dịch thuật, tự điển… Những năm sáu mươi của thế kỷ trước, ông hẳn là bậc chữ nghĩa đáng kính trọng và khi đền thờ được dựng lên, những câu chữ thờ của ông hiển nhiên có giá trị nhất định.
2.
Điện thờ hiện nay có 2 câu đối thờ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Một câu chung cho 3 anh em Tây Sơn tam kiệt và một câu cho riêng Vua Quang Trung. Câu chung: “Thiên thu công tích, huynh hòa đệ/ Vạn cổ anh hùng, dân khả vương”. Dịch: “Công tích ngàn năm, có công của anh và công của em/ Là đấng anh hùng muôn thuở, vốn là dân có thể trở thành vua”. Câu dành riêng cho Vua Quang Trung: “Thần võ duy dương, kinh quốc tặc/ Uy danh bách thắng, độc minh công”. Dịch: “Mỗi lẫn xuất quân ra trận kinh hồn bọn giặc nước/ Uy danh vị tướng bách chiến bách thắng chỉ có mỗi mình ngài”. Lời dịch cũng của chính nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn.
“Thờ là để ghi nhớ công tích tiền nhân, để noi gương, để tự hào tự tin, để sống cho xứng đáng”. |
Có 2 sự khác nhau: quan điểm và chữ nghĩa từ mấy câu đối thờ trước và nay. Về quan điểm: Hà Trì Trần Đình Tân tách bạch từng người, ghi nhận công tích từng người của Tây Sơn tam kiệt; Vũ Ngọc Liễn viết chung cho 3 người và viết riêng cho Vua Quang Trung. 3 câu cũ xét kỹ thấy đánh giá công tích Thái Đức Nguyễn Nhạc lớn nhất, thứ đến mới là Vua Quang Trung, còn Đông Định Vương Nguyễn Lữ như một sự “ăn theo”, một sự thờ gạnh (phối sùng từ).
Với Vũ Ngọc Liễn, đã thờ phụng thì phải thờ đúng nghĩa. Có lần, ông nói với nhà thơ Quách Tấn rằng, lâu nay các anh trong này thờ cúng như vậy, chứ tôi nghĩ ngày giỗ, ông Nhạc, ông Huệ về, chứ ông Lữ không về dự đâu. Nên câu chung ông viết: “huynh hòa đệ”. Và theo ông, Vua Quang Trung được đánh giá công tích lớn nhất nên dành riêng câu cho bậc anh hùng này.
Về chữ nghĩa: sự tôn vinh của Hà Trì Trần Đình Tân dành cho tiền nhân chung chung và có phần sáo, có thể văn chương Hán ngữ thời này cách nói vậy chăng? Ví như câu dành cho Vua Thái Đức. Vì câu này dành cho bậc anh hùng cái thế nào cũng được cả. Lại nữa, chữ “hào đại địa” dù có nối ý “kinh thiên địa”, rồi “kinh Bắc địa” cũng cứ tối nghĩa. Cũng như, công tích của Vua Quang Trung nếu chỉ “kinh Bắc địa” là chưa đúng với kỳ tích chinh Nam phạt Bắc, đánh đổ 2 tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn, 2 kẻ thù ngoại xâm Xiêm, Thanh. Vũ Ngọc Liễn nói đúng bản chất vấn đề hơn khi thờ tam kiệt chữ “dân khả vương” và đặc biệt dành cho Vua Quang Trung chữ “bách thắng độc minh công”. Ngay cả chữ “kinh quốc tặc” cũng ổn hơn. “Giặc nước” không chỉ ngoại xâm mà còn cả “nội phản”.
3.
Thờ tiền nhân, viếng đối tiền nhân mỗi thời có cái lý riêng để tôn vinh phù hợp. Những câu đối thờ Tây Sơn tam kiệt từ ký thác tinh anh của Trần Đình Tân rồi đến Vũ Ngọc Liễn là chuyện hợp lý bình thường. Có thể sau này lại một hậu sinh nào viếng thờ hay hơn, hợp hơn, thì thay câu mới. Đó là chuyện không hiếm! Thờ là để ghi nhớ công tích tiền nhân, để noi gương, để tự hào tự tin, để sống cho xứng đáng. Lịch sử, thời gian và tâm thức dân tộc sẽ định giá, nối tiếp định giá.
|